Lê Thánh Tông (1442- 1497) là vị vua thứ tư thời Lê Sơ. Trong thời gian 38 năm ở ngôi, vua đã ban hành nhiều cải cách về chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Bên cạnh tài năng thiên phú về trị quốc, an dân, vua Lê Thánh Tông còn nổi tiếng về thơ văn. Vua đã cho lập hội Tao Đàn “nhị thập bát tú” để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác về văn chương.
Đối với kinh đô tâm linh Lam Kinh, đất quý hương của nhà Lê, vua Lê Thánh Tông luôn dành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt. Trong thời gian ở ngôi vua đã 7 lần về thăm Lam Kinh. Vào ngày 11 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 22 ( 1491), vua về tế tổ tại Lam Kinh đã cảm động viết bài thơ “Ngự chế Quang Đức điện thượng bái yết lễ chung tư cảm chi gian nga thành tứ vận”.
Phiên âm:
Ngự chế Quang Đức điện (1)
thượng bái yết lễ chung tư cảm chi gian nga thành tứ vận
Thiện khánh(2) duyên miên tưởng đức âm
Ô phi thố tẩu nhật xâm xâm
Hoàng kim điện thượng thanh linh hiển
Bạch ngọc giai tiền kính uý thâm
Viễn kiệu lăng vân thanh ẩn ẩn
Lão tùng tủng cốt lục sâm sâm
Vạn niên tôn tử phi thừa khác
Thanh mộng trùng trùng cố quốc tâm
Dịch nghĩa:
Vua trên điện Quang Đức
lễ bái yết xong giữa lúc suy tư cảm động bỗng viết bốn vần thơ
Tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên do tích thiện nên để lại phúc ấm lâu dài,
Thỏ lặn ác tà thời gian thấm thoắt.
Trên điện vàng son anh linh tổ tiên hiện về,
Trước thềm bạch ngọc con cháu tôn kính sâu sắc.
Núi xa vút trời màu xanh ngăn ngắt,
Tùng xưa vươn thẳng sắc biếc sum suê.
Muôn đời cháu con một lòng kính cẩn,
Tấm lòng hướng về đất nước, lớp lớp hiện về trong giấc mơ.
Dịch thơ:
Công đức bao đời tựa ánh dương
Thoi đưa thấm thoát tháng năm trường
Anh linh trên điện ngời tiên tổ
Ân hiếu trước thềm rạng đế vương
Ngăn ngắt trời cao, xanh đỉnh núi
Xum xuê tùng biếc, thắm quanh tường
Muôn đời con cháu lòng thành kính
Ngưỡng vọng nước nhà những tấm gương
(Bản dịch của Phạm Thuý Lan)
Trải bao thỏ lặn ác tà
Phúc dày nhờ đức ông cha mấy đời
Điện vàng linh hiển ngời ngời
Bệ ngọc tôn kính khôn rời phút giây
Xanh xanh đỉnh núi vút mây
Tùng cao vòi vọi lớp cây tầng tầng
Muôn đời con cháu kính dâng
Tấm lòng cố quốc bâng khuâng đêm trường
(Bản dịch của Hoàng Lê)
Chính điện là công trình lớn nhất trong khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với diện tích hơn 1.600 m2, kiến trúc hình chữ Công ( I) gồm 3 tòa điện:
- Tiền điện (điện Quang Đức) có diện tích: 741 m2
- Trung điện (điện Sùng Hiếu) có diện tích: 180 m2
- Hậu điện (điện Diễn Khánh) có diện tích: 741 m2
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, Chính điện đã bị hủy hoại chỉ còn lại nền móng. Năm 2010, dựa trên nhiều căn cứ khoa học Chính điện được khởi công bảo tồn, phỏng dựng với số lượng hơn 2.000m3 gỗ lim. Có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật, vân mây, hoa lá, chạm nổi, chạm bong một số lớp độ sâu dao động từ 10cm- 20cm (tùy theo chủ đề và vị trí chạm). Toàn bộ một tầng mái,vách gỗ đố lụa; cửa bức bàn 5 gian, cửa sổ trang trí hoa văn, ngạch cửa bằng đá.
Trải qua gần 12 năm thi công và hoàn thiện, đến ngày 2 tháng 4 năm 2022, Chính điện đã hoàn thành với kiến trúc mang đậm phong cách thời Hậu Lê có giá trị to lớn về lịch sử, tâm linh và mỹ thuật cung đình./.
Chú thích:
(1). Quang Đức điện là tên 1 trong ba tòa điện của Chính điện Lam Kinh. Vào năm 1456, Vua Lê Nhân Tông về thăm Lam Kinh đã đặt tên cho 3 tòa điện này gồm: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh.
(2). Thiện khánh: Lấy nghĩa từ câu “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh” nghĩa là nhà tích lũy được nhiều điều thiện ắt sẽ có phúc ấm dồi dào.
Bài : Lê Thị Loan
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK