Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Một số thành tựu phát triển kinh tế thời Lê Sơ (1428 - 1433)


Năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, quân Minh rút về nước, đất nước sạch bóng quân thù. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Lê kéo dài hơn 360 năm trong lịch sử Việt Nam. Dưới thời trị vì của ông, nền kinh tế Đại Việt dần được hồi phục và đi vào ổn định.

Mùa xuân năm 1418 tại vùng đất Lam Sơn, Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi Nhân dân đứng lên đấu tranh chống quân Minh. Vượt qua gian khó của những ngày đầu khởi nghĩa, năm 1424, nghĩa quân chuyển hướng phát triển vào Nghệ An theo đề nghị của Nguyễn Chích. Từ đây, nghĩa quân Lam Sơn trở nên lớn mạnh, lần lượt đánh bại quân Minh ở nhiều nơi từ phía Nam ra phía Bắc. Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân cứu viện ở Chi Lăng – Xương Giang, buộc Vương Thông phải mở thành Đông Quan, cầu hòa xin rút quân về nước. Đất nước sạch bóng quân thù, đầu năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở thành Thăng Long.

Quân Minh cho đổi tên nước Đại Ngu thành quận Giao Chỉ sáp nhập vào bản đồ Đại Minh, ban hành nhiều chính lệnh hà khắc để bóc lột nhân dân ta. Trong nông nghiệp, chúng cướp ruộng đất, trâu bò của nông dân để cấp cho bọn quan lại khiến cho nông dân mất đi tư liệu sản xuất, thêm nữa, các cuộc đàn áp khiến mùa màng bị hủy hoại,  việc đê điều thủy lợi bê trễ gây ra nhiều trận lũ lụt. Về công thương nghiệp, các chính sách thuế khóa nặng nề, vơ vét tài nguyên không ngừng, lùng bắt thợ thủ công lành nghề, hạn chế buôn bán, cấm ngoại thương khiến cho việc buôn bán ngày càng sa sút. Hệ quả từ chính sách cai trị của nhà Minh trên đất Giao Chỉ là vô cùng nặng nề.

Để khắc phục lại hậu quả của chế độ đô hộ của giặc Minh, có rất nhiều việc phải làm với triều Lê mới thành lập. Ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã ban chiếu trong đó có việc miễn thuế hai năm các loại tô ruộng, vàng bạc, đầm phá, bãi dâu; tiếp đó, vua Ra lệnh chỉ cho các lộ là nơi nào bị quân giặc cướp phá thì được miễn giảm thuế. Các chiếu lệnh của vua ban ra giúp cho dân chúng có thời gian để phục hồi lại hoạt động sản xuất lương thực sau một thời gian dài chiến tranh.

Bên cạnh việc miễn thuế, vua Thái Tổ cũng rất quan tâm đến ruộng đất. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ nhất, tháng 11, “Ngày 25 làm sổ ruộng đất, sổ hộ tịch. Ra chỉ thị cho các phủ, huyện trấn, lộ khám xét các chằm bãi, ruộng đất, mỏ vàng bạc, những sản vật núi rừng trong hạt, các loại thuế ngạch cũ, cùng ruộng đất đã sung công của các nhà thế gia và những người tuyệt tự, và ruộng đất của những bọn đào ngũ, hạn đến trung tuần tháng 2 năm Kỷ Dậu trình lên. Sổ hộ tịch năm Mậu Thân và số ruộng đất năm Kỷ Dậu thì đến tháng 4 năm Quý Sửu sẽ nộp. Khi làm ruộng đất và hộ tịch thì khai cả từng hạng ngụy quan"(1). Sau khi xem xét sổ sách ruộng đất vua nhận thấy sự không công bằng về số ruộng đất của các thành phần, đặc biệt là nông dân. Vì vậy, bước sang năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên (1429), tháng Giêng, ngày 22 “ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan lại, quân nhân và dân chúng, trong từ đại thần trở xuống, dưới thì đến người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên”(2). Cùng với đó, vua ra lệnh cho con em tướng lĩnh, đầu mục trở về quê hương nhận đất sản xuất, chiêu dụ dân phiêu tán trở về quê làm ăn. Những ruộng đất bỏ hoang của người dân, quan lại ở Kinh thành phải thực hiện trồng hoa màu, nếu không sẽ bị thu hồi… Dưới thời trị vì của vua Lê Thái Tổ nhiều chính lệnh về phát ruộng đất cho dân chúng đã được thi hành, nông nghiệp dần phục hồi, một số mô hình kinh tế như đồn điền, quân điền làm cho diện tích đất khai khẩn tăng mạnh. Đời sống nhân dân trở nên tốt hơn, nỗi lo lương thực đã giảm đi rất nhiều.

Từ khi bắt đầu khởi nghĩa cho đến thắng lợi cuối cùng, quân số của nghĩa quân Lam Sơn từ vài nghìn người đã lên đến 35 vạn. Chính vì vậy vua Lê Thái Tổ đã thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” từ thời Lý - Trần, chia quân ra thành các phiên để thay nhau sản xuất và tập luyện bảo vệ đất nước. Năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên (1429)Tháng 2, ngày 21, ra lệnh chỉ cho tướng hiệu và quân nhân các vệ quân năm đạo rằng: Đến ngày 27 sẽ diễn tập chiến trận thủy, bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Diễn tập xong, sẽ chia mỗi vệ thành 5 phiên, 1 phiên ở lại, còn 4 phiên cho về làm ruộng"(3). Chính sách “ngụ binh ư nông” được thực hiện tạo điều kiện để một lượng lớn quân lính về sản xuất lương thực, giảm gánh nặng cho quốc khố trong việc trả quân lương, đồng thời tăng sản lượng lương thực cho đất nước. Bên cạnh đó, hoạt động tập luyện, tuần tra quốc phòng vẫn được tiến hành bình thường.

Song song với việc ổn định lại nông nghiệp, triều đình cũng tiến hành phục hồi lại nền thủ công nghiệp đang bị tổn hại do chính sách thuế khóa, việc bắt thợ lành nghề về Yên Kinh. Các ngành thủ công nghiệp chủ yếu như dệt, làm gốm, làm sơn, chạm khắc đá tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Để nền kinh tế Đại Việt có thể ổn định trở lại sau thời kỳ đô hộ hà khắc của nhà Minh, việc có một đồng tiền quốc gia trong buôn bán, giao thương là điều vô cùng quan trọng. Ngay trong năm Thuận Thiên thứ nhất, tháng 12, vua đã cho đúc Thuận Thiên nguyên bảo, quy định cứ 50 đồng là 1 tiền. Đến Năm Thuận Thiên thứ 2, “Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 5, ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ trong ngoài họp bàn về quy chế đồng tiền”(4). Từ khi triều Hồ hạn chế tiền đồng, ưu tiên sử dụng tiền giấy vẫn còn hạn chế đã gây nhiều xáo trộn trong nền kinh tế đương thời, rồi đến thời kỳ giặc Minh đô hộ, hệ thống tiền tệ không có sự nhất quán làm cho việc buôn bán sa sút. Thuận Thiên nguyên bảo được đúc dưới thời vua Lê Thái Tổ cho thấy sự quay lại với tiền đồng truyền thống, ổn định dòng tiền trong giao thương buôn bán.

Trong 5 năm đầu triều Lê dưới sự trị vì của vua Lê Thái Tổ, kinh tế Đại Việt có nhiều sự chuyển biến tích cực. Trọng tâm trong sự chuyến biến này đó là bãi bỏ các loại thuế khóa hà khắc của thời Minh thuộc, dân chúng có ruộng đất để cày cấy. Đồng tiền Thuận Thiên nguyên bảo xuất hiện giúp cho hoạt động giao lưu buôn bán hồi phục./.

Chú thích:

(1) (2) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, sđd, tr. 364-366

  • (3) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, sđd, tr. 366
  • (4) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, sđd, tr. 367Sách tham khảo
  • Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993

Người viết: Nguyễn Văn Huấn

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ BQLDTLS Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh