Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

DẤU TÍCH CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN TRÊN ĐẤT MƯỜNG KÝ


Tội ác của quân Minh gây ra “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Giặc Minh tưởng rằng, với việc đàn áp, tàn bạo lực như vậy có thể đè bẹp ý chí đấu tranh bất khuất của Nhân dân ta, nhưng những tội ác đẫm máu của chúng chỉ càng khơi sâu thêm lòng căm thù quân xâm lược, của hào kiệt và muôn dân đất Việt.

Tại vùng đất Lam Sơn -Thanh Hóa, một ngọn lửa đấu tranh mới cũng đang dần được nhen lên. Đó là ngọn cờ khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi.

Nắm được thời thế, hiểu được lòng dân, nên Lê Lợi đã nhận được sự ủng hộ của những bậc hiền tài và dân chúng khắp các vùng. Kể từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi Nhân dân cả nước vùng lên chống giặc ngoại xâm, phát triển lực lượng và mở rộng hoạt động khắp miền thượng du Thanh Hóa.

Thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1416), Lê Lợi thường cải trang làm nhà buôn đi đến các vùng núi phía tây Thanh Hoá, liên kết với các tù trưởng, Phịa, tạo nhằm tập hợp lực lượng chống đối giặc Minh. Có giai thoại kể rằng, một hôm Lê Lợi cùng với hai người bạn đi qua cánh đồng bản Bo. Giữa trưa, trời nắng nóng, ba người nhìn thấy chiếc lều giữa đồng vào xin nghỉ tạm. Chủ nhân của chiếc lều là ông Ban ở bản Bo, nhìn thấy trong toán khách có một người quắc thước, trán cao, mắt sáng, miệng rộng, bước đi chắc nịch, dáng vẻ tướng quân, ông Ban suy đoán họ là những người sang trọng đáng kính nên vui vẻ mời họ vào lều nghỉ tạm.

Theo tập quán địa phương, khách đến nhà đúng bữa chủ phải mời cơm. Nhưng Ông chỉ có một ép cơm nếp và một bát canh ui mang theo. Vì quý khách ông quyết định làm thịt con chó của nhà theo ông đi cày. Bữa cơm đặc biệt ấy gồm có cơm nếp, canh ui và thịt chó thui, cả chủ và khách đều rất vui vẻ, ngon miệng. Vừa ăn, khách vừa hỏi thăm nhiều chuyện, từ đường đi lối lại, đến đời sống của dân Mường Ký và thái độ của họ đối với Lê Lơi và giặc Minh. Ông Ban thổ lộ tâm can, bày tỏ lòng căm thù giặc Minh xâm lược và cảm phục Lê Lợi, nhưng vẫn lo cho Lê Lợi vì quân ít, lương cạn. Người khách đem ra một ống cát, bảo ông Ban đếm từng hạt, ông lắc đầu, người khách giải thích.

Nước Nam ta người đông như cát, nếu ai cũng ủng hộ Lê Lợi đánh giặc cứu nước thì thiếu gì quân với lương. Ông Ban cảm thấy như chính mình đang nói chuyện với Lê Lợi.

Trước khi đi người khách nói: Nếu sau này thành nghiệp, ông và dân bản còn nhớ đến tôi thì hãy lập một đền thờ ở đây. Mỗi khi cúng xin dân bản dâng cho tôi 3 thứ ngon nhất mà tôi được ăn hôm nay, đó là cơm nếp, canh ui và thịt chó thui.

Ba người khách ra đi, ông Ban đem chuyện thuật lại với dân bản. Mọi người luyến tiếc vì không được gặp đoàn khách nọ.

Vài hôm sau, có người lính đã quay trở lại báo cho dân bản biết, hôm trước Lê Lợi đã đi qua vùng này, Ông chuyển lời Lê Lợi cảm ơn ông Ban và kêu gọi dân bản phối hợp với nghĩa quân, chuẩn bị lương thực, tìm người dẫn đường, dò la tin tức của giặc, sử dụng các công cụ bẫy, chông, nỏ, cung… để đánh giặc.

Một thời gian sau, Lê Lợi bị giặc Minh bao vây ở núi Chí Linh. Khi chạy phá vòng vây của giặc, Lê Lợi bị quân Minh và đàn chó ngao đuổi theo ráo riết. Chạy mãi lên đến đỉnh đèo, nhận ra phía trước là một thung lũng rộng lớn và bản Mường đã từng đi qua, Lê Lợi thở phào nhẹ nhõm thốt lên: Sống rồi, sống rồi “hạnh mụm, hanh mụm”. Vì thế đèo đó ngày nay gọi là đèo Kẹm Hanh (Pu Kẹm Hạnh), nghĩa là Đèo Sống.

Hồi ấy Mường Ký còn mang tên Mường Muồn. Dân Mường biết nghĩa quân Lam Sơn đến, liền họp nhau lại đón tiếp, ủng hộ lương ăn, quần áo mặc cho nghĩa quân. Dựa vào địa thế kín đáo, Lê Lợi dừng lại một thời gian để củng cố lực lượng (Dấu tích còn lại ở Xã Văn Nho hiện nay là Luốc Mạ - nơi thả ngựa và Chiếng Chạng – nơi có giếng voi uống nước). Quân Minh phát hiện thấy dấu vết nghĩa quân, cho chó ngao đi lùng sục. Dân Mường bày kế dùng mảng nứa làm cầu nổi vượt qua đầm lầy giữa cánh đồng ở bản Ấm, rồi nhử chó ngao lên trên cầu, đến giữa đầm lầy giữa, nghĩa quân rút màng hất chó ngao xuống đầm lầy (Đầm lầy ấy đặt tên là Pung Ma Háng, nghĩa là đầm chó sa lầy).

Một thời gian sau, Lê Lợi chuyển quân về phía tây, đi đến Đèo Gió (Kéo Lùn), chẳng may voi chiến bị sa chân xuống khe đá mắc lại không đi được (nơi đó nạy gọi là Huối chạng Ca, nghĩa là khe mắc voi). Để đánh lạc hướng giặc, Lê Lợi trở lại theo con đường đi chéo lên đỉnh núi (Suối đó sau này đặt tên là Kéo Léo nghĩa là lệch chéo, nói chệch thành suối Kếu Lừu, đó là đoạn đầu nguồn suối Bo ngày nay).

Lúc này, quân Minh đóng quân ở mường Ca Da (Quan Da). Lê Lợi bố trí các trận phục kích, đặt chông, bẫy dọc theo sông Lò dưới chân núi Phay Lệnh, Phay Tong, gây cho quân Minh nhiều thiệt hại. Để chống lại đàn chó ngao săn lùng nghĩa quân. Dân bản bày cho nghĩa quân một loại bẫy trượt (tiếng thái gọi là Pát) để giết chó ngao. Hàng loạt chó ngao bị chết mà quân Minh không hề biết nguyên nhân (nơi đặt bẫy chó ngao gọi là Ma Pát). Sau khi chuẩn bị lực lượng đủ mạnh, Lê Lợi mới xuất quân xuống núi, tiến đánh quân Minh ở Ca Da (Quan Da) trận này nghĩa quân thắng lớn.

 Khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc năm 1428, vua Lê Thái Tổ đăng quang, thiết lập triều đại mới, mở ra một nền thái bình thịnh trị cho đất nước, cho nhân dân nhiều ân nghĩa sâu nặng. Sau khi vua Lê Thái tổ băng hà, được đưa về an táng ở Lam Kinh, Thanh Hoá. Nhiều nơi trong tỉnh Thanh Hoá đã lập Miếu, xây đền thờ đức vua Lê Thái Tổ, lấy ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của vua.

Ngày nay, để ghi nhớ công đức của vua Lê Thái Tổ, tại Mường Ký, xã Văn Nho, huyện Bá Thước, Nhân dân đã dựng hai đền thờ vua Lê ở trên quê hương mình. Một đền thờ dựng trên núi Lai Li, Lai Láng tại gốc cây Chu Đá nơi vua Lê đóng trại tạm trú (do đó, núi Lai Li, Lai Láng nay đổi thành Pù Đền). Một đền thờ đặt trên gò ruộng Đon Ban, nơi người nông dân tên Ban đãi cơm nhà vua. Mỗi khi cúng tế ở Đon Ban không thể thiếu ba thứ là cơm nếp, canh ui và thịt chó thui.

Hằng năm, vào ngày 20, 21 ,22 tháng 8 âm lịch, người dân Mường Ký, xã Văn Nho, huyện Bá Thước tổ chức lễ hội. Lễ hội được đồng bào Mường Ký đặt tên là lễ hội “Căm Mương”.

Lễ hội Căm Mương bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tục lệ cúng “vía lúa” của người Thái cổ và nghi lễ cúng giỗ vua Lê Thái Tổ. Căm Mương tiếng Thái là “kiêng kỵ”, hay “thiêng liêng”. Trong những ngày diễn ra lễ hội tất cả mọi người trong Mường phải nhớ “Củi không được vác, rau không được hái, vải không được dệt, vợ chồng không được ôm ấp”.

Lễ hội Căm Mương ở Văn Nho chứa đựng nội dung khá phong phú, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân đối với thần linh, với các bậc tiền nhân đã có công lập Mường giữ nước, đồng thời thể hiện ước muốn của cư dân nông nghiệp cầu cho mùa lúa trĩu bông, chắc hạt “bông lúa dài như đuôi trâu”, cho dân bản được bình an, mạnh khoẻ, cuộc sống yên vui, ruộng nương tốt tươi. Đây cũng là dịp để mọi người trong Mường nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, giao lưu với nhau để chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Chính vì vậy, lễ hội Căm Mương có sức hút và lan toả khắp vùng, có sức sống bền vững được duy trì, bảo tồn và phát triển trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm cho đền ngày nay.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cách chúng ta gần 6 thế kỷ, nhưng những dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi vẫn còn nguyên giá trị và trở thành địa chỉ tâm linh của đồng bào miền Tây xứ Thanh./.

 Bài: Trình Thị Luận

Cán bộ phòng khai thác, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh