Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH


Thọ Xuân (Thanh Hóa) là đất quý hương của triều đại Tiền Lê (980-1009) và vương triều Hậu Lê (TK XV-XII). Dấu ấn lịch sử còn lại trên vùng đất này là sự hiện hữu của các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như di tích và lễ hội đền thờ Lê Hoàn, di tích và lễ hội Lam Kinh… Thọ Xuân cũng là huyện có nhiều nghề truyền thống. (Theo số liệu thống kê trong báo cáo năm 2023, huyện Thọ Xuân hiện nay có tới gần 20 nghề thủ công truyền thống khác nhau). Trong đó tiêu biểu nhất là: Làng nghề làm bánh gai (làng mía - Thọ Diên), làng nghề làm bánh lá răng bừa (xã Xuân Lập); làng nghề làm Bánh kẹo, miến gạo, nem các loại (Xuân Yên, Xuân Bái, Thị trấn Thọ Xuân, Thọ Diên)..làng nghề đan cót nan (xã Thọ Nguyên);làng nghề mộc dân dụng (Xuân Bái, Thọ Minh); làng nghề đan nón lá (xã Thọ Lộc); nghề đan rổ rá các loại (Xuân Thành, Nam Giang, Thọ Lâm, Bắc Lương). Các làng nghề tại huyện Thọ Xuân đã phát triển nhanh và sản phẩm từ làng nghề cũng đáp ứng nhu cầu thị trường. Với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và sự phong phú của làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng cho vùng đất này trở thành không gian lịch sử - văn hóa tiêu biểu của xứ Thanh.

* Làng nghề bánh gai Tứ Trụ

Nghề làm bánh gai có mặt ở làng Thịnh Mỹ (còn gọi là làng Mía) từ thế kỷ XV bánh gai được các cung nữ làm vật phẩm tiến cống lên vua chúa vào các lễ hội lớn, về sau được truyền lại cho các thành viên khác trong làng, đến nay là hơn 600 năm. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi vương triều Hậu Lê được thành lập. Lam Kinh vùng đất quý hương của nhà Hậu. Vì vậy Lam Kinh và các vùng lân cận trở thành vùng đất sầm uất. Xã Thọ Diên lúc bấy giờ có tên là Đa Mỹ Phường là vùng đất nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, nơi tụ họp các nghệ nhân các nghề trong đó có nghề làm Bánh Gai. Người dân làm ra loại bánh thơm ngon đó thuộc làng Thịnh Mỹ, Làng còn có tên gọi khác là làng Mía. Đây là vùng đất thơ mộng, êm đềm bên dòng sông Chu, đến năm 1978 thì di chuyển sang phía trong đê. Trước kia, bánh gai được sử dụng trong những dịp lễ, tết và để cúng tiến lên các vua chúa. Bánh gai được xuất xứ từ Làng Mía và được phát triển bởi nhân dân làng Mía, nhưng trong quá trình sản xuất, làng Mía lại không phải là làng thuộc khu vực trung tâm giao thương, bởi lẽ, địa thế mà làng Mía cổ nằm lại ở vị trí ven sông Chu. Bởi vậy người dân Làng Mía đã đem những sản phẩm của mình lên phố Tứ Trụ để bán (tên Tứ Trụ vì thời Lê quê hương Thọ Diên đã có vị quan làm tới chức Tứ trụ triều đình). Dần dần, mọi người biết đến bánh gai thông qua nơi bán, và quen gọi là “Bánh gai Tứ Trụ” cho đến ngày nay.

 Đặc sản bánh gai Tứ Trụ

* Làng nghề kẹo lạc Xuân Yên

Hiện nay có khá nhiều cơ sở làm kẹo lạc như cơ sở sản xuất Kẹo Lạc Đức Giang - Thôn 6; Hùng Xuân - Thôn 3; Mai Tấn Thôn 3; Nhất Sâm - Thôn 5...Kẹo lạc có mùi vị hấp dẫn của lạc và đường đang trong độ kết dẻo. Cơ sở sản xuất kẹo lạc Đức Giang được xem là một trong những cơ sở sản xuất có quy mô lớn trong xã. Đặc biệt, sản phẩm kẹo lạc đường được người tiêu dùng ưu chuộng, tìm mua tận nhà. Có máy cắt kẹo, đóng túi bóng kẹo tự động nên tiết kiệm và giải phóng được nhiều sức lao động, nhiều khâu sản xuất vất vả. Tháng cao điểm dịp Tết, sau khi trừ chi phí nguyên liệu và tiền lương công nhân, mỗi cơ sở thu về trên 100 triệu đồng/tháng. Để có được sản phẩm đạt chất lượng, các hộ làm nghề Kẹo lạc ở Xuân Yên phải chọn lựa khá công phu, kỹ càng về nguyên liệu. Thị trường tiêu thụ chủ yếu cung cấp cho nguồn khách du lịch tại các điểm di tích trên địa bàn huyện, các siêu thị và qua thương lái các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nghề làm kẹo lạc có hơn 40 năm tồn tại và phát triển, đang được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Đặc sản kẹo lạc Sìu Xuân Yên

* Làng nghề làm nem nướng

 Đây là loại nem mà trong thời kỳ chống thực dân Pháp các văn nghệ sĩ Bắc Kỳ vào sơ tán ở vùng đất Thọ Xuân nhắc đến với nỗi khát khao. Cách làm cũng rất đơn giản và có thể ăn ngay được. Thịt lợn mới mổ khi còn nóng lọc hết mỡ và bì, thái thành những miếng mỏng nhỏ, bì cạo sạch luộc chín thái sợi chỉ, sau đó thính gạo, ngô giã nhỏ rây thành bột trộn với thịt và bì cùng một ít muối sau đó dùng tay sạch nắm thành nắm thêm lá ổi hoặc lá đinh lăng cuốn xung quanh, gói lại thành nhiều gói vuông vức rồi xâu lạt lại. Khi ăn nướng trên than hồng rất ngon miệng. Ở các làng quê trong các kỳ giỗ, cưới… món nem thính vẫn là món được nhiều người ưu thích. Nghề làm nem tập trung tại thị trấn Thọ Xuân, Thọ Diên, Xuân Bái.

Đặc sản nem nướng Thọ Xuân

* Làng nghề bánh lá răng bừa

Bánh lá răng bừa có nguồn gốc từ làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những đặc sản xứ Thanh gắn liền với điển tích có thật trong lịch sử nước Việt. Để tưởng nhớ công lao của vị vua Lê Đại Hành khi đã đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm mà người dân làng đã làm nên chiếc lá răng bừa để tiến vua. Gọi là bánh răng bừa vì bánh được làm theo hình thuôn dài dẹp hai đầu và phình ra ở giữa giống như lưỡi nhỏ của chiếc răng bừa. nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh răng bừa gồm nhân thịt  bột gạo tẻ được gói bằng là dong hoặc lá chuối. Bánh răng bừa là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán và phục vụ du khách khi về với xứ Thanh.

Đặc sản bánh Răng Bừa

Các làng nghề truyền thống của huyện Thọ Xuân nằm giữa con đường trung chuyển của các tour - tuyến du lịch như Tua Sầm Sơn - Lam Kinh - Suối cá thần; tour Lam Kinh - thành nhà Hồ… Ngoài ra, Thọ Xuân có điều kiện thuận lợi về đường bộ, đường hàng không. Các làng nghề truyền thống huyện Thọ Xuân gần sân bay dân dụng Sao Vàng thuận lợi cho việc đi lại của du khách trong và ngoài nước. Nơi đây có khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, theo thống kê của Ban quản lý di tích Lam Kinh hàng năm đón và phục vụ vài trăm nghìn lượt du khách (Năm 2023 đón 298.600 lượt khách tham quan). Khách đến Lam Kinh và đi tham quan du lịch tới các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thọ Xuân không những góp phần cho hoạt động du lịch phát triển mà nó còn quảng bá được hình ảnh của vùng đất Thọ Xuân thông qua mỗi sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên hoạt động tiếp thị quảng bá của các làng nghề truyền thống tại huyện Thọ Xuân chưa đem lại hiệu quả cao, hơn thế nữa cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch còn yếu, thiếu, nên sản phẩm du lịch của các làng nghề truyền thống ở huyện Thọ Xuân chưa tạo được sức hút. Bởi vậy, nhằm phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch trên địa bàn huyện, cần xác định một số phương hướng cụ thể: Nâng cao hiệu quả quản lý là phát triển nghề và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch phải gắn với xu hướng phát triển du lịch hiện đại. Đồng thời, phải dựa trên nội lực của huyện Thọ Xuân, khai thác triệt để mọi tiềm năng sẵn có nhằm ổn định, phát triển nghề truyền thống theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chú trọng tôn vinh và phát triển nguồn nhân lực có khả năng kế tục phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở huyện Thọ Xuân về ý thức, giá trị của việc bảo tồn các làng nghề truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn huyện nhằm tạo đam mê cho thế hệ trẻ về các ngành nghề truyền thống. Đây cũng là giải pháp quản lý làng nghề truyền thống có ý nghĩa chiến lược và hữu hiệu gắn việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống địa phương với phát triển du lịch. Trong đó việc đẩy mạnh quảng bá xúc tiến được coi là giải pháp quan trọng nhất. Thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì việc tuyên truyền quảng bá sẽ mang lại hiệu quả cao đối với sự tồn tại và phát triển của các ngành nghề nói chung và quản lý làng nghề truyền thống huyện Thọ Xuân phục vụ cho phát triển du lịch nói riêng. Vì vậy cần phải có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cho từng làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở huyện Thọ Xuân theo phương châm "mỗi làng nghề một sản phẩm" nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, làng nghề truyền thống đang dần khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam nói chung và huyện Thọ Xuân nói riêng. Quản lý phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch là con đường hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu của huyện Thọ Xuân và của Việt Nam. Với những giá trị lịch sử - văn hóa chứa đựng trong mỗi sản phẩm nên làng nghề truyền thống ở huyện Thọ Xuân không chỉ là di sản văn hóa của địa phương mà phát triển làng nghề truyền thống là triển vọng trong thời kỳ hội nhập sâu với thế giới./.

Bài: Ngô Việt Phương

Cán bộ phòng TCHC Ban QLDTLK


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh