Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

HỘI THỀ ĐÔNG QUAN


Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) , cuộc khởi nghĩa bùng nổ trên và nhanh chóng trở thành cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc, đánh đuổi quân xâm lược, giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc.

Trong 10 năm chiến đấu gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn, thì đến 6 năm (1418 – 1424) nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở địa bàn miền núi xứ Thanh. Đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hóa (chủ yếu là người Mường và người Thái) đã che chở và là chỗ dựa vững chắc của nghĩa quân trong những thời khắc gian nan, hiểm nguy nhất.

Trong sáu năm hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa là thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn kiên cường, bền bỉ, vượt qua biết bao gian nan, nguy hiểm. Những địa danh Lũng Nhai, Mường Mọt (huyện Thường Xuân), Chí Linh, Mường Nanh, Mường Chánh (huyện Lang Chánh), Quan Du (huyện Quan Hóa), Ba Lẫm, Ứng Ải (huyện Bá Thước), Lỗi Giang (huyện Vĩnh Lộc)… còn đó như là những minh chứng sống động nhất ghi nhận và khẳng định vai trò, cống hiến của nhân dân các dân tộc miền núi xứ Thanh trong buổi đầu gian khó của cuộc khởi nghĩa.

Từ năm 1424, “Lê Lợi quyết định chuyển hướng hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn theo kế hoạch của Nguyễn Chích”1, mở đường tiến vào Nghệ An, xây dựng “căn cứ địa”, mở rộng địa bàn vào Tân Bình, Thuận Hóa, từng bước giải phóng Nghệ An, Diễn Châu, trẩy quân ra giải phóng Thanh Hóa và nhiều trận đánh lớn “vây thành, diệt viện”, buộc quân Minh phải thực hiện một thỏa ước rút quân về nước thông qua một Hội thề lịch sử: “Hội thề Đông Quan”.

Để tổ chức được Hội thề ở thành Đông Quan (Hà Nội) buộc quân Minh phải rút quân về nước vào cuối năm 1427 là một quá trình đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự bền bỉ, khôn khéo. Trong đó chủ tướng Lê Lợi và mưu thần Nguyễn Trãi đã vận dụng tài tình, sáng suốt nghệ thuật quân sự trong việc kết thúc chiến tranh trên tinh thần hòa hảo lâu dài, tránh các xung đột mâu thuẫn về sau.

Theo nội dung “Bài văn Hội thề” trong Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi2:

Năm Tuyên Đức thứ hai của nước Đại Minh là năm Đinh Mùi tháng 11 ngày mồng 1 là ngày Ất dậu qua đến ngày 24 là ngày Mậu thân.

Tôi đứng đầu nước An Nam tên là Lê (Lợi) và bọn Trần Văn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân cùng với:

 Tổng quản binh của Thiên triều là thái tử thái bảo Thành Sơn hầu tên là Vương Thông, và các quan tham tướng hữu đô đốc là Mã Anh, Thái giám là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh xương bá là Trần Trí, Yên Bình bá là Lý An, đô đốc là Phương Chính, Chưởng đô ti sự đô đốc Thiêm sự là Thuế Lự, đô đốc Thiêm sự là Trần Hựu, giám sát ngự sử là Châu Kỳ Hậu, Cấp sự trung là Quách Vĩnh Thanh, bố chính Dặc Kiêm, tả tham chính là Thanh Quảng Bình, hữu tham chính là Hồng Thừa Lương, hữu tham nghị là Lục Trinh, án sát sứ là Dương Thời Tập, thiêm sự là Quách Hội.

Kính cáo Hoàng thiên (trời), Hậu thổ (đất) cùng với Danh sơn (núi thiêng), Đại xuyên (sông lớn) và thần kỳ các xứ”:

Chúng tôi cùng nhau phát lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau:

Từ sau khi lập lời thề này, quan tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lị trong bản tấu, đúng lời bàn trước mà làm.

Bọn Lê (Lợi) chúng tôi nếu còn chứa giữ lòng làm hại, tự làm việc lừ dối, không dẹp xa ngay quân lính ngựa voi, việc làm không đúng lời ngầm sai… Các việc nói trên tuy là không tự mình làm lấy, lại chuyển sang người khác, có xâm phạm đến một chút nào, tức thì Trời, Đất, thần linh, núi cao sông lớn, cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi, và người cả một nước tôi, giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.

Về phía bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lười thề (đối với việc) người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lười bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh: cùng ngày là về đến triều đình, lại không theo sự lị trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại xuyên và thần kì các xứ tất đem bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà.

Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì Trời Đất thần minh đều phù hộ cho để bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên.

Trời, Đất thần kì cùng soi xét cho !

Sau 10 năm “nằm gai, nếm mật” chiến đất trường kỳ, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng phát triển, thanh thế vang dội và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh, tái lập nền độc lập dân tộc. Hội thề Đông Quan   đã thể hiện cao nhất tư tưởng nhân nghĩa, đại nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn -  Kết thức chiến tranh, để quốc gia Đại Việt bước vào công cuộc tái thiết đất nước “mở nền thái bình muôn thuở”./.

Chú thích:

  1. 1. Lịch sử Thanh Hóa tập III – Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2002, tr.68
  2. 2. Nguyễn Trãi toàn tập - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976, Quân trung từ mệnh tập, tr.185

Bài: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh