Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT LAM KINH


       Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có tổng diện tích rừng 169,45 ha,  trong đó diện tích rừng đặc dụng là 97 ha, với 66 loài cây bản địa quý hiếm. Quan sát từ phía đường Hồ Chí Minh, du khách có thể thấy rừng Lam Kinh hiện lên với màu xanh căng tràn sức sống. Cùng với những ngọn đồi lượn sóng, khu rừng Lam Kinh đã tạo cho vùng đất cổ Lam Sơn một màu xanh mướt. Tuy không nằm ở những nơi thâm sơn cùng cốc như nhiều khu rừng khác, nhưng lá phổi xanh rộng 97 ha này gần như vẫn còn nguyên trạng với khoảng 300 - 400 loài thực vật, trong đó có 70 loài gỗ quý như: Sui, Dổi, Ngát vàng, Lim xanh, Long não... Năm 2013, Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 18 cây cổ thụ tại rừng Lam Kinh là cây di sản Việt Nam. Trong đó, tại trung tâm di tích lịch sử Lam Kinh là 13 cây gồm: 02 cây Đa lông, 01 cây Sui, 02 cây Dổi lụa, 05 cây Ruối, 01 cây Sồi nếp, 01 cây Lim xanh, 01 cây Ngát trơn. Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai (xã kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) có 5 cây: 02 cây Đại, 02 cây Sấu, 01 cấy Đa. Trong số các cây di sản được công nhận đợt này có gần nửa số cây có độ tuổi 500 - 600 năm, số còn lại trên 300 năm. Trong số các cây di sản đó, tiêu biểu có cây Đa thị và 02 cây Đại cổ.

Toàn cảnh trung tâm khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh

       Đến thăm Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngay khi bước qua Ngọ Môn, du khách sẽ được hướng dẫn viên mời dừng chân và giới thiệu về một trong những cây di sản độc đáo bậc nhất của Khu di tích: Cây Đa - Thị. Với chiều cao khoảng 40m cây như một cây đại thụ che chắn cho khu điện miếu phía sau, tạo thêm sự linh thiêng và vẻ đẹp cho khu di tích Lam Kinh

Cây Đa thị (cây di sản)

      Cây Đại cổ (Cây Pa Rạng) nằm ngay bên tả cổng tam quan của đền Trung Túc Vương Lê Lai. Theo gia phả dòng tộc Lê Lai, vào năm 1450 vua Lê Nhân Tông đã xuống chiếu cho nhân dân làng Tép xây dựng đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, cùng năm đó Nhân dân đã trồng 2 cây Đại trước đền thờ... Đã nhiều thế kỷ trôi qua, hai cây Đại vẫn sinh trưởng và phát triển tốt như để minh chứng cho thời gian, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đồng thời nhắc nhở thế hệ mai sau luôn nhớ công lao của các bậc tiền nhân đối với lịch sử dân tộc.

Cây Đại (cây di sản) tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai

      Nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng Lam Kinh nói chung, hệ thống cây di sản nói riêng, thời gian qua Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường chăm sóc, bảo vệ. Đồng thời, chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng và tạo môi trường sinh trưởng ổn định cho các loài thực vật. Cùng đó là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và giới thiệu giá trị của các cây di sản đến với đông đảo du khách thập phương./.

Bài, ảnh: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh