Vương triều nhà Lê được thành lập, Hoàng đế Lê Lợi không có con đường nào khác là dùng học thuyết Nho giáo làm công cụ tư tưởng để điều hành đất nước. Nho giáo du nhập vào nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực, mang lại nhiều đóng góp tích cực, mang lại nhiều thành tựu to lớn trong văn hoá, giáo dục, đào tạo ra nhiều thế hệ trí thức tài giỏi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lương Thế Vinh, và nhiều bậc đại danh nho ở các thời kỳ trước, họ đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Lê Lợi và các vị vua kế vị ông đã đưa Nho giáo phát triển tới đỉnh cao ở nước ta. Nho giáo tiếp thu thuyết phong thuỷ là những nhận thức sơ khai mang tính duy vật trong triết học phương đông, về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và tất nhiên nhuốm mầu thần bí. Triều Lê Sơ cũng như các triều đại phong kiến khác đã vận dụng thuyết phong thuỷ trong hệ tư tưởng Nho giáo và nhiều lĩnh vực đời sống sinh hoạt như định hướng làm nhà, các công trình xây dựng, đặt mồ mả...
Bản thân Lê Lợi rất tin vào thuyết phong thuỷ, có nhiều dẫn chứng về điều này được ghi trong sách Lam Sơn Thực Lục: "Lê Lợi nghe lời vị sư già, ông mang hài cốt của thân phụ táng ở động Chiêu Nghi thuộc đất Lam Sơn ông thầm nghĩ đúng là trời cho".
Lưỡi gươm do Lê Thận dâng Lê Lợi có hai chữ Thuận Thiên (truyền thuyết) cũng là niên hiệu của vương triều ông. Lê Lợi tiếp nhận vị trí làm vua là "Thuận Thiên thừa vận...(vâng mệnh trời)"
Trong văn thề Lũng Nhai, Lê Lợi thề với "Hạo Thiên thượng đế, Hậu thổ, Hoàng địa" chứng giám...
Việc xây dựng miếu điện, lăng mộ ở Lam Kinh được tính toán qua lăng kính của thuyết phong thuỷ và phải được triều đình phê duyệt.
Nho giáo cho rằng, trời có quỷ thần, đất cũng vậy, có đất tốt, có đất dữ, mọi sự vật đều có hai yếu tố âm, dương luôn tác động qua lại, biến hoá khôn lường và luôn đi với ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Ngũ hành tương ứng với 5 vì sao.Thuyết phong thuỷ nêu chuẩn mực của một thế đất quý và hàng trăm kiểu tác động đến đời sống một gia đình, một dòng họ, thậm chí tác động đến cả quốc gia. Có thế đất phát vương, phát đế, có thế đất phát văn, phát võ lại có thế đất làm nên sự giàu có. Ngược lại có thế đất khiến cho cuộc sống lụi bại. Chọn thế đất làm nhà xây các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, đặt mồ mả phải lựa chọn để tránh các thế đất xấu, tận dụng yếu tố tốt. Ngoài ra còn phải tính đến hướng gió, dòng nước. Muốn vậy còn cần một yếu tố tối quan trọng nữa là phải tu nhân tích đức thì trời mới ban cho.
Ngày nay, Lam Kinh so với các thế kỷ trước, chắc chắn có thay đổi về cảnh quan môi trường như rừng thu hẹp diện tích, nhưng các yếu tố địa hình tự nhiên như núi, gò đồi, dòng sông Chu, khe nước, vị trí lăng mộ, nền móng điện miếu vẫn nguyên vị trí ban đầu. Có mấy nhận xét
khái quát như sau:
Bố cục tổng quan khu Điện miếu, lăng mộ Lam Kinh hoàn toàn phụ thuộc vào địa hình có sẵn do thiên nhiên tạo ra. Nói cách khác, đồ án bố cục khu Lam Kinh đã có sẵn trong thiên nhiên.
Vấn đề còn lại là nhận thức chủ quan của các vua và triều đình Lê Sơ vận dụng thuyết phong thuỷ để xác định vị trí từng công trình xây dựng, nhằm tận dụng ưu thế của thiên nhiên. Điều đặc biệt thế đất Lam Kinh hội đủ các yếu tố của đất quý, không cần có tác động chủ quan của con người như đào hố để tụ thuỷ, đắp núi giả sơn để có điểm tựa nghĩa là không phải cải tạo địa hình.
Thiên nhiên có sẵn một không gian bao la cho Lam Kinh, với chiều rộng theo hướng Đông Tây khoảng 5km, tựa như trục hoành, giới hạn đầu trục ở phía Đông có núi Bạch Hổ, có núi Thanh Long liền kề bên bờ tả ngạn sông Chu. Núi Bạch Hổ và núi Thanh Long giống như hai tay của chiếc ngai khổng lồ.
Khu Điện miếu và các lăng mộ được bố cục theo hướng Bắc- Nam, tựa như trục tung giới hạn đầu trục tung ở hướng Nam, có dòng sông Chu chảy từ hướng Tây đến trước mặt chính điện, chuyển hướng sang phía Đông. Từ điện miếu Lam Kinh nhìn sang hướng Tây Nam bên hữu ngạn sông Chu có núi Mục làm hữu tiền án hướng Đông Nam có núi Chủ làm tả tiền án che chắn hai bên,
Các công trình Điện miếu, lăng mộ được xây dựng trong một không gian rộng, giống chiếc ngai được tạo bởi ba ngọn núi.
Núi Dầu: Ở vị trí trung tâm, làm điểm tựa cũng là hậu chẩm của khu Chính điện, quan trọng nhất là vị trí mộ Lê Thái Tổ nơi này là chính huyệt đạo của long mạch, nơi hội tụ của hai yếu tố âm- dương. Khu miếu điện và lăng mộ ở vào thế hành thổ: Thân đất ở ngày dưới triền núi Dầu bằng phẳng cao ráo, vuông vắn.
Lại có tả phù (núi Bạch Hổ) hữu bật (núi Thanh Long), phía trước khu điện miếu có sông Chu uốn lượn, trước đó phân dòng vào hồ lớn (hồ Kim Ngưu) ở phía Tây sông Ngọc, chảy liền kề phía trước thế là có tụ thuỷ. Sông Chu, sông Ngọc là Minh đường bao quanh chiếc ngai khổng lồ. Trên ngai có 5 lăng mộ và 1 hoàng hậu.
Huyệt đạo là hành thổ sinh Kim (núi Thanh Long) kim sinh thuỷ tưới mát cho hậu chẩm (núi Dầu). Thuỷ sinh mộc (núi Bạch Hổ), mộc sinh hoả (hướng Nam chính điện khu trung tâm) và hoả sinh thổ (hướng Nam tương sinh cho khu trung tâm). Đó là sự chuyển hoá theo chiều thuận của ngũ hành, một môi trường có đầy đủ điều kiện để vạn vật phát triển.
Bốn lăng mộ: Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Túc Tông, Ngô Thị Ngọc Dao đều nằm ở trên quả đồi thấp, bên tả khu chính điện trong không gian được giới hạn bởi núi Dầu và núi Bạch Hổ.
Các quả gò hình gần tròn, đỉnh bằng phẳng, nổi trên các vạt ruộng nước uốn lượn bao quanh (xưa vốn là đầm hồ), là thế đất thuộc hành Kim, có nghĩa bốn huyệt mộ này được sinh ra từ hàn thổ (mộ Lê Thái Tổ)
Lăng mộ vua Lê Hiến Tông ở bên hữu khu điện miếu, trên thế đất bằng phẳng có yếu tố phong thuỷ tương tự như lăng mộ Lê Thái Tổ. Như trên đã đề cập, khu điện miếu và các lăng mộ ở Lam Kinh đều được bố cục lưng tựa hướng Bắc, mặt nhìn hướng Nam. Kinh Dịch có câu: "Thánh nhân Nam diện trị yên thiên hạ", phương Nam thuộc quẻ càn hành hoả: Thiên tử ngồi ở trung tâm, quay mặt về hướng Nam, cai trị thiên hạ, nhìn thiên hạ thái bình.
Các bia mộ (hiện còn 6 mộ 5 bia) bố cục theo một hướng Bắc - Nam, tuy rằng từng lăng mộ có xê dịch góc độ đôi chút so với trục tung, trục tung hay trục hoành là khái niệm có tính chất biểu tượng, lấy mốc cố định là địa hình và mặt chính diện các công trình làm chuẩn.
Tất cả mộ trong khu Lam Kinh đều để phía sau bia, khoảng cách giữa mộ với bia cũng khác nhau là do địa hình phù hợp với phong thuỷ. Dựng bia đặt trước mộ chỉ bắt đầu có từ triều Lê Sơ, các triều đại trước không có tục này, giải thích hiện tượng vị trí bia trước mộ, không thấy sử sách xưa nói tới. Đây là sự sáng tạo của triều Lê Sơ trong quy cách xây dựng lăng mộ ở Lam Kinh. Bằng trực quan ta thấy để bia trước mộ hình như có tính thẩm mỹ tăng thêm, không gian lăng mộ sâu hơn, uy nghiêm hơn. Trong nhãn quan phong thuỷ bia trước mộ tựa như bức bình phong che chắn, ngăn cản các yếu tố bất lợi cho huyệt đạo mộ. Thể thức xây bình phong trước mộ sau này được áp dụng ở lăng mộ các vua nhà Nguyễn trong Huế, ở trước đình miếu các làng quê Việt Nam và ở nhà thờ các dòng họ.
Dựng bia khắc chữ trước mộ, nêu công đức, sự nghiệp của người đã khuất, là sự sáng tạo trong thành tựu văn hoá Việt Nam mà triều Lê Sơ mở đầu. Nhờ vậy, mà thế hệ chúng ta ngày nay có những hiểu biết xác thực về các bậc tiền bối, tục dựng bia trước mộ sau này không chỉ dành riêng cho bậc vua chúa mà một số quan lại sau khi mất cũng làm.
Sau 20 năm đô hộ của nhà Minh, các giá trị văn hoá do các triều đại Lý- Trần tạo nên như Phật giáo bị phai mờ, chính quyền nhà Lê không có con đường nào khác là tiếp thu tư tưởng Nho giáo để điều hành quốc gia, trên nền tảng văn hoá dân tộc, với ý thức độc lập tự chủ rất cao. Vả lại, Lê Lợi và đội ngũ tướng lĩnh Lam Sơn nay trở thành những người lãnh đạo quốc gia vốn trưởng thành từ phong trào đấu tranh vũ trang mang tính nhân dân sâu sắc, được tắm mình trong tinh thần tư hào tự tôn dân tộc.
Tiếp thu thuyết phong thuỷ trong đồ án bố cục Lam Kinh tạo ra sự hợp lý về kiến trúc phù hợp với địa hình môi trường thiên nhiên.
Lam Kinh- nơi mở đầu những giá trị nghệ thuật điêu khắc triều Lê Sơ.
Hình tượng con rồng và các loại hoa văn.
Hình tượng con rồng trên trán bia Lê Thái Tổ là bước sơ khai để đến bia Lê Thánh Tông, bia bà Ngô Thị Ngọc Dao, bia Lê Hiến Tông, bia Lê Túc Tông phát triển định hình thành phong cách rồng triều Lê Sơ bằng kỹ thuật chạm sâu, rõ, nhấn mạnh các đặc điểm: đầu, bờm, tóc, râu, mũi, tai, chân, móng vuốt.. Phong cách nghệ thuật này còn áp dụng trong việc tạo tác hai rồng có khối tròn ở bậc thềm lên Điện Chính (chữ I) và bậc trước chín toà hậu điện. Số lượng rồng và cách bố cục ở mỗi bia không dập khuân giống nhau, tạo ra nét riêng cho từng tấm bia.
Ngoài hình rồng, bia Lam Kinh còn trang trí các hình hoa lá có đường nét uốn lượn khác nhau. Hình cụm mây lửa có số tia khác nhau trang trí xen kẽ với hình rồng và trên thân một số tượng con vật. Có chức năng canh gác trong khu điện miếu và trước Nghi môn.
Hoa văn hình sóng nước rất độc đáo được trang trí phổ biến ở cạnh diềm đáy bia. Số lượng bước sóng (hình sin) và bước sóng cao thấp cũng khác nhau trên mỗi tấm bia, thể hiện tính phát triển liên tục của loại hoa văn này xuất hiện từ thời Lý- Trần đến thời Lê Sơ.
Sự chuyển hoá phong cách nghệ thuật tạo tác tượng chầu ở các lăng mộ:
Từ thời điểm bắt đầu là lăng mộ Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông đã để lại một qui ước không thành văn chi phối các tượng thời kỳ sau phải tuân thủ về quy mô, kích thước, thứ tự sắp xếp. Nhưng về phong cách nghệ thuật đã có những chuyển hoá rất rõ trong thời gian hơn 70 năm
Tượng chầu lăng mộ Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông mang tính ước lệ, đậm chất dân gian, dừng lại ở tả khối, không tả chi tiết, trông thô phác.
Tượng chầu lăng mộ Lê Thánh Tông, Ngô Thị Ngọc Dao có sự chuyển hoá rõ rệt, đó là thay tượng hổ bằng tượng voi. Phong cách nghệ thuật có xu hướng tả thực, chú ý đến chi tiết đường nét hơn trước.
Đến tượng chầu lăng mộ Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, phong cách tả thực đạt tới đỉnh cao, các tượng rất sinh động, có giá trị như là sáng tạo của triều Lê sơ đối với nghệ thuật tạo hình truyền thống.