Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

ĐỀN THỜ KHẮC QUỐC CÔNG LÊ VĂN AN


Khắc Quốc công Lê Văn An (1384- 1437) là khai quốc công thần nhà Hậu Lê. Ông sinh ra và lớn lên ở sách Mục Sơn, huyện Cổ Lôi, trấn Thanh Hoá (nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Đền thờ Lê Văn An được xây dựng ở thôn Diên Hào, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

  Lê Văn An là người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ rất sớm, trong văn thề Lũng Nhai tên Ông đứng thứ 5 sau Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Lê Lợi cho ông làm thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết đột. Ông theo Lê Lợi đánh nhiều trận lớn nhỏ, lập được nhiều công lao.

          Năm 1424, trong trận Khả Lưu, ông xung phong đi đầu hãm trận, đánh lui quân Minh

          Năm 1425, khi Lê Lợi cầm quân vây Nghệ An, sai Trần Nguyên Hãn đánh Tân Bình và Thuận Hoá, ông được cử cùng các tướng Lê Ngân, Lê Bôi mang thuyền tiếp ứng, phối hợp với Trần Nguyên Hãn đánh được hai thành.

          Sau đó, ông được điều ra Nghệ An. Hai tướng giặc là Lý An, Phương Chính bỏ thành, vượt biển ra cứu Trần Trí ở Đông Quan, giao lại thành cho Thái Phúc. Lê Lợi bèn mang quân đánh Tây Đô (Thanh Hóa), để Lê Văn An ở lại vây thành Nghệ An. Một thời gian sau, Thái Phúc phải đầu hàng, giao thành cho nghĩa quân Lam Sơn. Lê Văn An nhận binh thảo rồi dẫn quân ra Đông Quan.

          Lê Lợi sai ông cùng Lê Lý mang 3 vạn quân đến tiếp ứng cho Lê Sát, vây đánh Thôi Tụ và Hoàng Phúc là 2 tướng Minh sót lại sau khi Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh bị giết. Lê Văn An liên tục đánh bại quân Thôi Tụ, bao vây quân địch ở Xương Giang. Tháng 11 năm 1427, ông cùng các tướng tổng tấn công, bắt và giết toàn bộ quân địch. Đó là trận Xương Giang kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.

          Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, xét công ban thưởng Lê Văn An được phong Đình Thượng hầu và được ban quốc tính (Họ Lê ). Lê Văn An làm quan trải qua 2 đời vua: Lê Thái tổ và Lê Thái tông.

          Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Văn An được phong làm: Nhập nội thiếu uý, Tư mã, Suy trung Bảo chính công thần, tham dự triều chính.

           Năm 1432, ông lại được gia phong làm: Tán trị hiệp mưu công thần, nhập nội kiểm hiệu đại tư không, Bình chương quân quốc trọng sự.

          Tháng 2 năm 1434 đời Lê Thái Tông, ông được cử làm tư mã Bắc đạo.

          Đương thời, Lê Văn An là người hoà nhã, giản dị trong số các võ tướng triều đình, hay lấy lễ tiếp đãi các bậc sĩ đại phu.

 Ngày 9 tháng 4 năm 1437, ông mất, được truy tặng chức Tư không, ban tên thuỵ là Trung Hiếu.

 Năm 1484, ông được Lê Thánh Tông truy tặng là Thái phó, Khắc quốc công.

          Về thời gian xây dựng đền thờ, theo các cụ cao niên trong làng truyền lại đền được dựng năm Đinh Dậu (1597 ) đời vua Lê Kính Tông - niên hiệu Hoàng Định. Cũng theo người dân nơi đây, trước kia đền được xây dựng ở sách Mục Sơn nhưng đến thời kỳ Lê Trung Hưng, công thần Lê Duy Trinh dời về làng Diên Hào. Đến năm 1740 Vua Lê Hiển tông đã sắc  phong cho Lê Văn An là Thượng Đẳng Phúc thần.

          Đền thờ Lê Văn An được xây dựng quay mặt về hướng nam, không gian cao ráo, thoáng đãng, liền kề dòng Nông Giang (Sông đào dưới thời Pháp thuộc). Ngôi đền nhìn thẳng về vùng ruộng đồng bao la, trù phú của xã Xuân Phú và xã Xuân Thắng. Không gian của đền có được vượng khí đắc địa tụ linh, tụ phúc tạo nên sự linh thiêng, huyền bí.

          Đền thờ được xây dựng bao gồm có Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường là một ngôi nhà gỗ 4 gian, 3 vì kèo theo lối truyền thống. Hậu cung có diện tích 19,8m2 được bố trí làm hai cung: cung ngoài thờ hội đồng tổ tiên, cung trong thờ Khắc Quốc Công Lê Văn An. Đền thờ hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật vô cùng quý giá như: Ngai thờ bằng đá, thánh vị bằng đá ghi thánh tổ Lê Văn An, hai cây đèn đá, ba đài thờ đá, đôi nến, mâm bồng đá.....cùng với nhiều đồ thờ bằng gỗ quý như: Ngai thờ tổ Nguyễn Thọ, Bài vị, Mâm bồng....và nhiều bản gia phả bằng chữ Hán được viết dưới thời vua Tự Đức, ba đạo sắc phong của Vua Lê Hiển tông và vua Duy Tân (Triều Nguyễn)....Đây đều là những hiện vật có nhiều giá trị trên nhiều lĩnh vực của lịch sử dân tộc

Đền thờ Lê Văn An còn lưu giữ câu đối như đã đúc kết lại công trạng của một tướng lĩnh, một vị quan mẫu mực trong chế độ phong kiến lúc bấy giờ:

                                          "Khai quốc bình Ngô quang vạn đại

                                          Chiêu dân bồi tượng trạch di thâm".

          Cả cuộc đời Lê Văn An tận tâm với vua,với nước, lòng dạ sáng tựa sao băng. Trong các võ tướng thời Lê Sơ, Lê Văn An là người điềm đạm, giữ lễ nghĩa, được giới sỹ phu cả nước lúc bấy giờ quý trọng.

Ngày nay, về thăm đền thờ Lê văn An thành kính thắp nén hương tri ân với vị khai quốc công thần triều Hậu Lê ta càng thêm tự hào về truyền thống, đạo lý cao đẹp trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh