Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai là một trong những di tích lịch sử, văn hóa có nét đẹp cổ kính ở xứ Thanh, nằm tại làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia vùng đất này có tên gọi là thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, phủ Thanh Hóa, cách Chính điện Lam Kinh khoảng 6 km về phía Tây.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cho biết: “Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cần cho vua Thái Tổ rất chu đáo, công lao rõ rệt”.
Năm Bính Thân (1416), vua Lê Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận cùng chung chí hướng, mở hội thề Lũng Nhai, nguyện sống chết có nhau đánh đuổi giặc Minh. Tại Hội thề này, tên Lê Lai đứng thứ hai sau tên của Lê Lợi.
Năm 1419, nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh vây hãm trên núi Chí Linh không còn đường rút lui, tình hình cấp bách, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh của ông đã cùng nhau bàn kế sách giải nguy cho nghĩa quân, Lê Lai đổi áo bào cho Lê Lợi liều mình cứu chúa để bảo toàn lực lượng. Lê Lai bị giặc bắt đem về Đông Đô tra tấn và xử cực hình. Cảm động vì lòng trung nghĩa của ông, Lê Lợi sai người tìm di hài Lê Lai về táng tại Lam Sơn và lệnh cho quần thần sau này phải làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, từ đó dân gian có câu “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”.
Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, năm 1428 ông được truy phong là công thần hạng nhất, về sau lại gia phong là Trung Túc Vương.
Lê Lai có ba người con trai, con trưởng là Lê Lô, con thứ là Lê Lộ, con út là Lê Lâm đều là những tướng soái quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn và đều hi sinh trong chiến trận. Có thể nói, Lê Lai và Gia tộc của ông xứng đáng được vinh danh “Cả một nhà trung nghĩa, vì nước bỏ mình” và trở thành biểu tượng cao đẹp nhất của lòng yêu nước quên mình vì độc lập dân tộc. Mãi mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ con cháu trong dòng tộc.
Để ghi nhớ công ơn Lê Lai, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông tại làng Tép (làng Dựng Tú) - quê hương của Lê Lai. Vì vậy, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai còn có tên gọi là đền Tép (theo cách gọi của địa phương). Ngôi đền tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, quay mặt về hướng Đông Nam. Hướng này theo thuyết phong thủy là hướng thần linh, bát nhã (trí tuệ), thế đất long chầu hổ phục, tạo nên không gian khoáng đãng, thoáng mát.
Đền thờ được xây dựng vào năm thứ 7, niên hiệu Thái Hoà (1450), đời vua Lê Nhân Tông. Đến năm Đại Bảo thứ 14 (1939), được trùng tu, tôn tạo lại bằng gạch, lợp ngói, cột, xà rui mè trong đền đều làm bằng gỗ lim. Trải qua nhiều biến cố, ngôi đền bị xuống cấp nghiên trọng, năm 1997 nhà tiền đường được tu bổ, tôn tạo trên nền móng cũ theo lối kiến trúc chồng rường giá chiêng, toàn bộ kiến trúc được lắp ghép thông qua hệ thống cột xà và kẻ bẩy có độ chính xác cao. Đề tài chạm khắc trang trí là vân mây sông nước, xen lẫn hoa lá cách điệu.
Nhà tiền đường gồm 3 gian, là nơi dừng chân của du khách thập phương trước khi vào tế lễ. Hậu cung xây theo kiểu kiến trúc “thượng sàng hạ mộ” với vật liệu chủ yếu bằng gỗ, móng xây bằng đá xanh, phần móng nhà tương đương với phần mộ. Tại đây còn rất nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối được khắc trên các tấm gỗ nguyên khối, nội dung ca ngợi công đức và tấm gương anh dũng của vị khai quốc công thần Lam Sơn.
Bên cạnh đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai là đền thờ Đức chúa bà Nương A Thiện - vợ Lê Lai (hay còn gọi là Đền thờ Mẫu). Đền được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Đinh, tiền đường và hậu cung liền nhau, tường xây bằng gạch dày, trên có lưỡng long chầu nguyệt, phượng múa xen lẫn các họa tiết. Bên đầu hồi đắp nổi hình hổ phù, kiến trúc vì kèo đơn giản (chồng lên tường), vật liệu chủ yếu bằng gỗ lim lợp ngói.
Phía trước đền là hồ bán nguyệt quanh năm nguồn nước trong xanh, mát lạnh, dưới lòng hồ còn thả hoa sen, hoa súng thơm ngát mùi hương. Quanh khuôn viên đền có rất nhiều cây cổ thụ như cây sấu, cây đại, cây đa…, với tuổi đời nhiều thế kỷ, thân cây to lớn. Đặc biệt hai bên tả, hữu cổng tam quan có hai cây đại cổ thụ có tuổi đời hàng năm trăm năm, giống như bức bình phong che chắn, bảo vệ phía trước cho khu đền. Nhìn từ xa, đền ẩn hiện dưới những tán lá xanh, vừa thanh cao vừa linh thiêng huyền ảo. Mặc cho thời gian và biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp cổ kính hiếm có.
Đến thăm đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai vào dịp lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo mà còn được trải nghiệm sâu sắc về lịch sử và văn hóa xứ Thanh, thông qua các màn trình diễn rước kiệu, màn múa rồng, trình diễn trống hội, cồng chiêng, múa Nêu, múa Pồn Pông, ném Còn, đánh đu… thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Vào các ngày 21 và 22 tháng 8 âm lịch, là ngày huý kỵ vua Lê Thái Tổ và Trung Túc Vương Lê Lai. Hàng năm cứ đến ngày này, nhân dân trên mọi miền đất nước lại nô nức kéo nhau về Lam Kinh và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai dâng hương tưởng niệm, tri ân tưởng nhớ công đức của người. Đây chính là việc làm cao cả, nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, được thấm nhuần từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc./.
Lễ rước kiệu đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai
Chú thích:
1. Lịch sử Thanh Hóa, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, năm 200
2. Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005
3. Đại Việt thông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1978, tr.156
4. Lam Sơn thực lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 2006, tr 192
5. Nguyến Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1976, tr 51
Bài: Trần Thị Chung
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK