Khởi nghĩa Lam Sơn từ lâu đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người Việt Nam như một biểu tượng anh hùng của xứ Thanh, của cả đất nước, cả dân tộc.
Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, 20 năm thuộc Minh (1407-1427) là một thử thách ác liệt, khắc nghiệt đối với dân tộc ta. Bằng một nền đô hộ tàn bạo, với mưu đồ đồng hoá thâm độc kết hợp với những thủ đoạn huỷ diệt độc ác, nhà Minh muốn vĩnh viễn xoá bỏ sự tồn tại của đất nước ta, biến Đại Việt của chúng ta thành một bộ phận thuộc đế chế do Chu Nguyên Chương sáng lập. Hơn 60 cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã bị sức mạnh tàn bạo phi nghĩa của kẻ thù dìm trong biển máu.
Trong bối cảnh lịch sử nước nhà đang phải đối diện với những thách thức sinh tử, lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thời điểm này trên mảnh đất Thanh Hoá không chỉ chứng kiến cuộc khởi nghĩa do người anh hùng nông dân Nguyễn Chích khởi xướng trên vùng đất đồng bằng phía Nam, mà lịch sử cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lam Sơn động chủ Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo bùng lên trên mảnh đất miền Tây Thanh Hoá vào tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418).
Từ trước ngày chính thức phất cờ khởi nghĩa, để chuẩn bị cho mưu sự “trừ loạn lớn”, xuất thân từ một hào trưởng địa phương, Lê Lợi đã đoàn kết thu phục nhân tâm, dung nạp những nhân vật có danh tiếng, liên kết các dòng họ có thế lực vùng Lương Giang - Lôi Dương. Ngoài các vùng phụ cận Lam Sơn thì những bậc nhân giả ưu tú trên vùng đất xứ Thanh và nhiều những người con tài năng tâm huyết ngày đêm nung nấu cho vận mệnh tồn vong của xã tắc trên khắp mọi miền đất nước cũng đã tìm về với mãnh đất Lam Sơn tập hợp dưới trướng của Lam Sơn động chủ, nguyện dốc sức, dốc lòng giành lại giang sơn tiên tổ. Sự gắn kết giữa Lê Lợi và những cá nhân, gia đình, dòng họ trên vùng đất Lương Giang - Lôi Dương và nhiều con em quý tộc của chính quyền cũ, chứng tỏ bước chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tuy quy mô buổi đầu còn mang tính địa phương, nhưng tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã thể hiện một sắc thái của tính chất quốc gia, dân tộc với tư tưởng đại đoàn kết toàn dân. Vì rằng, nhân tài tuấn kiệt về Lam Sơn tụ nghĩa không chỉ riêng con em của vùng đất xứ Thanh, mà có sự tham gia của nhiều nhân vật trên nhiều vùng miền của cả nước. Mặt khác lực lượng buổi đầu nhen nhóm lên cuộc khởi nghĩa không độc tôn ở một bộ phận, không độc quyền ở một giai cấp và không độc bá ở một đẳng cấp nào. Nó được mở rộng ra nhiều thành phần thuộc các giai cấp tầng lớp khác nhau trong xã hội: Quý tộc nhà Trần có, quan lại nhà Hồ có, nông dân, thương nhân cũng có, thậm chí là có cả những người trước kia vốn là những nông nô, nô tỳ…Chính điều này là điểm nổi bật tạo ra sự khác biệt về chất cho cuộc đấu tranh nơi núi rừng Lam Sơn so với các cuộc đấu tranh trước đó và cùng thời. Lần đầu tiên một cuộc khởi nghĩa chống Minh, một phong trào đấu tranh mà ở đó lực lượng gia nhập cuộc khởi nghĩa có sự đa dạng về thành phần tham gia, nhưng không có sự xuất hiện những mâu thuẫn về tư tưởng. Trong cộng đồng cuộc khởi nghĩa ta không thấy sự xuất hiện của những luồng tư tưởng thị phi, ganh ghét cũng như sự kỳ thị về thân phận hoặc sự đố kị, phân biệt về nguồn gốc xuất thân. Hiện tượng đó không chỉ là sự khẳng định một cách tuyệt đối và hoàn toàn cái ý chí cứu nước cứu dân đã thẩm thấu xuyên suốt tư tưởng của mọi con người Việt Nam thời điểm này nói chung cũng như trong lực lượng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng. Sự cố kết cao độ ấy cũng là hệ quả được tạo ra bởi chính tài năng và đức độ của vị Lam Sơn động chủ Lê Lợi, một con người luôn biết trọng hiền đãi sỹ, không xem thường người trên, không khinh nhờn kẻ dưới, không phân biệt sang hèn, không phân định đẳng cấp. Chính cái uy danh trí đức nghĩa nhân quãng đại của con người này đã là một tấm gương sáng có sức hấp dẫn cố kết mọi người lại với nhau. Ngay từ trong giai đoạn thành hình của cuộc khởi nghĩa, nhân tố đoàn kết mang sắc thái dân tộc của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là ở đó. Và đây chính là điểm khởi đầu có ý nghĩa quyết định cho một phong trào đấu tranh vươn lên đảm nhận sứ mạng mà lịch sử dân tộc giao phó.
Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ thực sự là dấu hiệu mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV. Từ đây cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dần dần trở thành biểu tượng khẳng định chân lý và sức mạnh của toàn dân tộc với quyết tâm giành độc lập, cởi ách ngoại bang. Nó hoàn toàn xứng đáng là linh hồn của phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.
2. Khởi nghĩa Lam Sơn - GS Phan Huy Lê, GS. Phan Đại Doãn
3. Đất Lam Sơn - GS. Vũ Ngọc Khánh