Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

KHOA THI TUYỂN CHỌN HIỀN TÀI ĐẦU TIÊN DƯỚI THỜI LÊ TRUNG HƯNG


Lê Trung Tông là vị vua thứ hai của nhà Lê Trung Hưng, ở ngôi được 8 năm từ năm 1548 đến năm 1556. Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá:“Vua ủy nhiệm người trung thần mưu lược đánh giết kẻ tiếm ngôi, có thể gọi là có tài đế vương, song tuổi sống không lâu, nên cõi đất tiên vương chưa thu phục hết được. Tiếc thay!”

Dưới thời Vua Lê Trung Tông, lãnh thổ của nước ta tiếp tục được mở rộng, chính trị ổn định, kinh tế phát triển. Để tuyển chọn nhân tài giúp nước, năm 1554 vua đã cho mở khoa thi. Đây là kỳ đại khoa đầu tiên dưới thời Lê Trung Hưng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “bắt đầu đặt khoa chế để chọn nhân tài, cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân”(1).

Trên văn bia tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám còn ghi về khoa thi này như sau: "Bấy giờ, những dũng tướng nanh vuốt xông pha ở nơi tên đạn thì nhiều mà mưu thần tâm phúc giúp vận trù ở nơi màn trướng thì ít. Bèn vào năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình thứ sáu bắt đầu đặt Chế khoa, đích thân Hoàng đế ra đề thi văn sách hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai các quan Đề hiệu, Tri cống cử, Giám thí vâng mệnh khảo thí, trúng tuyển được 13 người, vâng mệnh dâng lên để hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp”(2).

Trong kỳ thi này đã có 5 người đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân gồm:  Đinh Bạt Tụy, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Sư Lộ, Phan Tất Thông, Đỗ Danh Đại và 8 người đỗ Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân gồm: Chu Quang Trứ, Nguyễn Chiêu, Lê Văn Hiếu, Biện Hoành, Nguyễn Công Dự, Vũ Hoán, Nguyễn Sằn, Nguyễn Đức.

Những người đỗ đạt năm ấy đều đều có tài kinh luân, đồng tâm phò tá vua Lê giúp trị quốc, an dân. Từ đây hào kiệt, danh sĩ tứ phương tìm về theo nhà Lê ngày càng đông, các sĩ tử cũng tìm về Vạn Lại- Yên Trường. Dưới sự trị vì của vua Lê Trung Tông, một triều đình có đầy đủ quan văn, quan võ được thiết lập, nhiều sắc phong và lệnh chỉ đã được ban ra. Nhà Lê cũng thu phục được nhiều tướng giỏi như Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến, Lê Khắc Thuận....bỏ nhà Mạc vào phò giúp nên thế lực ngày càng mạnh. Năm 1554 Trịnh Kiểm đã đưa quân đánh Thuận Hóa đang nằm trong sự quản lý của nhà Mạc. Quân Mạc bị đánh tan, nhà Lê chiếm được và làm chủ cả vùng Thuận Hóa và Quảng Nam. Từ đó lãnh thổ Đại Việt chia thành 2 phần. Nhà Mạc (còn gọi là Bắc triều) quản lý từ Ninh Bình trở ra và nhà Lê Trung Hưng ( còn gọi là Nam Triều) quản lý từ Thanh Hóa trở vào

Kỳ thi năm 1554 là lần tuyển chọn nhân tài đầu tiên thông qua khoa cử dưới thời vua Lê Trung Tông đã đặt cơ sở, nền móng cho công cuộc khôi phục triều Lê, tạo nên một vị thế mới cho nhà Lê Trung Hưng./.

Chú thích:

(1). Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2009, tr. 158

(2). Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Văn miếu Quốc tử giám và 82 bia tiến sĩ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 2002, tr. 181

Bài & ảnh : Trần Danh Hải

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh