Từ ngày 26/6-30/6/2023, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Cục Di sản văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa dành cho các bảo tàng và di tích khu vực phía Bắc.
Giảng viên của lớp đào tạo, bồi dưỡng là các chuyên gia về công tác giáo dục di sản và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục, trải nghiệm đến từ Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia … Lớp đào tạo, bồi dưỡng đã thu hút hơn 200 học viên là lãnh đạo phụ trách chuyên môn và viên chức trực tiếp làm công tác thuyết minh, giáo dục đến từ các bảo tàng, di tích khu vực phía Bắc.
Tham gia khóa đào tạo, ngoài việc nghe các giảng viên truyền tải lý thuyết, các học viên còn được thực hành, thực hiện qui trình xây dựng nội dung và tổ chức một chương trình giáo dục di sản theo hình thức chia nhóm, thực hành và báo cáo kết quả, sản phẩm của từng nhóm.
Các chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ trong tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích” và “Phương pháp xây dựng, tổ chức chương trình giáo dục di sản có ứng dụng công nghệ thông tin” do Ths. Phạm Thị Mai Thuỷ - Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng BTLSQG giới thiệu đã thực sự thu hút, quan tâm đặc biệt của các học viên.
Trong các chuyên đề này, bên cạnh nội dung lý thuyết, các học viên còn được tham dự trực tiếp một chương trình giáo dục trực tuyến - “Giờ học Lịch sử online” với chủ đề "Về thời Hồng Bàng" (do cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện dành cho các em trên toàn quốc), qua đó, các học viên có thể dễ dàng hình dung các bước, quy trình tổ chức, hiểu hơn những thuận lợi, khó khăn, những tình huống phát sinh trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện một chương trình giáo dục di sản có ứng dụng công nghệ ở Bảo tàng, di tích.
Lớp đào tạo, bồi dưỡng là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, giúp các cán bộ trực tiếp làm công tác thuyết minh, giáo dục tại di tích có cơ hội được học hỏi, tiếp cận những kiến thức mới, phương pháp, kỹ năng thực hiện công tác giáo dục di sản, thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục tại di tích./.
Giảng viên - Ths. Phạm Thị Mai Thủy (Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng BTLSQG) giới thiệu chuyên đề
“Phương pháp xây dựng, tổ chức chương trình giáo dục di sản có ứng dụng công nghệ thông tin”
Học viên làm bài tập nhóm
Học viên làm bài tập nhóm
Học viên đi tham quan thực tế tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Tin, ảnh: Trịnh Thị Phương
Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh