Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

ĐỀN THỜ VUA LÊ THÁNH TÔNG


Đền thờ vua Lê Thánh Tông thuộc thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Cách khu di tích lịch sử Lam Kinh khoảng 2,5km về phía Đông. Từ khu di tích Lam Kinh đi theo đường liên xã đến ngã tư xã Xuân Lam đi thẳng khoảng 20m là đến đền thờ vua Lê Thánh Tông nằm ngay bên phải đường.

 Theo ông Văn - Bí thư chi bộ thôn và các cụ cao niên trong thôn Phúc Lâm kể lại: Địa điểm đền thờ vua Lê Thánh Tông hiện nay được xây dựng trên nền móng cũ của điện thờ có từ thời xưa - nơi thờ thành hoàng làng. Trải qua thời gian, điện thờ ít được quan tâm đầu tư sữa chữa, đến những năm 1976 -1977 điện thờ bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng và trở thành phế tích. Do vậy đến năm 1998, nhân dân địa phương cùng với UBND xã Xuân Lam xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ của điện thờ xưa. Sau đó rước bà Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ của vua Lê Thánh Tông về thờ tại đền và tôn bà làm thành hoàng làng.

                 Đền thờ vua Lê Thánh Tông được xây dựng theo hình chữ Đinh (J), bao gồm nhà tiền đường, nhà hậu cung.

                 Nhà tiền đường có 5 gian, với chiều dài: 13,30m, chiều rộng: 4,4m, chiều cao: 4m. Kiến trúc nhà xây bằng gạch, vôi vữa, xi măng, có 4 vì kèo gỗ, hai bên tường hồi bít đốc, mái chảy, trên mái rải đòn tay, rui mè, lợp ngói tây.

                 Phía bên hữu nhà tiền đường phối thờ các liệt sỹ, là người của thôn Phú Lâm.  

                 Hậu cung có chiều dài: 3,9m; Rộng:2,8m; Cao: 3,1m. Kiến trúc 1 vì kèo bằng gỗ, phía sau tường hồi xây bít đốc, trên mái lợp tôn. Trước cửa hậu cung phía trên có bức đại tự đắp bằng xi măng, viết ba chữ Hán "Trường trị thượng". Hai bên có hai câu đối bằng gỗ, được chạm trổ vân mây, hoa lá, trên bề mặt dán giấy viết chữ Hán, mỗi bên viết 9 chữ Hán.

Nội dung đôi câu đối:

 Vũ trụ thuỳ quang chính trực văn hiến thịnh

Trùng thiên quảng vận sinh đế đức cao minh

                Nhà hậu cung là nơi đặt bàn thờ vua Lê Thánh Tông và Hoàng Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Có bài vị của Vua  và Hoàng Thái Hậu.

                Đền thờ vua Lê Thánh Tông mặc dù mới được nhân dân khôi phục dựng lại cách đây khoảng 15 năm, để tỏ lòng tri ân tưởng nhớ đối với các bậc tiền nhân có công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên với tính chất linh thiêng của ngôi đền, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng giêng (âm lịch) - Ngày giỗ của vua Lê Thánh Tông và ngày 26/3 (âm lịch) là ngày giỗ của Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao nhân dân khắp mọi nơi trong vùng lại kéo nhau về đền thờ dâng hương tưởng nhớ tới công lao của Vua và Hoàng Thái Hậu. Đây cũng chính là nếp sống văn hóa truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh