Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

DANH TƯỚNG NGUYỄN CHÍCH


Trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích được xem là nhân vật tiêu biểu, điển hình, một vị tướng tài ba xuất thân từ tầng lớp nông dân mang trong mình dòng máu anh hùng của một dân tộc không biết đến khuất phục. Dòng họ Nguyễn Chích thuộc dòng họ lớn trên đất Đông Sơn, Thanh Hoá. Gốc của dòng họ này có tiền thân phát tích từ một tôn thất nhà Lý lánh nạn vào đất Ái Châu sau sự biến "loạn tam vương” diễn ra năm Mậu Thìn (1028), (Theo tộc phả dòng họ Nguyễn trên đất Đông Hoà, Đông Sơn, Thanh Hoá).

               Trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích được xem là nhân vật tiêu biểu, điển hình, một vị tướng tài ba xuất thân từ tầng lớp nông dân mang trong mình dòng máu anh hùng của một dân tộc không biết đến khuất phục. Dòng họ Nguyễn Chích thuộc dòng họ lớn trên đất Đông Sơn, Thanh Hoá. Gốc của dòng họ này có tiền thân phát tích từ một tôn thất nhà Lý lánh nạn vào đất Ái Châu sau sự biến "loạn tam vương” diễn ra năm Mậu Thìn (1028), (Theo tộc phả dòng họ Nguyễn trên đất Đông Hoà, Đông Sơn, Thanh Hoá).

Nguyễn Chích sinh năm Nhâm Tuất (1383) trên mảnh đất Đông Sơn, Thanh Hoá. Xuất thân trong một gia đình từ đời ông (Nguyễn Bái), đến đời cha (Nguyễn Liêu) đều là những người nông dân hiền lành chất phát. Ông sớm mồ côi cha, mẹ, các em mất sớm, nên ngay từ nhỏ Nguyễn Chích đã phải đi ở đợ làm nghề chăn trâu ở vùng Hoàng Sơn, Nghiêu Sơn. Nhưng chính điều đó đã hun đúc ông thành con người có ý chí và bản lĩnh từ thuở thiếu thời.

Tháng 11 năm 1406, nhà Minh dưới triều Minh Thành Tổ đã huy động 80 vạn đại binh ào ạt tiến đánh nước ta. Với bản chất giả man, tàn bạo của đạo quân xâm lược phong kiến Trung Hoa, giặc Minh đã gây ra biết bao tội ác tày trời đối với nhân dân ta: “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ...”(1). Những tội ác giặc Minh gây ra cho nhân dân ta, đất nước ta thực là “trời không dung, đất không tha, lòng người căm hận”.

Sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Đứng trước thảm cảnh nước mất nhà tan, từ một người nông dân hiền lành chân đất, ít nói, ít cười trên đất Đông Sơn, Nguyễn Chích đã đứng lên chiêu mộ, tập hợp nhân dân các huyện đồng bằng miền nam Thanh Hoá lập các căn cứ chống giặc. Sử gọi là căn cứ Hoàng - Nghiêu.

Khi nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn, Nguyễn Chích rất hứng khởi. Nghĩa quân của Lê Lợi và Nguyễn Chích đã nhanh chóng phối hợp với nhau cùng chống kẻ thù.

Đến tháng 10 năm 1420, ông cùng vợ là Nguyễn Thị Bành và nghĩa quân theo về với Lê Lợi và tự nguyện đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lê Lợi. Ngay sau khi gia nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Chích đã nhanh chóng khẳng định tài năng và uy tín của mình trong những mặt trận đụng đầu với giặc, những trận tấn công trực diện với kẻ thù. Ông đã nhanh chóng vươn lên và trở thành một tướng lĩnh cao cấp trong bộ chỉ huy Lam Sơn. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết Đột Hữu Vệ, Đồng Tổng Đốc Chu Quân và trực tiếp chỉ huy một đạo quân quan trọng của Lam Sơn.

Sự hội nhập của lực lượng Nguyễn Chích với lực lượng của Lê Lợi là một bước tiến quan trọng của khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng và của sự nghiệp chống Minh đô hộ nói chung. Đối với bộ chỉ huy Lam Sơn, thêm Nguyễn Chích không phải chỉ đơn giản là thêm một người giàu nghĩa khí, mà thực sự là thêm một dũng tướng dày dặn kinh nghiệm chiến trường, thêm một bộ óc chiến lược tài ba.

 Trong sáu năm chiến đấu nơi núi rừng miền tây xứ Thanh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có những bước trưởng thành quan trọng. Tuy nhiên, muốn đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bong ra khỏi mảnh đất miền tây Thanh Hoá để vươn lên những bước phát triển cao hơn về chất và đi đến thắng lợi cuối cùng thì đòi hỏi bản thân cuộc khởi nghĩa phải có những thay đổi mang tính định hướng chiến lược. Đây là bài toán nan giải đặt ra cho bộ chỉ huy Lam Sơn cùng chủ tướng Lê Lợi.

Tính đến cuối năm 1423, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã bước sang năm thứ 6, cùng với những điều kiện thuận lợi (như điều kiện tự nhiên - địa hình; lòng yêu nước của đồng bào miền tây – Thanh Hoá, sự cưu mang, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc nơi đây như Kinh, Mường, Dao, Thái...) giúp cho nghĩa quân tồn tại và phát triển. Mặc dù vậy, cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bình Định Vương cũng đang đứng trước rất nhiều những khó khăn, thử thách khó có thể vượt qua. Điều này cũng có những nguyên do của nó:

+ Thứ nhất, xét trên phương diện chủ quan, địa bàn miền tây xứ Thanh tỏ ra chật hẹp, không đáp ứng cung cấp được nhu cầu về nhân tài, vật lực thúc đẩy cuộc khởi nghĩa phát triển.

+ Thứ hai, về khách quan, đất Thanh Hoá trong thế bố phòng binh lực của quân Minh có một vị trí chiến lược. Lực lượng quân địch ở đây không chỉ đông mà còn rất tinh nhuệ, mạnh hơn bất kỳ cánh bố phòng binh lực nào trên địa bàn cả nước.

Như vậy, với việc tồn tại trên một địa bàn được xem là bất lợi, kết hợp với những hạn chế mang tính cố hữu được coi là những căn nguyên khiến cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tồn tại trong một trạng thái luẫn quẫn, thậm chí bế tắc trong một thời gian dài.

Trước yêu cầu cốt tử để đưa cuộc khởi nghĩa phát triển đi lên, một cuộc họp của bộ chỉ huy Lam Sơn do đích thân Lê Lợi triệu tập vào cuối năm 1423, nhằm bàn kế tiến thủ cho cuộc chiến, Nguyễn Chích đã đưa ra một kế sách đắc dụng. Ông nói: “ Nghệ An là nơi hiểm yếu đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thạo đường đất. Nay trước tiên hãy đánh lấy Trà Long, bình định cho được Nghệ An để làm chổ đứng chân. Rồi dụa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ...” (Theo Khâm định việt sử thông giám cương mục - tr 362).

Có thể nói, kế hoạch chuyển hướng chiến lược của Nguyễn Chích trong thời điểm lúc bấy giờ nó có giá trị như một “cương lĩnh” chỉ đạo thực tiễn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đồng thời đây còn là cơ sở nền tảng cho sự ra đời và áp dụng một phương châm tác chiến đúng đắn khoa học, phù hợp với điều kiện của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Phương châm “tránh chổ mạnh đánh chổ yếu, tránh chổ thực đánh chổ hư, tránh chổ rắn đánh chổ núng”.

Nguyễn Chích không chỉ là người đưa ra kế sách giúp vua “bình định” thiên hạ, ông đồng thời cũng là tướng lĩnh trực tiếp tham gia thực tiễn hoá kế sách do chính mình đề xuất. Tháng 10 năm 1424, Nguyễn Chích trực tiếp dẫn quân tiến công tiêu diệt đồn Đa Căng, mở đường cho kế hoạch tiến quân vào Nghệ An. Sau khi chiến thắng Đa Căng, trên đường tiến công chiếm lĩnh đất Nghệ An, Nguyễn Chích trực tiếp tham gia tất cả các trận đánh với tư cách của một tướng tiên phong. Bởi vậy, trong các trận đánh Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu... Nguyễn Chích đều lập được nhiều chiến công. Ông còn giúp nghĩa quân Lam Sơn xây dựng thành Lục Niên, cầm quân vây hãm thành Nghệ An và lãnh binh tấn công nhiều thành trì khác của địch.

Sau khi giải phóng được nửa đất nước từ Thanh Hoá trở vào đến các niền Tân Bình, Thuận Hoá. Đầu năm 1427, Nguyễn Chích được Lê Lợi điều từ Nghệ An ra bắc giữ chức Tổng Tri đảm trách công việc quân dân 3 Lộ (Thượng Hồng, Hạ Hồng, Tân Hưng), đồng thời trực tiếp cầm quân vây hãm thành Đông Quan.

Chỉ trong vòng tháng hai và tháng tư, ông đã cầm quân tiêu diệt hai thành luỹ của địch là Điêu Diêu và Thị Cầu cùng các xứ Giáo Trường, cầu Dền.

Đến tháng 10 năm 1427, Nguyễn Chích được Lê Lợi điều lên Ải Lê Hoa cùng với Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả có nhiệm vụ chặn đánh đạo quân tiếp viện của Mộc Thạnh đang tiến sang nước ta theo đường Vân Nam. Tại đây, ông cùng các tướng lĩnh khác và binh lính đã lập nên những chiến công hiển hách trong trận Lãnh Câu, Đan Xá góp phần đánh bại đạo quân cứu viện của nhà Minh, dập tắt mọi hi vọng của địch.

Ngày 10/12/1427(tức ngày 22/11 năm Đinh Mùi), Nguyễn Chích cùng Lê Lợi và 10 vị tướng lĩnh tài năng trong bộ chỉ huy Lam Sơn đã chứng kiến và tiếp nhận sự đầu hàng của đạo quân chiến bại nhà Minh, do Vương Thông cầm đầu diễn ra dưới danh nghĩa là một hội thề tại phía Nam thành Đông Quan - “Hội thề Đông Quan”.

Sau 10 năm kháng chiến, đất nước Đại Việt sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh tài ba mà tiêu biểu là Nguyễn Chích và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã lập nên những chiến công oanh liệt, tiếp nối trang sử vàng truyền thống của cha ông trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Mùa Xuân năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên (1428), vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) phong tặng ông danh hiệu “Đệ nhất công thần” – “Bầy tôi có công giữ gìn chính nghĩa, nhập nội thiếu uý và tham dự triều chính”. Sau đó một năm, tức 1429 trong buổi bình công, Nguyễn Chích được Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi phong tặng tước hiệu “Đình Thượng Hầu” - hàng thứ tư trong chín bậc của tước hầu và được ban họ Vua.

Suốt thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và những năm đầu Lê Nhân Tông, Nguyễn Chích là tướng cầm quân trấn giữ vùng phía Nam của đất nước. Tháng 12 năm 1448, Ông qua đời vì bệnh, khi đang giữ chức Nhập Nội Đô Đốc. Triều đình truy tặng ông là Nhập Nội Tư Không, Bình Chương Sự, đồng thời ban cho ông tên thụy là Trinh Vũ.

Đánh giá về công lao của tướng Nguyễn Chích trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc văn bia “Quốc triều tá mệnh công thần Lê Chích” viết “Công lao sự nghiệp lớn như thế là bởi ông lập chí bền, thấy sự việc sớm trù tính, vận dụng kiến đáo ứng biến mau lẹ cho nên mới hay: Lấy trung nghĩa cảm hoá tướng sỹ, lấy đức độ chiêu phục người biên giới xa xôi, giữ được thành bị cô lập nơi cõi tuyệt, làm rào dậu cho một phương. Công danh đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình, là gương sáng cho thiên hạ soi chung”1).

Chứng kiến cả quá trình hoạt động của người anh hùng nông dân Nguyễn Chích trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV nói chung và những cống hiến của ông trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng, chúng ta thấy Nguyễn Chích không chỉ hiện ra ở uy vũ của một dũng tướng quên mình trên yên ngựa, tung hoành nơi xa trường, giỏi trong cách dùng binh, tài trong lối cầm quân. Bên cạnh cái vũ dũng của mình, ông còn chứng tỏ mình là một con người thấu thời hiểu thế, một mưu sỹ, một nhà chiến lược có nhãn quan quân sự thiên bẩm trong bộ chỉ huy Lam Sơn, là cánh tay phải đắc lực không thể thiếu, giúp “Lam Sơn động chủ” thực thi sứ mệnh thống nhất thiên hạ. Tài năng của ông mãi được sử sách lưu danh, công lao và những cống hiến của ông muôn đời được lịch sử dân tộc khắc ghi, hậu nhân truyền tụng. Nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII đã từng nhận xét về công lao to lớn của ông một cách thoả đáng. Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết: “Bầy tôi có công khai quốc kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm. Nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng bình định được thiên hạ là do mưu chước của Lê Chích ... Không cần đánh mà hạ được thành Đông Đô, lấy hoà hiếu mà kết liễu chiến tranh tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng về căn bản mạnh để thu lấy thắng lợi hoàn toàn trước hết là bắt đầu từ Lê Chích”(4).

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.

2. Đại Việt thông sử - Lê Qúy Đôn, tập 2.

3. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần, tập 2.

4. Kiến văn tiểu lục - Lê Qúy Đôn.

5. Khởi nghĩa Lam Sơn - Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh