Cùng với việc xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở theo xu hướng phong kiến quan liêu, vương triều Lê Sơ luôn chú trọng tới việc đào tạo tuyển dụng quan lại và có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ công thần, đặc biệt con em Thanh Hóa, đất phát tích của khởi nghĩa Lam Sơn. Trong gian khó muôn bề của những ngày đầu bắt tay vào xây dựng đất nước, Lê Lợi vẫn luôn chú trọng đến việc xét thưởng công lao cho những người có công trong cuộc kháng chiến chống Minh vừa qua với quy mô to lớn. Cách làm đó nhằm ghi nhận sự cống hiến của từng người đồng thời chọn lựa, sắp xếp lại vị trí của các công thần cho phù hợp với tình hình mới của đất nước.
“Tháng 2 năm Mậu Thân (1428) định hạng công cho các hỏa thủ và quân nhân, quân thiết đột có công siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai, chia ra thứ bậc, cộng 221 người: Công hạng nhất, cho quốc tính, là bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê 52 người, làm Vinh lộc đại phu tả Kim ngô vệ đại tướng quân tước đại trí tự; công thứ hai cho quốc tính là bọn Lê Bố, Lê Liệt, Lê Khảo 72 người, làm Trung lượng đại phu tả Bổng thần vệ tướng quân tước đại trí tự; công thứ ba, cho quốc tính, là bọn Lê Lễ 94 người, làm Trung vũ đại phu Câu kiềm vệ tướng quân tước trí tự. Hành khiển Lê Cảnh vâng lệnh làm biểu ngạch để ban cho1”.
“Tháng 3 năm Mậu Thân (1428), vua họp các tướng cùng quan lại văn võ để định việc phong thưởng, căn cứ vào công tích cao thấp mà xếp cấp bực phẩm hàm. Chia cả nước làm 15 đạo, mỗi đạo đặt một vệ quân, mỗi quân đặt một Tổng quản, khiến lớn nhỏ rằng buộc nhau, trong ngoài gìn giữ nhau. Lại đặt chức Hành khiển ở các đạo để chia nhau nắm sổ sách quân dân. Sai người đi tế thần sông, núi, đền, miếu; vái tạ lăng tẩm các triều trước. Truy tôn tổ tiên, kèm theo thụy hiệu”2.
“Vào ngày mùng 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), phong tước công thần cho 93 viên, tiếp đó phong tước Huyện thượng hầu, Á hầu, Hương hầu và Đinh hầu, tùy theo từng hạng”3.
Trong đội ngũ quan lại của nhà Lê, người Thanh Hóa chiếm số lượng đông đảo và giữ những chức vụ cao. Phần nhiều họ là những công thần khai quốc, những tướng lĩnh cùng Lê Lợi đã trải qua mười năm nếm mật nằm gai như: “Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo được phong huyện thượng hầu, được phong thượng hầu 1: Lê Ngân , được phong hương thượng hầu: Nguyễn Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng, đình thượng hầu gồm 14 người là: Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Miễn, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Nhữ Lãm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Lật, huyện hầu 14 người là: Lê Bị, Lê Bì, Lê Bĩ, Lê Náo, Lê Thụ, Lê Lôi, Lê Khả, Lê Bôi, Lê Khả Lang, Lê Xí, Lê Khuyển, Lê Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật, Á hầu 26 người là bọn: Lê Lạn, Lê Trãi; Quan nội hầu 16 người là bọn: Lê Thiệt, Lê Chương; Quan phục hầu 12 người là bọn: Lê Cuống, Lê Dao; thượng trí tự trước phục hầu 4 người là bọn: Lê Khắc Phục, Lê Hài”4.
Trong mục “Chư thần truyện” của bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có nêu 19 danh thần thời Lê Sơ, trong đó có 14 công thần là người Thanh Hóa, đó là những người đóng góp tích cực trong chiến đấu cũng như trong xây dựng đất nước, tiêu biểu như: Phạm Vấn người ở thôn Nguyễn Xá huyện Lương Giang (nay là huyện Thiệu Hóa). Ông tham gia khởi nghĩa từ năm 1416 và có công lớn trong các trận Bồ Đằng, Khả Lưu, Trà Lân... tham gia hạ thành Nghệ An, vây Đông Quan và bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Đất nước thống nhất, Phạm Vấn được ban chức Vinh lộc đại phu, sau được thăng đến Nhập nội kiểm hiệu đô đốc quận hầu. Năm Hồng đức thứ 15 (1484), truy tặng tước Trấn quận công.
Lê Sát là người làng Bỉ Ngũ ở Lam Sơn (Thọ Xuân), ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ rất sớm và là một tướng tài, nổi tiếng với các trận Quan Du (thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa), vây thành Nghệ An diệt viện, chém đầu Liễu Thăng. Dưới triều Lê Thái Tông, năm 1434, Lê Sát được thăng là thủ tướng triều đình, hết lòng giúp Vua sửa chính sự, làm điều tốt.
Lê Ngân là người xã Đàm Di thuộc Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân). Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ rất sớm và có công lớn trong các trận Lạc Thủy, Khả Lưu, đánh Tân Bình, Thuận Hóa, vây thành Nghệ An. Đến thời vua Lê Thái Tông, Lê Ngân được chỉ định làm thủ tướng, phong là nhập nội đại đô đốc (1437) phiêu kỵ thượng tướng quân ở trấn Quy Hóa, đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty, Thượng trụ quốc Quốc thượng hầu.
Đinh Liệt thuộc sách Thủy Cối, là một tướng tâm phúc của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn, có công bình Chiêm dưới triều vua Lê Thái Tông. Dưới thời vua Lê Nhân Tông ông được ban chức Thái bảo, tháng 6 năm Quang Thuận thứ nhất (1460), tiến phong chức Khai phủ Nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự. Nhập nội thái phó Á quận hầu.
Lê Niệm là con trai Lê Lâm, cháu nội Lê Lai quê gốc ở làng Dựng Tú (nay là xã Kiên Thọ huyện Ngọc Lặc) và quán xã Duy Tinh huyện Thuần Hậu, nay là huyện Hậu Lộc. Lê Niệm là một trong những đại thần có công trong việc vua Lê Nghi Dân, tôn phò vua Lê Thánh Tông lên ngôi minh chủ.
Ngoài các công thần quan lại kể trên, còn có tên tuổi và công trạng của các danh nhân: Lê Lai, Lê Thạch, Lê Liễu, Lê Triện, Lê Lăng, Trịnh Khả, Phạm Vấn, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Thận...
Vai trò của đội ngũ công thần Thanh Hóa không chỉ giữ những vị trí quan trọng, những cống hiến to lớn trong bảo vệ cũng như trong xây dựng đất nước, mà uy tín của họ còn tác động sâu sắc đến quê hương Thanh Hóa được lịch sử thừa nhận và khiến Thanh Hóa trở thành đất “căn bản” của nhiều triều đại tiếp nối. Hành động và công tích của đội ngũ công thần Thanh Hóa đã cho thấy lịch sử Thanh Hóa luôn gắn bó chặt chẽ với vương triều Hậu Lê cùng với sự thăng trầm của lịch sử. Người Thanh Hóa luôn có mặt trên chiến trường và giữ những vị trí quan trọng, có nhiều đóng góp tích cực , góp phần xây dựng quốc gia Đại Việt trong thời kỳ phát triển thịnh vượng của vương triều./.
Chú thích:
1. Đại Việt sử ký toàn thư – Nxb Thời Đại – tr 523.
2. Nguyễn Trãi toàn tập – Nxb Văn hóa – tr 349.
3. Đại Việt sử ký toàn thư – Lê Quý Đôn – tr 81.
4. Đại Việt sử ký toàn thư – Nxb Thời Đại – tr 530.
Bài; Lê Thị Dịu
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDT Lam Kinh