Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

LÊ LAI VỚI KHỞI NGHĨA LAM SƠN


Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, các cuộc kháng chiến chống quân Minh trên đất nước ta tạm thời lắng xuống. Cho đến năm 1416 phong trào khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh bắt đầu bùng nổ ở nhiều nơi. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Lê Lợi là người làng Cham nay thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Dòng họ Lê đến dựng nghiệp ở vùng núi Kiên Thọ - Lam Sơn từ cuối đời Trần. Cho đến đầu thế kỉ XV thì Lê Lợi đã trở thành một hào trưởng có uy tín và thế lực mạnh trong vùng, văn bia Vĩnh Lăng cho biết: “Ông tổ họ Lê một ngày đi chơi núi Lam Sơn thấy có đàn chim bay lượn dưới chân núi vẻ như đông người tụ họp nên cho rằng đây là đất tốt liền dời nhà đến, được ba năm thì thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, cuộc mở nước dựng nước thực sự gây nên từ đây”.

 Bia Vĩnh Lăng

Sau một thời gian ngấm ngầm chuẩn bị thu nạp anh tài, tháng hai năm Bính Tuất (1416) Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai (Thường Xuân, Thanh Hóa) hính thức phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Minh (1).

Từ khi thai nghén khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu, quân Minh đã tập hợp lực lượng để đàn áp. Bắt đầu từ thành Tây Đô (Thanh Hóa) chúng đánh thẳng vào Lam Sơn, Lê Lợi đành phải rút về Mường Một (Lang Chánh). Từ Lam Sơn giặc lại đánh ồ ạt vào Mường Một với hi vọng là sẽ tiêu diệt hết lực lượng của nghĩa quân Lê Lợi ở nơi đây. 

Vì bị đánh dồn dập khó bề chống đỡ, buộc Lê Lợi phải rút quân về Lạc Thuỷ, quân giặc không bắt được Lê Lợi nên chúng tìm cách trả thù bằng cách đào mồ mả tổ tiên của Lê Lợi và đặt trên thuyền neo ở giữa sông canh gác rất nghiêm ngặt. Các tướng Trịnh Khả và Bùi Bị đã dùng mưu kế, đoạt lại hài cốt của tổ tiên Lê Lợi và đem về vùng đất Lam Sơn cất giữ. Giặc tức tối liền cho quân đánh vào Lam Sơn lần thứ hai, và lần này do lực lượng của Lê Lợi mỏng, bị giặc đánh nên tiêu hao và tổn thất không nhỏ. Vợ con và nhiều người khác trong gia tộc Lê Lợi bị bắt, nghĩa quân Lam Sơn đành phải rút lên núi Chí Linh để củng cố và xây dựng lực lượng (2).

Rút lên núi Chí Linh (thuộc dãy núi Phù Rinh gồm nhiều ngọn núi cao trên dưới 1000m thuộc phía Tây Thanh Hóa, núi chiếm một khu vực rộng thuộc hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân) nghĩa quân định dựa vào địa thế cực kì hiểm yếu của vùng này để thủ hiểm, tạm tránh đuổi cuộc truy kích của địch nhưng quân Minh quyết bao vây núi chí Linh. Sau hơn hai tháng giằng co với nghĩa quân Lam Sơn không thành, giặc rút quân khỏi núi Chí Linh và nghĩa quân Lê Lợi lại trở về Lam Sơn. Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi về Lam Sơn tinh thần cũng như sức mạnh tinh thần chiến đấu của nghĩa quân được phục hồi. Để lấy lại khí phách nghĩa quân, Lê Lợi quyết định tổ chức hai trận đánh cùng lúc ở Mường Một và Mường Nanh. Cả hai trận đánh ấy nghĩa quân Lam Sơn đều giành được thắng lợi to lớn. Nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục bị quân giặc tiến đánh lần nữa nhưng do cả thế và lực hai bên đều không cân xứng nên một lần nữa nghĩa quân Lam Sơn phải rút lui lên núi Chí Linh (3). Ở đây hiện nay còn lưu giữ nhiều truyền thuyết và sự tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Biết rõ Lê Lợi và nghĩa quân đã rút về núi Chí Linh, quân Minh đã khép chặt vòng vây nghiệt ngã hơn trước nhiều. Mọi ngã đường ra vào Chí Linh đều bị phong toả, ngày đêm quân thù lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, nghĩa quân rơi vào thế vô cùng hiểm nghèo: “Lương thực ít tuyệt đường đi về Linh Sơn, Mường Cốc… quân lính chịu khổ đã rất vất vả hàng mười ngày liền, phải đào củ nâu cầm hơi tìm mật ong làm nước uống người ngựa đói khổ(4). Ở đây Lê Lợi và nghĩa quân khốn khổ bộn bề. Quân số ngày càng thiếu thốn lương thực, bệnh tật bắt đầu hoành hành chí khí có phần nao núng. Còn ở Lam Sơn mồ mả cha ông Lê Lợi cùng vợ con bị đào bới người trong gia đình bị giặc bắt hoặc phiêu tán… Trước tình hình ngày càng nguy cấp, sự tồn vong của nghĩa quân Lam Sơn đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Lê Lợi cùng các đồng chí trong bộ tham mưu của mình đã cùng nhau bàn kế sách để giải nguy bảo toàn lực lượng.

Trong tình hình rất cấp bách lúc bấy giờ, con đường sống duy nhất của Lam Sơn chỉ còn cách mở đường máu, đánh lạc hướng sự chú ý của giặc, để rồi rút quân khỏi núi Chí Linh một cách an toàn mà thôi. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi lẽ muốn đánh lạc hướng quân giặc thành công, nghĩa quân ta phải chấp nhận một tổn thất lớn nhất đó là ai sẽ là người chấp nhận hy sinh để mở lối an toàn cho Lê Lợi và cho toàn bộ lực lượng của quân sỹ Lam Sơn? Trong tình thế cấp bách nhà vua hỏi các tướng: Ai dám đổi áo của ta, thay ta đem quân ra đánh giặc để đánh lạc hướng, xưng danh hiệu của ta bắt trước Kỷ Tín đời Hán để Ta có thể dấu tiếng nghi binh tập hợp lực lượng tướng sĩ mưu tính cuộc nổi dậy về sau.

Lê Lai liền đứng dậy và khẳng khái nói: “Tôi xin đi, sau này lấy được nước thì nghĩ đến công lao của tôi khiến cho con cháu muôn đời được nhờ ơn nước đó là nguyện vọng của tôi”.

Lê Lợi trao áo bào cho Lê Lai

Vua Lê Lợi rất cảm động và nói: “Bây giờ nguy hiểm, thế này nếu ngồi giữ mảnh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích nếu theo kế hoạch này may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì”.

Nhà vua bái trời mà khấn rằng: “Lê Lai có công đổi áo sau này tôi và con cháu tôi cùng con cháu các tướng tá công thần nếu không nhớ đến công lao ấy thì xin cung điện biến thành núi rừng, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn” (5).

Lê Lai liền cải trang làm giả là Lê Lợi, lĩnh gần 500 quân và hai con voi chiến xưng là “Chúa Lam Sơn”, kéo ra anh dũng để mở đường máu. Quân Minh tập trung bao vây quyết bắt bằng được thủ lĩnh của nghĩa quân, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, đội quân cảm tử cùng Lê Lai chiến đấu tới hơi thở cuối cùng khi đã kiệt sức, ông bị giặc bắt. Giặc Minh bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi bèn rút quân về và sau đó xử tử Lê Lai.

Sau khi bắt được Lê Lai quân Minh rút toàn bộ lực lượng bao vây Chí Linh và Lam Sơn về thành Tây Đô. Sự hy sinh cao cả của Lê Lai và đội nghĩa quân cảm tử đã đưa cuộc khởi nghĩa thóat khỏi một tình thế hiểm nghèo tưởng chừng có thể bị tiêu diệt và đã bảo vệ cho bộ tham mưu đội quân chủ lực của nghĩa quân được an toàn.

Nhờ cơ hội đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây củng cố quân sỹ và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chiến đấu chống quân Minh. Có thể nói đóng góp của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lai trong khởi nghĩa Lam Sơn được khẳng định ngay từ những ngày đầu khi cuộc khởi nghĩa đang còn trong trứng nước. Nhưng sự đóng góp thực sự để lại cho hậu thế đời đời ghi nhớ cảm tạ tiếc thương … đó là sự hy sinh lẫm liệt của ông trong trận chiến đấu ác liệt của núi Chí Linh năm Mậu Tuất (1418). Sau ngày toàn thắng (1428) Lê Lai được phong làm công thần hạng nhất, truy tặng chức thiếu uý, thuỵ là Toàn Nghĩa(5). Hơn thế nữa trước khi qua đời Lê Lợi chỉ dụ con cháu rằng sau này ta mất thì cúng giỗ Lê Lai trước giỗ của ta 1 ngày vì thế nhân dân thường lưu truyền câu: “Hăm mốt Lê Lai hăm hai Lê Lợi”./.

Đền thờ Trung túc vương Lê Lai

 

Chú thích:

(1) Trần Văn Thịnh (chủ biên) - Trịnh Mạnh- Lê Bá Chức - Nguyễn Thế Long, Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa. NXB Thanh Hóa 1995, Tr.236-237.

(2) Nguyễn Duy Niên, Lam sơn thực lục (bản mới phát hiện), Ty văn hóa thông tin Thanh Hóa 1976, Tr.21-28.

(3) Lê Văn Tạo (2011), DSVH nguồn lực đặc biệt cho phát triển du lịch Thanh Hóa, NXB Thế giới, Tr.28.

(4) Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn. NXB khoa học ấn hành 1997, Tr.4.

(5) Ngô Sĩ Liên (chủ biên), Đại việt sử kí toàn thư (tập 2). NXB khoa học xã hội Hà Nội 1998, Tr.155-157.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngô Hoài Chung (Chủ biên) (2007), Truyền thuyết dựng bản - lập mường Thanh Hóa, Xuất bản năm 2007.
  2. Lê Xuân Kỳ - Hoàng Hùng -  Lê Huy Hoàng (2016), Gia tộc Trung Túc Vương Lê Lai, NXB hồng Đức.
  3. Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn. NXB thế giới Hà Nội 1999.
  4. Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn. NXB khoa học ấn hành 1997.
  5. Ngô Sĩ Liên (chủ biên), Đại việt sử kí toàn thư (tập 2). NXB khoa học xã hội Hà Nội 1998.
  6. Nguyễn Duy Niên, Lam sơn thực lục (bản mới phát hiện), Ty văn hóa thông tin Thanh Hóa 1976.
  7. Trần Văn Thịnh (chủ biên)- Trịnh Mạnh- Lê Bá Chức- Nguyễn Thế Long, Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa. NXB Thanh Hóa 1995.
  8. Phạm Tấn – Vương Hải Yến (2015), Xứ Thanh những điểm đến du lịch hấp dẫn, NXB Thanh Hóa.

Bài: Lê Thị Thức

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh