Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Bia đá Vĩnh Lăng, báu vật về vua Lê Thái Tổ


Ngày 30 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg. Hiện nay, Bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ đang được lưu giữ và trưng bày tại khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) với số ký hiệu LK2010 VL.PT - Đđ 7/2.

Phương đình bia Vĩnh Lăng. Nguồn: Ban Quản lý di tích Lam Kinh.

Đại diện tiêu biểu của nghệ thuật khắc bia đá thời Lê Sơ

Bia Vĩnh Lăng còn gọi là Bia Vĩnh Lăng Lam Sơn hay bia Vĩnh Lăng Lam Kinh, là một bia đá cổ thời Lê Sơ, đặt ở lăng vua Lê Thái Tổ, tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bia ký nằm ở phía Tây Nam, cách khu lăng mộ khoảng 300m, liền kề với hồ Tây. Bia được đặt trên một gò đất cao thoai thoải hướng về phía Nam. Năm 1961, một tòa phương đình được xây lên che cho bia với mục đích hạn chế ảnh hưởng của khí hậu đối với bia.

Bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, nặng khoảng 18 tấn. Hiện vật gồm hai phần gồm bia ký và rùa đỡ bia. Trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể sống trong nước biển (trai, sò, hến....).

Bia hình chữ nhật, rộng 1,94 m; cao: 2,79 m; dày 0,27 m được đặt trên lưng rùa. Trán bia hình vòng cung, mặt trước chính giữa được khắc hình vuông, trong hình vuông khắc một hình tròn, chính giữa hình tròn chạm rồng nổi 5 móng, thân uốn lượn vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, mặt hướng thẳng về phía trước. Hai bên cạnh trán bia mỗi bên chạm nổi hình một con rồng, thân to uốn lượn, đầu đang trong tư thế vươn cao chầu vào hình vuông và hình tròn bên trong có rồng cuộn đầu vươn cao.

Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau nối từ đỉnh xuống đế bia, giữa hai đường chỉ bên trong trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề được khắc một hình rồng nổi, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại theo lá đề, đầu rồng hướng vươn lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc, trong khoảng cách giữa các hình lá đề đều được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây.

Sát đế bia chạm khắc hoa văn hình sóng nước theo băng đều nhau nhô lên trông giống hình người ngồi thiền. Hai hông bia mỗi bên khắc 10 hình tròn nằm sát nhau kéo từ đỉnh bia xuống đế bia, bên trong mỗi hình tròn khắc hai đường chỉ nổi, giữa hai đường chỉ nổi khắc hoa văn hình xoắn móc câu, bên trong hình tròn khắc một hình rồng nổi, thân bóng trơn, không có vảy, uốn lượn mềm mại, đầu trong tư thế vươn lên cao. Khoảng cách giữa các hình tròn được chạm khắc hoa văn cúc dây đều nhau xen lẫn vân mây. Hai bên sườn bia trang trí mỗi bên hai đường chỉ chìm kéo từ đỉnh bia xuống đế bia, khoảng giữa hai đường chỉ trang trí hình xoắn móc câu.

Mặt trước bia khắc chữ Hán, khoảng 750 chữ, tên bia viết theo lối chữ Triện, nội dung văn bia viết chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn, người khắc chữ Hán là quan Hàn Lâm Viện Đãi Chế thần Vũ Văn Phỉ. Toàn văn ghi về chi tộc, ngày mất, thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ, những sự kiện quan trọng diễn biến trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như khi đất nước độc lập khải hoàn dưới thời vua Lê Thái Tổ.

Mặt sau giữa trán khắc hình chữ nhật, hai bên mỗi bên khắc một hình rồng, thân dài, trơn, không có vảy, đang uốn lượn, đầu ngẩng cao, chầu vào. Từ đỉnh trán bia xuống đế bia khắc hai đường chỉ chạy song song với nhau theo chiều cao của bia, giữa các đường chỉ nổi mỗi bên được khắc 9 hoa văn hình nửa lá đề nối tiếp nhau từ đỉnh bia đến đế bia. Trong mỗi hình nửa lá đề khắc một rồng, rồng 3 móng vuốt sắc nhọn, thân dài, trơn, không có vây, uốn lượn mềm mại theo hình lá đề, đầu hướng lên trán bia, miệng nhả ngọc, khoảng cách giữa các lá đề được khắc hình hoa cúc dây. Diềm đế bia khắc hình sóng nước nhấp nhô tựa hình người đang ngồi niệm phật.

Dưới đế bia là rùa có kích thước dài 3,46m; rộng 1,94m; dày 0,90m. Rùa trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân và 6 móng to khoẻ, trong 6 móng có móng thứ 6 bị đục lõm vào giống hình giọt nước (chấm thuỷ trong chữ Hán). Đuôi rùa to, vắt ngược lên lưng uốn lượn mềm mại, phía dưới bụng rùa sát đế khắc 3 đường gờ nổi chau chuốt, kỹ thuật chế tác bằng thủ công.

Dưới triều Lê Sơ tư tưởng Nho giáo được đề cao. Hoàng đế Lê Thái Tổ và các vị vua kế nghiệp đã dùng học thuyết Nho giáo làm công cụ tư tưởng để điều hành đất nước cũng như xây dựng nền văn hoá dân tộc. Trong quan niệm của Nho giáo vua chính là con trời, thay trời hành đạo, rồng là biểu tượng về vua, về quyền lực tối thượng. Bia Vĩnh Lăng là mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc và trải qua những chuyển biến liên tục để đến bia vua Lê Thánh Tông, Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao đã tiến tới định hình cho một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh - Nghệ thuật thời Lê Sơ.

Bia Vĩnh Lăng Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nguồn: Ban Quản lý di tích Lam Kinh

Bia đá ở vùng đất linh thiêng

Bia Vĩnh Lăng được làm vào thời Lê Sơ, năm Thuận Thiên thứ 6 (năm 1433). Tháng 8 nhuận năm Quý sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long (Hà Nội), được đưa về quê hương Lam Sơn an táng, xây lăng, dựng bia tại Vĩnh Lăng. Các vị vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê Sơ. Việc mai táng các vua và Hoàng hậu triều Lê, ngoài việc xây lăng, đắp mộ, còn dựng cả một tấm bia to lớn để ghi lại lai lịch, công đức của người yên nghỉ trong lăng.

Ở Lam Kinh có 6 vị vua và 2 bà Hoàng Hậu sau khi qua đời được đưa về quê hương an táng: Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và 2 bà hoàng: Bà Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên. Ngoài các khu lăng mộ ở Lam Kinh còn được xây dựng Điện, Miếu để thờ cúng, tôn vinh, tưởng niệm tổ tiên và các vua, Hoàng hậu thời Lê. Tuy nhiên, trải qua gần 6 thế kỷ với biết bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hiện nay Lam Kinh chỉ còn 6 ngôi mộ và 5 tấm bia đá. Bia Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ là một trong những tấm bia tiêu biểu điển hình kỹ thuật gia công chế tác, điêu khắc cho các bia mộ hoàng đế triều đại Lê Sơ.

Bia Vĩnh Lăng còn là một tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở Việt Nam dưới thời Lê Sơ, là một trong những điển hình trọn vẹn nhất của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ. Bia Vĩnh Lăng giữ được “cái tinh tế, mềm mại, nhưng chắc khỏe trong nghệ thuật và hình thái biểu hiện, là hình dạng đẹp và hoàn chỉnh của các kiểu mẫu; là sự uyển chuyển, hài hòa của các hoa văn được biểu hiện trên tác phẩm điêu khắc”.

Tài liệu tham khảo
Hà Văn Tấn (chủ biên) (2002), Khảo cổ học Việt Nam, trong Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, t.3.
Nguyễn Đức Nùng (Chủ biên) (1978), Mỹ thuật thời Lê Sơ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
Nguyễn Văn Đoàn (2004), “Khu di tích trung tâm Lam Kinh (Thanh Hóa)”, Luận án Tiến sĩ Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học.

Nguồn Báo Lao Động.

Chủ nhật, 13/08/2023 13:30

NGUYỄN HỮU MẠNH


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh