Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Điểm tiến bộ của Luật Hồng Đức đối với đời sống xã hội phong kiến Việt Nam


Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra triều Lê kéo dài 360 năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đây là một triều đại đầy biến động nhưng có không ít thành tựu trên nhiều mặt, trong đó có sự ra đời của bộ Luật Hồng Đức. Luật Hồng Đức ra đời đã có ảnh hưởng lớn đến xã hội phong kiến Việt Nam.

Luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc triều hình luật được coi là bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Luật Hồng Đức ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497) gồm 6 quyển, 13 chương, 722 điều. Để biên soạn được, vua Thánh Tông cùng triều thần không chỉ tham chước luật hình thời Lý - Trần, luật lệ của Trung Quốc, các điều khoản luật được ban hành thời vua Thái Tổ, Nhân Tông mà còn căn cứ cả trên tình hình thực tế của quốc gia, nền văn hóa truyền thống về tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc. Từ đó cho ra một bộ luật mang đầy tính thực tiễn và đậm bản sắc người Việt.

Dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, Nho giáo đã đạt đến đỉnh cao. Sức ảnh hưởng của nó lan tỏa trong cả bộ máy cai trị từ triều đình trung ương cho đến đời sống người dân từng thôn, làng. Bộ luật Hồng Đức ra đời trên nền tảng tư tưởng Nho giáo nhưng lại có tinh thần vượt ra khỏi khuôn khổ, hướng đến mục tiêu cao cả là phục vụ cho mọi người, cho quốc gia.

Điểm tiến bộ có thể thấy rõ nhất trong luật Hồng Đức là về quyền của người phụ nữ. Tính chất cố hữu của Nho giáo là sự phân biệt nam nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng trong luật Hồng Đức, phụ nữ được đảm bảo nhiều quyền lợi. Trong chương Hộ hôn, phụ nữ được phép trình xã bỏ chồng nếu chồng xa cách không lui tới suốt 5 tháng (điều 25), được kiện chồng tự ý đưa nàng hầu lên làm vợ chính (điều 26), phần Hương hỏa tăng bổ cho phép con gái trưởng được giữ quyền hương hỏa (điều 4) ... Cùng với đó có nhiều điều luật trừng phạt các nhà giàu, quyền thế đối xử bất công, ép cưới gả phụ nữ. Những điều khoản này cho thấy được sự đề cao của luật pháp triều Lê với người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Một điểm tiến bộ khác trong luật Hồng Đức là về việc thưởng phạt cho quan lại cả ở triều đình trung ương và các cấp địa phương, đặc biệt là là chế độ nghiêm trị quan lại phạm tội. Có rất nhiều điều khoản nghiêm cấm các hành vi quan lại không được làm như ỷ thế làm việc phạm pháp, làm sổ sách sơ sài, cấu kết với các thế lực địa phương, quan lại ngoài trấn không được kết hôn với người địa phương,… nếu vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tiền, đánh trượng, biếm chức, thậm chí là lưu đày hoặc ban tội chết. Các quan lại phạm tội có phẩm tước càng cao thì mức độ phạt càng nặng. Quy định phạt trong luật Hồng Đức nặng như vậy nhằm ước thúc, răn đe tầng lớp quan lại không được làm những việc nghiêm cấm, nếu phạm tội thì quan cũng như dân đều bị phạt nặng.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tống Nho, và từ thực tiễn lịch sử đất nước, vua Lê Thánh Tông nhận thức rất rõ vai trò của người dân. Do vậy, để đời sống người dân ngày càng phát triển, nhiều điều luật đã được ban hành như nghiêm cấm quan lại, nhà quyền quý xâm phạm quyền lợi của người dân, khuyến khích người dân sản xuất, giao thương buôn bán... Một số điều khoản tiêu biểu như điều 11 chương Điền sản về việc thu thuế bờ bãi của người dân đúng ngạch; điều 44 phần Tạp luật về việc bồi thường khi làm thiệt hại nhà cửa, lúa thóc của dân; điều 21 chương Hộ hôn về việc xử lý việc quấy nhiễu, xằng bậy của người cai quản dân đinh... Việc pháp luật hóa những lĩnh vực này cho thấy tầm nhìn rộng của các vua Lê, khi người dân được hưởng những quyền lợi nên có thì đất nước sẽ ổn định, kinh tế đi lên.

Qua một số điểm tiến bộ trên cho thấy luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) đã có sự đi trước so với thời đại. Được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Nho gia, Pháp gia nhưng luật Hồng Đức vẫn thể hiện cái nhân văn của văn hóa truyền thống dân tộc. Sự đề cao giúp cho cuộc sống người phụ nữ không bị gò bó, từ đó xuất hiện những nhân vật tài hoa như Nguyễn Thị Duệ, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan. Sự bảo vệ của pháp luật giúp cho đời sống người dân ngày càng phát triển, các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp hay hoạt động giao thương buôn bán được tiến hành thuận lợi. Các điều luật nghiêm khắc giúp điều chỉnh hành vi của quan lại, củng cố một bộ máy quản lý hành chính trong sạch, không phiền nhiễu người dân trong xử lý công việc.

Trong thời kỳ Nho giáo phát triển đến cực thịnh, bộ luật Hồng Đức được biên soạn với nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn đã làm cho xã hội Đại Việt phát triển hơn trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa. Bộ luật này cũng cho thấy một hình thái tương tự như dân chủ thời hiện đại khi đặt người dân ở trung tâm của sự phát triển đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê triều hình luật, Nxb Văn hóa - TT, 1997

  1. 2. Lương Văn Tuấn, Quốc triều hình luật - các giá trị nhân văn, tiến bộ và sự kế thừa trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ Luật học, 2013
  2. Bài : Nguyễn Văn Huấn

    Cán bộ Phòng Nghiệp vụ BQLDTLS Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh