Rồng là con vật linh thiêng, huyền thoại có một vị thế đặc biệt trong văn hóa phương Đông. Trong tâm thức của người Việt, Rồng được xem là vật tổ gắn với truyền thuyết “con rồng cháu tiên”. Đây là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) nên có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh. Những năm Thìn (Rồng) trong lịch sử triều đại Hậu Lê cũng gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại.
Năm Giáp Thìn (1424): Sau thời gian hòa hoãn với giặc Minh, Bình Định Vương Lê Lợi đã quyết định chuyển hướng tiến vào phía Nam bằng trận đánh đồn Đa Căng (thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay) vào ngày 20 tháng 9, sau đó hạ các thành trì khác và tiến thẳng vào Nghệ An. Đến cuối năm 1424 toàn bộ vùng đất Nghệ An đã thuộc về nghĩa quân. Những thắng lợi này đã xoay chuyển cuộc khởi nghĩa từ giai đoạn phòng ngự, cầm cự sang tổng tiến công để hướng đến thắng lợi cuối cùng.
Toàn cảnh bậc rồng đá tòa miếu số 4 di tích Lam Kinh
Năm Canh Thìn (1460): Sau khi Lê Nghi Dân nổi loạn làm điều đại nghịch phế vua Lê Nhân Tông và tự lập mình làm vua, các quan đại thần là Đinh Liệt, Nguyễn Xí đã dẫn quân giết được Nghi Dân, rồi đón Lê Tư Thành lên ngôi (tức vua Lê Thánh Tông). Vua Lê Thánh Tông ở ngôi 38 năm (1460-1497) là một trong những bậc minh quân vĩ đại nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam.
Năm 1460 cũng là năm mà Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê bắt đầu biên soạn bộ quốc sử “Đại Việt Sử Ký toàn thư”.
Năm Nhâm Thìn (1472): Vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ xét họ tên người Chăm còn lưu lại ở Thuận Hóa để cho hội nhập vào cư dân Đại Việt. Bản đồ nước Đại Việt có thêm Thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam, với 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Ân. Cư dân người Việt đã di dân đến lập nghiệp ở vùng đất phía Nam đèo Hải Vân.
Năm Giáp Thìn (1484): Vua Lê Thánh Tông cho lập bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu (kinh đô Thăng Long) để khắc ghi tên tuổi các vị đỗ tiến sĩ từ khoa Đại Bảo thứ ba (1442) đến năm 1484. Từ đó về sau, Văn Miếu tiếp tục được dựng bia tiến sĩ. Đây là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa dân tộc.
Năm Bính Thìn (1496): Ngày 26 tháng 3 Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (thân mẫu vua Lê Thánh Tông) mất ở điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi. Thái hậu đã có công sinh thành, dưỡng dục và tạo nên một trong những vị minh quân hàng đầu cho đất nước. Vì có công lao lớn với quốc gia, hoàng tộc triều Lê và luôn chăm làm điều thiện nên Hoàng thái hậu được đánh giá “xứng đáng đứng đầu trong số các vương hậu của nước Việt”.
Thái hậu được an táng trong khu sơn lăng Lam Kinh, lập bia “Khôn nguyên chí đức” để ghi lại thân thế sự nghiệp.
Năm Bính Thìn (1556): ngày 24 tháng Giêng vua Lê Trung Tông băng hà không có người kế vị. Thái sư lương quốc công Trịnh Kiểm liền sai người tìm hậu duệ họ Lê để tôn lập và tìm được Lê Duy Bang (cháu 4 đời của Lam quốc công Lê Trừ (anh của vua Lê Thái Tổ) lập làm vua lấy niên hiệu là Lê Anh Tông. Từ đây kết thúc giai đoạn hậu duệ của vua Lê Thái tổ trị vì đất nước.
Năm Nhâm Thìn (1592): ngày 3 tháng Giêng Trịnh Tùng tế cáo trời đất, các vị hoàng đế triều Lê để tiến công ra Bắc đánh nhà Mạc. Vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị bắt. Tàn dư của họ Mạc chạy lên Cao Bằng, chấm dứt cuộc chiến Nam- Bắc triều. Đây cũng là năm nhà Mạc tổ chức khoa thi Hội cuối cùng.
Năm Bính Thìn (1676): Vua Lê Hy Tông sai các quan tu chỉnh lại bộ quốc sử với cái tên mới là Quốc sử thực lục. Vì vua Lê Hy Tông cấm đạo Thiên chúa nên người Hà Lan đã bỏ Phố Hiến (Hưng Yên) về nước không buôn bán giao dịch với nước ta nữa.
Năm Bính Thìn (1736): Thành lập “Tao Đàn Chiêu Anh Các” ở Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Đây không chỉ là tổ chức gần giống như hội Tao Đàn nhị thập bát tú thời vua Lê Thánh Tông mà còn là nơi thờ Khổng Tử, nơi chiêu tập các vị hiền tài và trợ giúp cho những thiếu niên ưu tú theo đuổi nghiệp văn, nghiệp võ./.
Bài, ảnh, Trần Danh Hải (tổng hợp)
Phòng nghiệp vụ Ban QLDT Lam Kinh