Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

CÔNG CHÚA NGỌC HÂN VỚI CHUYỆN TÌNH TUYỆT ĐẸP TRONG LỊCH SỬ


Ngọc Hân công chúa sinh ngày 27/4 năm Canh Dần (tức 22-5-1770), là con gái thứ 9 (cũng có tài liệu ghi là con gái thứ 21) của vua Lê Hiển Tông (vị vua thứ 26 triều Hậu Lê).  Mẹ của bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, thuộc phủ Từ Sơn – Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Công chúa Ngọc Hân nổi tiếng là một giai nhân tài sắc, nết na, giỏi cả về “Cầm – Kỳ - Thi – Họa”. Bà vẫn được người đời sau nhắc tới với mối tình đẹp với vua Quang Trung. Năm 1786 Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) đem quân ra Bắc “Phò Lê diệt Trịnh”. Sau cuộc mai mối chớp nhoáng 3 ngày của Nguyễn Hữu Chỉnh “Nguyễn Huệ đem sính lễ gồm 200 lạng vàng, 2.000 lạng bạc, 100.000 quan tiền và một tờ tâu vào điện Vạn Thọ theo nghi lễ rất long trọng” (theo sách 54 vị Hoàng hậu Việt Nam của Đặng Việt Thủy – Đặng Thành Trung, Nhà xuất bản Thế giới). Ngay sau đó lễ cưới Ngọc Hân công chúa – Nguyễn Huệ được tổ chức linh đình trọng thể ở Kinh đô Thăng Long khi bà mới 16 tuổi. Bà từng được phong là “Hữu cung Hoàng Hậu” và sau khi đánh tan quân Thanh xâm lược bà được Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ phong là “Bắc cung Hoàng hậu” và theo Quang Trung vào Phú Xuân (Huế) sinh sống, bà có sinh cho Nguyễn Huệ hai người con là công chúa Nguyễn Bảo Ngọc và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

Trong sử sách ghi rằng Ngọc Hân công chúa được gả cho Nguyễn Huệ là do sự dàn xếp chính trị giữa nhà Lê và nhà Tây Sơn. Mặc dù cuộc hôn nhân ấy ban đầu là từ ý đồ chính trị nhưng sau một thời gian sống cùng nhau, nhan sắc nghiêng nước, nghiêng thành, thông minh, tài hoa về mọi mặt cùng cách ứng xử gia giáo của bà đã chiếm trọn tình yêu của vua Quang Trung.  Theo cuốn "Những bà vợ của vua Quang Trung" thì "Vua Quang Trung trọng văn tài, giao cho Ngọc Hân chức Nữ học sĩ, dạy dỗ con cái và các cung nữ. Bà trở thành người cộng sự đắc lực và tin cậy cho chồng. Ngọc Hân giúp chồng nhiều việc quan trọng như khuyên giải Nguyễn Huệ chấm dứt xung đột với Nguyễn Nhạc. Trong một số biểu văn về Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân do triều thần dâng lên vua Quang Trung khi vua còn sống đã ghi lại rằng: "Hoàng Hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng. Lúc gà gáy nửa đêm, bà ân cần chăm sóc, giúp Hoàng đế mặc thêm áo để lo việc triều chính."

Cuộc sống hôn nhân viên mãn của Ngọc Hân công chúa và hoàng đế Quang Trung chỉ kéo dài trong 6 năm. Ngày 29/7(Nhâm Tý) tức năm 1792, Quang Trung đột ngột băng hà. Trong nỗi đau mất mát khôn cùng bà đã viết hai bài tế “ Tế vua Quang Trung” và “ Ai tư vãn” bằng thơ nôm gồm 164 câu, thể song thất lục bát thể hiện tấm chân tình của bà với chồng. Bà sống trong nhung nhớ đến héo mòn nên cũng chỉ sau đó 7 năm thì qua đời khi mới ở tuổi 29. Cũng có tài liệu sau khi nhà Nguyễn đánh đổ triều đình Tây Sơn, Hoàng hậu Ngọc Hân cùng hai con nhỏ bị bức tử. Câu chuyện tình đẹp của hai người đã được hậu thế nhắc đi nhắc lại để ca ngợi tấm lòng chung thủy sắt son của Ngọc Hân công chúa.

Sau khi bà mất, mẫu thân của bà không yên tâm sợ rằng mộ công chúa Ngọc Hân bị kẻ thù xâm phạm nên đã bí mật vào Phú Xuân đưa hài cốt của công chúa Ngọc Hân và hai cháu về an táng và lập miếu thờ tại quê ngoại tại thôn Ái Mộ, Bồ Đề, Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Trải qua nhiều biến cố  lăng mộ và miếu thờ không còn. Sau này nhân dân lập Đền thờ Ngọc Hân (hay con gọi là Đền Ghềnh) nằm ngay chân cầu Chương Dương (Hà Nội). Những dịp ngày lễ, ngày tết đầu năm nhân dân khắp nơi tìm đến thắp hương tưởng niệm Công chúa tài đức trong lịch sử giữ nước của dân tộc./.

Tài liệu nghiên cứu:

  1. 1. Văn quan Võ tướng xứ Thanh – Trần Văn Thịnh
  2. 2. 54 vị Hoàng hậu Việt Nam – Đặng Việt Thùy – Đặng Thành Trung
  3. 3. Hoàng hậu, Hoàng phi Việt Nam – Nguyễn Bích Ngọc
  4. 4. Công chúa Việt Nam – Nguyễn Bích Ngọc
  5. Bài: Ngô Việt Phương
  6. Cán bộ phòng TCHC Ban QLDTLK
  7.  

Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh