Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Lam Kinh - Cố đô triều Lê


Lam Kinh từ lâu đã đi vào tiềm thức người dân Việt như một điểm hẹn trở về với nguồn cội; nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng, cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn; nơi phát tích của dòng họ Đế vương đã có công bình ngô giữ nước.

Từ thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 47 rẽ qua cầu Mục Sơn bắc qua sông Chu là du khách đã về với Lam Kinh. Du khách sẽ như lạc vào khu rừng nguyên sinh mà ẩn bên trong là vẻ đẹp, không gian yên tĩnh của thiên nhiên, của thành điện cổ kính. Nơi đó thiên nhiên là những người lính canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho các bậc đế vương và hoàng hậu triều Lê sơ. 

            Thành điện Lam Kinh - Vị trí đắc địa:

Sau 10 năm "nếm mật nằm gai" lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi. Năm 1428 Lê Thái Tổ lên ngôi hoàng đế ở Đông Kinh và xây dựng trên quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành lớn thứ hai - thành điện Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh. Lam Kinh - vùng đất mà cách đây gần 600 năm cụ tổ của vua Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà đã được xây dựng hoành tráng, nguy nga gồm khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu bố trí theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ Vương. Phía Bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn), phía nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là núi Phú Lâm uốn lượn thành hình cánh cung che chắn phía Đông, bên hữu là núi Hướng và núi Hàm Rồng che chắn phía Tây. Thật là một vùng sơn thuỷ hữu tình!

 

 

Nền móng Chính Điện

  Điện cổ - thành xưa:

Vào thành điện Lam Kinh, du khách đi qua cầu Bạch mà xưa kia có tên gọi là cầu Tiên Loan Kiều được làm theo kiểu dáng "Thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu) bắc trên sông Ngọc, qua cầu là Ngọ Môn được canh giữ cẩn thận. Du khách sẽ ấn tượng với sân rồng trước điện Lam Kinh trải rộng khắp bề ngang của chính điện. Điện Lam Kinh nay chỉ còn lại dấu tích của nền móng nhưng vẫn cho thấy một kiến trúc quy mô với những chân cột được xếp vuông vức hình bàn cờ. Nối giữa sân rồng và chính điện là thềm rồng gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của rồng thời Lê. Phía sau điện Lam Kinh là Thái miếu, chạy theo hình vòng cung ôm lấy khu chính điện. Ngoài ra, còn có các công trình kiến trúc khác như nhà tả vu và hữu vu hai bên sân rồng. Phía đông chính điện là khu cư xá của các quan và quân lính trông coi khu kinh thành.

            Bia Vĩnh Lăng - tác phẩm nghệ thuật của triều Lê sơ:

 

 Nhà bia Vĩnh Lăng

           Về Lam Kinh, du khách sẽ bất ngờ với hệ thống lăng, miếu và bia. Tên lăng mộ cũng là tên bia ký tạo nên một nét kiến trúc giản dị, gần gũi song cũng rất tôn nghiêm. Trong số các lăng, bia nổi bật nhất là Vĩnh Lăng. Vĩnh Lăng - nơi an nghỉ vĩnh hằng của vua Lê Thái Tổ, nơi có vị trí điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong khu sơn lăng. Bia Vĩnh Lăng - một trong những tấm bia lớn nhất nước ta. Bia mô tả ngắn gọn, cô đọng gia tộc, thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn. Đến với nơi đây, du khách không quên thắp nén hương thơm lên vua Lê và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật văn bia để thấy sự giàu có của kho tàng văn hoá di sản Việt Nam!

          Lăng các vua và hoàng hậu triều Lê sơ:

  Lăng vua Lê Thánh Tông

                                                                                                     

          Trong khu sơn lăng của triều Lê sơ ở Lam Kinh còn có lăng các Vua kế nghiệp và Hoàng hậu được mai táng như: Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông. Đến thăm du khách sẽ thấy mỗi lăng mang một nét kiến trúc riêng và tượng chầu khác nhau đặc biệt là lăng của Hoàng Thái Hậu gây chú ý bởi tượng chầu đều là nữ. 

          Cây đa, Giếng cổ - chứng nhân lịch sử:

8.Giếng cổ Lam Sơn

                                                                                           Giếng cổ Lam Sơn

                                                                                                 

          Tuy thành, điện xưa bị huỷ hoại do những biến cố của lịch sử và thời gian nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt "Cây đa, giếng nước, sân đình" hiếm nơi nào có được. Bên hữu sân rồng là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể, luôn xanh ngắt, vươn mình toả bóng mát như chứng nhân còn mãi với thời gian. Bên tả là Giếng cổ - được xem là giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay, quanh năm đầy nước, trong mát và toả ngát hương sen. 

       Chiếc nôi của những huyền tích:

Cây đa – thị trong di tích Lam Kinh

                                                                                                     Cây đa - thị

                                                                                                                                                                                                                          

           Lam Kinh không chỉ để lại dấu ấn về một vương triều dài nhất trong lịch sử dân tộc, đưa Việt Nam đạt tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến; mà nơi đây còn lưu giữ những huyền tích luôn hấp dẫn và ấn tượng khi về với Lam Kinh: Chuyện ra đời của vua Lê Thái Tổ, chuyện về cây gươm thần làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô, Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn...

           Đền thờ Trung Túc Vương - Lê Lai:

V.Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai

                                                                                                      Đền Tép

                                                                                                                 

           Nằm yên tĩnh, toạ lạc trên quê hương đất mẹ - làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Ngôi đền cách Lam Kinh 6 km nhưng vẫn hướng về thành điện như lúc sinh thời trung quân một lòng vua - tôi đó là đền Lê Lai (hay đền Tép) thờ Trung Túc Vương Lê Lai - vị Khai quốc Công thần của triều Lê Sơ. Đến với nơi đây, du khách sẽ được sống trong không gian của văn hoá Mường, được nhân dân trong vùng kể cho nghe tích sử "Lê Lai liều mình cứu chúa", về tấm lòng trung quân, sự hy sinh cao cả của Lê Lai. Sau khi dẹp giặc, xây dựng đất nước, nhớ công lao của Lê Lai, vua Lê Lợi đã cho lập đền thờ và phong tước. Trước khi Lê Lợi mất, ông ra lệnh cho triều đình sau này làm giỗ Lê Lai trước, làm giỗ mình sau nên trong dân gian vẫn còn lưu truyền: "Hai mốt Lê Lai - Hai hai Lê Lợi". Hàng năm, lễ hội Lê Lai được tổ chức hai lần: ngày 08/01 (âm lịch) ngày mất của Lê Lai và ngày 21/8 (âm lịch) theo lệnh của Lê Lợi.


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh