Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Một số truyền thuyết về công lao của người phụ nữ trong khởi nghĩa Lam Sơn


Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người anh hung dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào mùa Xuân năm 1418 và kết thúc năm 1427. Trong 10 năm kháng chiến đầy hi sinh gian khổ “nằm gai nếm mật” ấy, đã có nhiều câu chuyện gắn liền với công lao người phụ nữ, họ là những người phụ nữ kiên cường, có nhiều đóng góp giúp Lê Lợi và nghĩa quân đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần - người vợ tào khang của Lê Lợi, luôn kề vai sát cánh bên chồng đi theo nghĩa quân đánh giặc. Ngay từ những ngày đầu khi nghĩa quân bị giặc bao vây lâm vào cảnh: “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/Lúc Khôi huyện, quân không một lữ”. Bà Phạm Thị Ngọc Trần đã lặn lộn tìm kiếm lương ăn cho nghĩa quân, có lần vượt cả vòng vây của giặc, tìm đến phường đánh cá Đa Mỹ (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) vận động họ dùng thuyền chở lương thực ngược sông Chu vào căn cứ, tiếp tế cho nghĩa quân.

Năm 1423, bà Trần sinh con trai đầu lòng là Lê Nguyên Long, mặc dù mới sinh con nhưng bà vẫn ôm con nhỏ theo chồng bôn ba đánh giặc.

Năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn vây thành Nghệ An, đến thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên, nơi này có đền thờ thần Phổ Hộ. Ban đêm, Lê Lợi mộng thấy có vị thần báo rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau Lê Lợi gọi các bà vợ đến hỏi: Có ai chịu đi làm vợ  vị thần không? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con của người ấy làm thiên tử. Các bà không ai nói gì, chỉ có bà Phạm Thị Ngọc Trần khẳng khái quỳ thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân” . Nhà vua sai làm lễ tế thần và bà mất vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425). Lúc này con trai Hoàng Thái hậu là Nguyên Long mới được ba tuổi.

Khi Lê Lợi đã bình định được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, có nói rằng: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái” (1). Và sau khi vua Lê Thái Tông - con trai của bà lên ngôi thiên tử đã truy tôn: “Cung Từ Quang mục Quốc thái mẫu”, thờ ở miếu Thái mẫu tại Lam Kinh.

Ở đất xứ  Nghệ cũng có một người phụ nữ có công lao rất lớn trong việc giúp đỡ thủ lĩnh phong trào Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước Việt, đó là bà Trần Thị Ngọc Hào - người được nhà Lê phong là “Hoàng hậu Bạch Ngọc”.

Bà Ngọc Hào từng là cung phi của vua Trần Duệ Tông. Năm 1377, vua Duệ Tông mất, năm 1400, nhà Hồ thay thế nhà Trần, bà Ngọc Hào sống lặng lẽ trong cung riêng ở Thăng Long. Nhưng đến năm 1407, quân Minh sang xâm chiếm, bà dẫn 500 cung nhân nội thị rời kinh đô trốn vào xứ Nghệ, khai hoang lập ấp, kiến tạo được một vùng điền trang rộng lớn trên đất đai các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Cam Lộc, với 3.965 mẫu ruộng và hơn 3.000 dân.

Lúc nghĩa quân Lam Sơn mới vào xứ Nghệ, bà Ngọc Hào đã đến ra mắt Lê Lợi. Biết nghĩa quân đang rất cần lương thực và vũ khí đánh giặc, năm 1425, bà đem hết tiền của, lương thực và cả những khí giới tích lũy được trong nhiều năm cung cấp cho nghĩa quân. Khu vực điền trang của bà trở thành một căn cứ hậu cần quan trọng của nghĩa quân.

Nhờ sự giúp đỡ đắc lực của bà Ngọc Hào, chỉ sau một năm nghĩa quân Lam Sơn đã đủ mạnh để năm 1426 tiến quân ra chiến trường phía Bắc và đến cuối năm 1427 thì giải phóng đất nước.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, bà Ngọc Hào được phong là “Hoàng hậu Bạch Ngọc”, bà vẫn ở lại vùng điền trang của mình, tiếp tục chăm lo việc phúc đức cho tới khi qua đời. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà, Triều đình và nhân dân đã lập đền thờ bà để ngày đêm hương khói. Ngôi đền thờ “Hoàng hậu Bạch Ngọc” ngày nay thuộc xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Bà họ Đào, ở làng Đào Đặng, nay là xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, quân Minh cho một cánh quân của chúng xây dựng căn cứ tại làng. Chúng biết làng Đào Đặng có nhiều nữ nhân xinh đẹp làm nghề xướng ca, chúng ra lệnh gom tất cả các ca nương ấy vào trại, đêm đêm bắt phải múa hát cho chúng mua vui.

Tích chuyện kể rằng, vùng Đào Đặng lúc bấy giờ ẩm ướt nên rất nhiều muỗi. Chỉ huy giặc bèn làm những bao túi cho quân lính chui vào bao ngủ chống muỗi, mỗi đêm nghe xướng ca xong, sau khi  chui vào nằm trong túi, chúng nhờ những bàn tay ngà ngọc của các ca nương vừa ca múa xong thắt hộ sợi dây buộc miệng túi. Bà họ Đào là người được giặc nhờ cậy nhiều nhất. Nhân đây bà nghĩ ra một kế: Chờ cho giặc ngủ say trong túi thì bí mật đón những trai làng khỏe mạnh, lẻn vào trại khiêng những bao túi có giặc đang say giấc ở bên trong đem ra ngoài thả cho trôi sông mất tích.

Đêm này qua đêm khác, số lính giặc bị thả trôi sông bặt tăm ngày một nhiều. Chỉ huy giặc thấy quân số cứ lặng lẽ mà hao hụt. Không biết vì sao, đành cho rằng có âm binh báo hại nên xuống lệnh nhổ trại, kéo quân đi khỏi làng!

Dân làng Đào Đặng từ đấy thoát khỏi nạn giặc ức hiếp. Biết ơn ca nương họ Đào, đến khi bà mất liền tôn bà làm phúc thần của làng, gọi luôn tên thần là “Ả Đào”. Nghề ca xướng của làng từ đó cũng được gọi là “Hát Ả Đào”!

Bà Lương Thị Huệ, người thôn Ngọc Chuế, làng Chuế Cầu, huyện Ý Yên (nay thuộc tỉnh Nam Định). Quê bà ở ngay trên giao điểm của hai con đường thủy bộ, nối thông miền đồng bằng ven biển ngoài Bắc với bên trong là xứ Thanh. Giặc Minh sang xâm lược, nhận ra vị thế lợi hại của vùng đất này, bèn cho xây một tòa thành lớn hết sức kiên cố gọi là thành Cổ Lộng.

Bà Huệ khi ấy đã có chồng, tên là Đinh Tuấn. Hai vợ chồng đều là những người yêu nước. Nghe tin trong vùng xứ Thanh có Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Đinh Tuấn có ý đem gia binh theo quân khởi nghĩa, bà Huệ hết lòng ủng hộ chồng. Ở quê nhà, bà Lương Thị Huệ thì mở một quán hàng ở ngay ngoài cổng thành Cổ Lộng, vừa bán thức ăn cho giặc, vừa tuyển những thiếu nữ có thanh có sắc đến quán múa hát, làm thân với giặc để nhân đó dò xét tình hình trong thành.

Năm 1427, phong trào Lam Sơn lớn mạnh, đủ lực lượng đưa ra Bắc đánh giặc. Trên đường tiến quân, vấp phải thành Cổ Lộng án ngữ, Lê Lợi liền sai Đinh Tuấn về quê trước liệu địch.

Vợ chồng Đinh Tuấn - Lương Thị Huệ gặp lại nhau, bàn kế giúp Lê Lợi hạ thành Cổ Lộng. Bà Huệ nhận phần đưa các thiếu nữ ở hàng quán của mình vào thành, vừa cho giặc ăn uống say sưa, vừa múa hát khiến chúng mê đắm. Đợi lúc đêm về, khi giặc lơ là việc canh phòng, chui cả vào túi ngủ thì thắt miệng túi lại, để Đinh Tuấn dẫn đường cho nghĩa quân Lam Sơn xông vào thành đánh giết.

Thành Cổ Lộng của giặc đã bị đánh hạ theo kế hoạch ấy. Thành bị san phẳng nên chỗ đất xây thành từ đây có tên là “Bình Cách”, nghĩa là: San phẳng! Còn vợ chồng Đinh Tuấn - Lương Thị Huệ thì trở thành công thần Lam Sơn khởi nghĩa. Sau ngày đại thắng, đầu năm 1428, cả hai đều được phong tước “Công”. Sau khi qua đời, năm 1432 triều đình và dân chúng cho lập đền thờ, tôn làm “Kiến quốc đại vương” và “Kiến quốc phu nhân”.

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường từ kinh đô về Lam Sơn bái yết sơn lăng, đi qua Bình Cách lại được nghe sự tích hạ thành Cổ Lộng, cảm động trước công lao của bà Kiến quốc phu nhân Lương Thị Huệ, đã ngự chế một bài “Minh” để ở đền thờ bà, bài minh dịch như sau:

Giỏi thay nàng liệt phụ

Khí hùng hơn muôn binh

Giặc Minh sang xâm chiếm

Đóng giữ Cổ Lộng thành

Hoàng tổ ta khởi nghĩa

Quyết chí diệt quân Minh

Ngựa sắt hăng hái đánh

Thắt túi giúp công thành

Sử quan cầm bút chép

Cùng bà Trưng lưu danh

Đền thờ hương khói ngát

Nghìn thuở mãi lưu danh

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, mở ra thời kỳ Lê sơ phát triển rực rỡ trong lịch sử phong kiến dân tộc. Làm nên thắng lợi huy hoàng đó,bên cạnh những binh hùng, tướng mạnh dưới sự lãnh đạo tài tình của Bình Định vương Lê Lợi, còn có sự đóng góp công sức không nhỏ của những người phụ nữ như Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần,… Những người phụ nữ ấy sẽ mãi mãi được nhân dân tôn thờ, ghi nhớ công ơn./.

Chú thích:

  1. 1. Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1978, Tr.119.

Bài: Trần Thị Chung

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh