Trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam, triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) với 2 niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Đức (1470 - 1497), giữ vị trí và vai trò quan trọng nhất, tiêu biểu cho thời kỳ thịnh trị của Quốc gia Đại Việt đạt tới đỉnh cao của chế độ phong kiến Việt Nam.
Toàn cảnh lăng mộ vua Lê Thánh Tông
Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm 1442, là con thứ tư của vua Lê Thái Tông, mẹ là Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Lúc nhỏ vua tên là Tư Thành, năm Thái Hòa thứ 3 (1445) được phong làm Bình Nguyên Vương. Ngày 8 tháng 6 năm 1460 lên ngôi ở điện Tường Quang, xưng là Nam Thiên Động Chủ, lấy hiệu Lê Thánh Tông.
Lê Thánh Tông là người có tình cảm sâu nặng với quê hương đất tổ - nơi khởi nghiệp của ông cha, bắt đầu với cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược do ông nội Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi lãnh đạo, giành lại nền độc lập cho dân tộc ở thế kỷ XV. Trong suốt 38 năm trị vì đất nước, đã có tới 11 lần về Lam Kinh bái yết tổ tiên. Lần đầu vào tháng 2 năm Tân Tỵ (1461), ngay sau khi ông vừa lên nối ngôi được một năm và lần cuối cùng vào tháng 2 năm Bính Thìn (1496) trước khi mất một năm. Mặc dù trong tâm trí bộn bề muôn sự trị nước an dân, Hoàng đế Lê Thánh Tông vẫn luôn quan tâm đến quê hương, luôn khuyên chọn những người hiền tài ở địa phương để “chăm nom” nhân dân. Đối với đất tổ Lam Kinh “là đất căn bản nơi quê vua, không ví như các nơi kinh sư khác được” (1) nên đã dụ cho các quan viên kỳ lão phải triệt để bảo vệ, nghiêm cấm chiếm dụng đất đai. Vua nói: “Kẻ nào còn dám vi phạm, thì phải trị tội theo pháp luật” (2). Riêng hai huyện Lôi Dương và Lương Giang (tức Thọ Xuân và Ngọc Lặc ngày nay) vùng căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ông quan tâm đặc biệt và lệnh cho Bộ lại chọn lấy người tài năng, liêm khiết, chăm việc mà bổ nhiệm.
Thời Lê Thánh Tông, trên cơ sở trật tự và kỷ cương đã được xác lập về mặt chính trị, thì chính sách phát triển kinh tế đã được đề ra. Thời Lê Sơ, vấn đề cốt lõi của Nhà nước phong kiến là vấn đề ruộng đất. Ngay từ lúc Lê Lợi mới lên ngôi, triều đình đã có chủ trương cho thực hiện chính sách “quân điền”, nhưng Phan huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì cho rằng “phép còn chưa đủ”. Mãi đến thời Lê Thánh Tông, trong Quốc triều hình luật mới có 24 điều về điền sản được sửa định thêm. Năm Hồng Đức thứ 8, phép “Quân điền” được thực hiện rộng khắp.
Đặc biệt, Lê Thánh Tông rất quan tâm, chú trọng đến hệ thống sông ngòi, nên cho đào mới nhiều sông ở Thanh Hóa. Hệ thống sông rất quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng và phát triển nông nghiệp, giao thương, không chỉ riêng cho vùng Thanh Hóa mà còn đối với cả nước. Nếu ở các thời vua trước, hệ thống kênh đào mới được hình thành ở vùng đồng bằng châu thổ, thì đến đời Lê Thánh Tông đã tạo ra một huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng, hàng chục con sông mang tên “sông nhà Lê” xuyên xuốt kéo dài từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia (hiện nay là thị xã Nghi Sơn), từ Yên Định qua Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương... Hệ thống sông đào từ thời đó vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.
Với những chính sách tiến bộ trong nông nghiệp thời Lê Thánh Tông, xứ Thanh nhanh chóng trở thành bức tranh đa diện sắc màu. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, lần ngự về Lam Kinh (1470) Lê Thánh Tông đã về thăm quê mẹ ở thôn Động Bàng (nay là xã Định Hòa, huyện Yên Định), vua nói “Năm ngoái ta đến Phúc Quang đường thì ruộng đồng ít nước không thể cấy lúa được. Năm nay nước nhiều, lúa chiêm mênh mông bát ngát” (3).
Từ những chính sách tích cực đó mà cả một dải đồng bằng ven biển, vùng đồng bằng châu thổ, đến các sở đồn điền, các trang ấp của các “công thần khai quốc” nhà Lê ở xứ Thanh đâu đâu đồng ruộng cũng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, chính sách khuyến học tiến bộ của Lê thánh Tông cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Việc học ở Thanh Hóa dưới thời Lê Thánh Tông trở nên quy củ và hình thành nhiều vùng đất học với các dòng họ có truyền thống khoa bảng. Thời Lê Sơ, Thanh Hóa có 51 người đậu tiến sỹ, trong đó có tới 20 người đậu dưới thời Lê Thánh Tông, với những tên tuổi làm rạng danh quê hương như Lưu Hưng Hiếu, Trịnh Tuyên, Lưu Ngạn Quang...
Lê Thánh Tông rất chú trọng đến vấn đề phát triển văn hóa quê Thanh. Ở thời ông số lượng kiến trúc đền, nghè, miếu mạo được xây dựng, trùng tu, sửa chữa để thờ cúng các vị công thần khai quốc, những người trụ cột của triều đình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ thời Thái Tổ đến Thánh Tông, như Lê Lai, Lê Sát, Đinh Liệt, Nguyễn Chích...
Lê thánh Tông không chỉ là Hoàng đế minh quân mà còn là một thi nhân tài ba xuất chúng, nên dấu chân của vị “Tao Đàn Nguyên Súy” đi đến đâu cũng để lại những vần thơ tuyệt tác. Theo ghi chép của các sử gia thời phong kiến, Lê Thánh Tông có 11 lần về quê Thanh bái yết tổ tiên và trong những chuyến tuần du này ông có dừng chân ở nhiều nơi trên khắp miền quê Thanh Hóa, trong những lần dừng chân đó, chứng tích để lại là những bài thơ do chính ông sáng tác khắc vào vách đá tại nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, nơi ông đã từng đặt chân. Tiềm ẩn trong từng câu thơ ấy chính là sự tỏ bày lòng yêu quê hương đất nước, là sự thể hiện thái độ biết ơn chân thành trước công đức sự nghiệp của tổ tiên.
Trong suốt 38 năm trị vì (1460 - 1497), vua Lê Thánh Tông đã đưa đất nước Đại Việt bước vào giai đoạn cực thịnh. Khi nhận xét về tài đức của Vua, sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được”(4).
Toàn cảnh bia vua Lê Thánh Tông
Năm Hồng Đức thứ 28, vua bị bệnh nặng. Ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497) vua băng hà, thọ 56 tuổi, tại vị 38 năm. Đến ngày 8 tháng 2 quan tài của Thánh Tông Thuần Hoàng đế được rước về Lam Kinh an táng và dựng bia ghi công trạng bên tả Vĩnh Lăng, gọi là Chiêu Lăng.
Hiện nay, Trường Đại học đầu tiên ở Thanh Hóa được đặt tên Đại học Hồng Đức mang niên hiệu của ông, tại di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, bia Chiêu Lăng được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận “Bảo vật Quốc gia”. Đó là sự ghi nhận của hậu thế đối với vị Hoàng đế “đức lớn, công to, chính sự nhân ái, giáo hóa tốt đẹp, lớn tựa càn khôn, sáng cùng nhật nguyệt, thấu khắp xa gần, sạng ngời vũ trụ” (5). Khắc sâu những đóng góp lớn lao của Hoàng đế Lê Thánh Tông đối với quê hương, đất nước, những dấu ấn của ông mãi mãi được nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung trân trọng, gìn giữ và bảo vệ./.
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, năm 2009, tr.519
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, năm 2009, tr.520
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, năm 2009, tr.548
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, năm 2009, tr.487
(5) Văn bia Chiêu Lăng
Tài liệu tham khảo:
Bài, ảnh: Trần Thị Chung.
Cán bộ phòng nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh