Vua Lê Hiến Tông là con trưởng của vua Lê Thánh Tông, mẹ là Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Huyên (1), sinh năm 1461, lên ngôi năm 1497, ở ngôi được 7 năm, đến ngày 24 tháng 5 năm 1504 băng hà (thọ 44 tuổi). Vua kế thừa đại nghiệp, tiếp tục duy trì sự cường thịnh quốc gia Đại Việt và được đánh giá là vị vua nhân từ, đức độ. Vua đã thành công trong việc lãnh đạo đất nước, phát huy những thành tựu dưới thời vua Lê Thánh Tông; yêu văn học, thận trọng hình phạt, luôn gần gũi với quần thần, chăm lo đến giáo dục, nông nghiệp, cải thiện đời sống Nhân dân, củng cố sức mạnh quân đội.
Lăng mộ vua Lê Hiến Tông
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá về vua Lê Hiến Tông: “Vua thiên tư anh minh thông tuệ, giữ vận thịnh trị, thái bình, mới trong khoảng 7 năm mà thiên hạ bình yên, xứng đáng là bậc vua giỏi giữ cơ đồ” (2) “Vua sinh ra, dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường, Thánh Tông yêu quý lắm” (3).
Từ khi lên ngôi, Vua Lê Hiến Tông đặc biệt quan tâm đến các bậc công thần trong khởi nghĩa Lam sơn và hậu duệ của họ, nên đã truyền sắc chỉ rằng “Những người có công dựng nước thời Thuận Thiên (niên hiệu của vua Lê Thái Tổ), đã nhận sắc mệnh ban phong, ai từ tam phẩm trở lên mà con cháu đã bị sung vào các quân ngũ thì cho phép bản thân họ được khai báo. Binh bộ điều tra, người ở quân ngũ thì được bổ sung vào làm vệ sĩ cẩm y, người biết đọc sách thì cho làm nho sinh ở Sùng Văn Quán; ai từ tam phẩm trở xuống thì con cháu họ được sung vào các vệ Vũ Lâm, Thần tý” (4) .
Ngày 22 tháng 8 năm 1498, vua đã ban sắc dụ cho Bộ Hình, Ty Đình Úy và các quan xét kiện trong ngoài rằng: “Việc dùng hình ngục liên quan tới sinh mệnh của dân, xử đúng đạo thì dân thỏa lòng, xử trái đạo thì dân chịu hại” (5). Với binh lính hay những người đã từng phạm tội, Vua luôn chú trọng đến việc chăm lo họ sau khi đã thực hiện xong các hình phạt, khiến họ cảm mến đức giáo hóa “Những điển lại có tội phải sung quân, khi được ân xá, nên bổ làm lại ở nha môn bên ngoài. Người nào tội tình nhẹ thì bổ nơi đất lành, khoan cho một chút”.(6)
Ngay sau khi kế vị để đảm bảo việc người làm hay người nhà của quan lại, cung phủ lợi dụng chức vụ để mưu lợi trong khi mua bán với người dân, Vua đã quy định: “Các nữ sử ở nội phủ, cung nhân cung Thiên Hòa và nô tỳ ở các phủ thân vương, công chúa, các nhà đại thần có mua thứ gì của người dân bán trong chợ, không được quen thói cũ, mượn tiếng công mưu lợi riêng, ức hiếp mua rẻ và không trả tiền” (7) .Vua đã ban những sắc lệnh thể hiện đức tính nhân từ như giảm thuế khóa tạp dịch và cho quân dân vay thóc “Chợ nào to đã có ngạch thuế thì cứ theo như trước, chợ nào chưa có ngạch thuế thì không được biên thêm vào ngạch. Còn ở Nghệ An thì các sắc quân, dân, những người không vợ, góa chồng, đói rét, bệnh tật, tàn phế, nếu có ai thiếu ăn thì hai ty Thừa, Hiến giao xuống cho các quan phủ, huyện kê khai ngay họ tên những người ấy làm bản tâu lên cấp thóc công chứa trong kho, mỗi người 100 thăng, đến khi lúa chín sẽ chiếu theo số thóc vay mà thu nộp” (8).
Vua luôn quan tâm đến người nghèo, đinh tráng, chế độ sở hữu ruộng đất. Tháng 5 năm 1501, vua xuống chiếu: “Từ nay trở đi, hàng năm đến kỳ tuyển đinh tráng, xã nào có người nghèo túng, không kể là có ruộng công, ruộng tư hay không, xã trưởng phải làm giấy bảo kết cam đoan trước, quan phủ, huyện khám xét lại, rồi khai vào hạng nghèo túng, cho được miễn tuyển” (9).
Để thực hiện tư tưởng vì dân, thể đức hiếu sinh Vua đã ra lệnh “Thả vài trăm cung nữ”(10), “sai sứ đi khắp bốn phương, truy xét những người nghèo túng, già yếu còn trong quân ngũ thì thải cho về, những người chịu thuế khoá và phục dịch công trình quá nặng thì giảm nhẹ cho; tha những kẻ lầm lỡ, xét rõ người oan khuất, bổ dùng kẻ mất chức, khen thưởng người có công; tha nợ thuế, nới hình phạt, nêu gương người tiết nghĩa, giúp đỡ kẻ côi cút, người đói nghèo, cất nhắc người liêm khiết, tiến cử bậc hiền tài, trong ngoài ai cũng thoả lòng” (11), “Quan bên ngoài ai có việc về Kinh và sứ của triều đình từ ngoài trở về, vua đều cho gọi vào hỏi về mùa màng được hay mất, trăm họ sướng khổ ra sao”(12). “Vua xem sổ tiền thóc của Hộ tào dâng lên và hỏi các quan tả hữu, biết được tình trạng dự trữ của nhà nước và tư nhân. Từ đấy lại càng để ý đến việc nông tang, tự tay viết sắc lệnh sai các quan thừa hiến, phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê điều, đào ngòi lạch, khơi bờ ruộng, để phòng hạn, lụt. Lại sai triều thần đi kiểm tra, xem xét những việc đó (13).
Đối với các tầng lớp quan lại và tri thức Vua luôn thể hiện sự gần gũi, dùng nhân đức để tập hợp và khiến họ tận hiến với đất nước:“Vua thông minh duệ trí hơn người mà tính tình ôn hòa nhân từ, vẻ mặt thường tỏ ra không hề nghiêm nghị, thường khi tan triều hay hỏi đến các sĩ đại phu về việc được mất. Lấy lời lẽ dịu dàng, sắc mặt vui tươi khiến cho họ nói ra sự tình. Chính vì thế mà biết hết tình người dưới, phá hết sự che lấp. Có kẻ nào mắc phải lỗi lầm thì quở trách qua loa, không nhẫn tâm ban thêm đoàn nhục, để cho họ có chỗ mà cất nhắc thi thố tài năng”. (14)
Vua đặc biệt quan tâm đến các vùng đất ở xa kinh đô, dùng đức để cảm hóa, quan tâm đến tài sản và sinh kế của Nhân dân:“Trước đây ở bộ Nghệ An, Thuận Hóa có bọn trộm cắp nổi lên, các quận huyện đánh nhau lẫn lộn, không dẹp yên được. Vua ra lệnh cho các quan sở tại đặt binh đuổi bắt khắp nơi, dỗ dành nếu ra đầu thú thì sẽ cho quay về phục nghiệp, kẻ đói thì mở lòng giúp đỡ họ, theo nhau giải tán về làm người lương thiện, bởi vậy mà xóm làng được yên ổn vậy (15).“Ở vùng Quảng Nam có nhiều ruộng chưa được khai phá, vua xuống chiếu gọi dân vùng ven Thuận Hóa ai nguyện muốn đi thì Vua cho đến đó lập nghiệp. Do vậy mọi người đều có tài sản, ruộng đồng không bị bỏ hoang” (16)
Đối với các vùng đất lâu nay vẫn triều cống hoặc xưng thần với Đại Việt, Vua luôn dùng lễ để đối đãi: “Vua lệnh cho các tướng trấn ải biên cương dùng lời hay nói cho họ biết, lập tức họ theo mà bái phục” (17). Các nước và vùng phên dậu này đều cảm động trước ân uy của đức vua mà quy thuận triều đình khiến vùng đất biên thùy luôn được vững chãi.
Trong thời gian ở ngôi những việc làm nhân đức của Vua luôn được ghi nhận từ những điều nhỏ nhất. Vua từng ban chiếu về sự công bằng giữa con nuôi và con đẻ: “Các quan trong ngoài, người nào không có con mà nuôi con nuôi, đều chiếu theo chức phẩm, cho được tập ấm bổ quan như con đẻ” (18). Ngoài ra, Vua quan tâm đến công việc của nhà bếp ở Thự Thái Quan (nơi phụ trách việc ăn uống của vua), công việc của người chăn voi ở Bộ Công, người coi các kho vũ khí, lính tráng bảo vệ kinh đô, việc học hành, ăn ở và thi cử của sĩ tử….
Vua Lê Hiến tông luôn ý thức cao trong việc giữ gìn cơ nghiệp, chú trọng đào tạo và sử dụng nhân tài, yêu quan và thương dân. Vua thường nói với các quan rằng: “Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta, dẹp yên nước nhà, gây dựng cương kỷ. Thái Tông Văn Hoàng Đế làm sáng phép trời, luân thường chăm giữ. Thánh Tông Thuần Hoàng Đế phát huy công đức của đời trước, rộng ban giáo hoá, hoà hợp lòng người, thánh thần truyền nối, quy củ tiếp nhau. Lòng nhân tiếng nhân dào dạt khắp trung châu, chính giáo tốt ành, thấm nhuần tới mọi cõi. Hàng triệu dân hưởng phúc tốt yên hoà, hàng ức năm được phong đăng thịnh trị” (19).
Chính nhờ những suy nghĩ, những việc làm mang hoàng ân bao la như vậy cho nên vua được sứ thần nhà Minh đặc biệt ca ngợi. Năm 1499, nhà Minh sai Chánh sứ là Lương Trừ, phó sứ Vương Chẩn sang sắc phong cho Vua, khi được tiếp xúc với Vua Lê Hiến Tông, Lương Trừ đã nhận xét rằng: “Hôm nay được thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, thực là tướng trường thọ, quả là phúc lớn của sinh linh phương Nam. Sao mà học rộng và ứng tiếp mọi việc nhanh chóng, mẫn tiệp đến thế” (20).
Sử thần Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược đã nhận xét về vua “Ngài là một vị vua thông minh hòa hậu”, “Về việc cày ruộng trồng dâu Ngài lưu tâm khuyên nhủ quan dân, khiến mọi người hết sức giữ gìn, bắt đào sông khai ngòi, đắp đường, làm xe nước, để tiện cho việc nông. Việc văn học cũng vậy không bao giờ trễ nãi”. (21)
Như vậy, dù thời gian vua Lê Hiến Tông ở ngôi chỉ trong khoảng 7 năm nhưng chính nhờ đức giáo hóa của vua, tấm lòng thương dân, nhân từ, đức độ đã góp phần tạo nên một nền chính trị ổn định, đất nước phát triển, đời sống muôn dân được ấm no./.
Chú thích:
1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư
- Theo sách Lê Triều Ngọc Phả thì mẹ của vua có tên là: Nguyễn Thị Ngọc Huyên
- Sách Các triều đại Việt Nam thì mẹ của vua Họ Nguyễn húy là Hằng
- 2, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 18, 19, 10: Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư tập 3, các trang 7,8, 10, 18, 25, 29.
- 7, 8: Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư tập 2, các trang 653, 654.
- 14, 15, 16, 17: Trích trong Tuyển tập văn bia Thanh Hóa tập 2, các trang 133, 134, 135, 136.
- 21: Trích trong Việt Nam sử lược, trang 279, 280.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký thoàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, 2009
2. Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký thoàn thư, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, 2009
3. Lê Văn Toan, Nguyễn Văn Hải…Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 2 Văn bia thời Lê Sơ, Nxb Thanh Hóa, 2013.
4. Quỳnh Cư, Đỗ Quốc Hùng. Các triều đại Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 2009
5. Lê Xuân Kỳ, Lê Trung Tiến. Lê Triều ngọc phả, Nxb Thanh Hóa, tái bản 2020
6. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn học, tái bản năm 2022.
Bài, ảnh, Trần Danh Hải
Phòng nghiệp vụ Ban QLDT Lam Kinh