Công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật được Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng, xem đó là hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của vùng đất Lam Sơn và vương triều Hậu Lê. Từ đó, đơn vị đã không ngừng đẩy mạnh công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử cho các tầng lớp nhân dân.
Đĩa gốm hình sóng nước
Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2023, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã tiến hành khảo sát, sưu tầm hiện vật nhằm tìm kiếm, lựa chọn và phát hiện những hiện vật tiêu biểu liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vương triều Hậu Lê.
Trong năm 2023 Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã sưu tầm được 24 hiện vật (Trong đó: 05 hiện vật chất liệu gốm và 19 hiện vật chất liệu đồng) đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
Tiền đồng (Hồng Đức Thông Bảo - vua Lê Thánh Tông)
Nhóm hiện vật chất liệu gốm gồm:
- Bát (01 hiện vật), âu (01 hiện vật), chum (01 hiện vật) trang trí vẽ lam đều có niên đại thế kỉ XV.
- Đĩa (01 hiện vật) tráng men trơn thế kỉ XV.
- Âu (01 hiện vật) tráng men trơn thế kỉ XIV.
Bát gốm vẽ lam
Nhóm hiện vật chất liệu đồng gồm tiền đồng các niên hiệu (Gia Thái thông bảo (02 hv); Vĩnh Trị thông bảo (03hv); Cảnh Trị thông bảo (01hv); Bảo Thái thông bảo (02hv), Vĩnh Thọ thông bảo (02hv); Vĩnh Thịnh thông bảo (02hv); Chiêu Thống thông bảo (02hv); Hồng Đức thông bảo (01hv), Diên Ninh thông bảo (01hv); Hồng Thuận thông bảo (01hv); Thiên Hưng thông bảo (01hv); Nguyên Hòa thông bảo (01hv) có niên đại từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII.
Tất cả các hiện vật mà Ban quản lý sưu tầm năm 2023 bổ sung vào kho cơ sở của đơn vị để bảo quản, lưu giữ là những hiện vật có giá trị to lớn, phù hợp với chức năng và loại hình của Di tích nhằm phục vụ công tác, nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị di tích./.
Bài, ảnh: Trịnh Phương
Cán bộ phòng Nghiệp vụ