Hàng năm vào dịp tháng Tám âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại được tổ chức tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, vùng đất thiêng của dân tộc. Lễ hội Lam Kinh là dịp để tri ân, tôn vinh công lao sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sỹ, cùng các tầng lớp nhân dân tham gia khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 - 1427), giành độc lập tự chủ, cho dân tộc.
Toàn cảnh rước kiệu ngày 22 tháng 8 năm 2010
Vùng đất cổ Lam Sơn là nơi “phát tích” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của nhà Lê, nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh. Khởi nghĩa Lam Sơn trải qua mười năm nếm mật nằm gai (1418 - 1427). Sau khi dành thắng lợi, lên ngôi vua Lê Thái tổ đã chọn đất tổ Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua và hoàng hậu của vương Triều Lê Sơ. Kể từ đó Lam Kinh trở thành nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ. Đây cũng chính là cơ sở cho sự ra đời và sức sống của lễ hội Lam Kinh suốt nhiều thế kỷ.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trog ngày (21 - 23/8 âm lịch) bao gồm: phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, rước linh vị Đức Thái Tổ Cao hoàng đế và Trung Túc Vương Lê Lai; lễ dâng hương và tấu cáo tiên tổ…
Toàn cảnh lễ hội Lam Kinh năm 2015
Trong không khí trang nghiêm và âm hưởng hào hùng của trống, chiêng, đoàn rước kiệu Vua Lê Thái tổ và kiệu Lê Lai cùng quân kiệu, quân cờ xuất phát từ đền thờ Vua Lê Thái tổ được rước về sân Rồng theo đúng nghi thức truyền thống. Đội rước kiệu vận trang phục áo đỏ, quần vàng, thắt lưng đỏ, khăn vàng ngay ngắn khênh kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc vương Lê Lai. Đội tế gồm các thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Khi nghi lễ chính thức bắt đầu, chủ tế thực hiện nghi lễ đọc chúc văn, nêu công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi và những tướng sỹ, công thần có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của vương triều hậu Lê trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Toàn cảnh sân khấu hóa lễ hội Lam Kinh năm 2015
Phần hội với những chương trình nghệ thuật qua các màn trình diễn được đầu tư công phu, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ. Phần sân khấu hóa đã tái hiện lại những dấu ấn với “hội thề Lũng Nhai”, “Lê Lai cứu chúa”, “Giải phóng thành Đông Quan”, “Lê Thái tổ đăng quang’… Mỗi một phân cảnh, một tiếng trống chiêng, cờ quạt như đang rút ngắn khoảng cách hiện tại - quá khư; đưa người dân về những trận chiến, sự kiện đã làm nên danh tiếng lẫy lừng của khởi nghĩa Lam Sơn. Từ đó, người dân có thể hình dung cụ thể những cống hiến, công đức của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sĩ và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung trong cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc diễn ra cách đây hơn 600 năm.
Trò Xuân Phả tại lễ hội Lam Kinh năm 2018
Tiếp theo là trình diễn các trò diễn dân gian truyền thống xứ Thanh như: Xuân Phả, trò chiềng, múa Rồng, Bình Ngô, Sanh Ngô, trống hội, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường, múa bát dân tộc Dao....trong đó tiêu biểu là trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các trò diễn đã góp phần cho lễ hội Lam Kinh trở nên đặc sắc, thể hiện nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Lễ hội Lam Kinh đã thực sự trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể giúp cho lịch sử luôn sống mãi trong thế hệ mai sau. Đây đồng thời cũng là dịp để quảng bá, tuyên truyền và thu hút khách tham quan đến di tích Lam Kinh, góp phần vào việc phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hoá./.
Bài: Nguyễn Thị Hướng
Cán bộ phòng khai thác, BQL DT Lam Kinh
Ảnh: Bá Xuân