Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Ngói ở điện miếu Lam Kinh khai quật từ lòng đất


       Lam Sơn - Lam Kinh là quê hương anh hùng dân tộc Lê Lợi, người khởi xướng và lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược vào đầu thế kỷ XV. Cũng giống như các triều đại nhà Lý và Trần, để tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên, nhà Lê đã xây dựng nhiều công trình điện, miếu thờ và lăng tẩm các vua, hoàng thái hậu ở quê hương Lam Sơn để thờ cúng các hoàng đế, hoàng thái hậu của vương triều.

       Qua các đợt khai quật khảo cổ tại Lam Kinh một khối lượng đồ sộ, đa dạng các loại hình vật liệu kiến trúc, đặc biệt là vật liệu ngói đã xuất lộ như: Ngói ống, ngói âm dương, ngói mũi hài…

       Ngói mũi hài có kích thước dài từ 40cm đến 45cm, rộng từ 25cm đến 30cm, dày 2,5cm. Ngói có màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao, thân hình chữ nhật dẹt, vuông thành sắc cạnh. Đầu ngói nhô lên hình mũi hài, mũi cao thanh, cong vút, nhọn ở chính giữa, phía dưới mũi ngói trang trí hình lá đề cách điệu, hoặc các xoắn móc đơn. Phần đuôi ngói, phía dưới có mấu hình chữ nhật để liên kết bộ mái lợp.

Ngói mũ hài

        Ngói ống dáng thuôn dài, tròn đều, mặt cắt ngang hình nửa ống tròn, thân dày đều, mặt trên nhẵn, mặt dưới có dấu vải lót khuôn. Phần đuôi và thân được tạo liền khối, đầu ngói hình tròn, trong lòng đầu ngói trang trí hoa văn với các chủ đề chính là hoa cúc và hình rồng.

Ngói ống

       Ngói lòng máng thân hình chữ nhật, mặt cắt ngang khum cong, phần đuôi rộng hơn phần đầu, trong lòng thường có dấu vải lót khuôn. Thân ngói dày không đều, phần đầu dày và mỏng dần về phần đuôi. Ngói lòng máng lợp diềm mái (còn gọi là ngói trích thủy hay ngói yếm). Phần yếm ngói hình lá đề cách điệu, có trang trí hoa văn hình hoa cúc, mặt hổ phù, hình rồng.

Ngó lòng máng

       Vật liệu lợp trên mái kiến trúc điện miếu Lam Kinh phong phú và đa dạng, chất liệu ngói được làm rất kỹ, xương mịn. Loại không phủ men có màu xám trắng, loại ngói phủ men vàng được làm từ đất sét có pha cao lanh, xương mịn, màu trắng hoặc màu hồng. Ngói được nung ở nhiệt độ cao nên tạo ra độ cứng chắc, độ hút ẩm thấp, chịu được mưa nắng, đảm bảo cho độ bền của các công trình kiến trúc.

       Các loại hình ngói đều được tạo dáng trên khuôn định hình. Hoa văn trang trí trên đầu ngói được trang trí hình hoa cúc hoặc hình rồng. Hình rồng được trang trí trong tư thế cuộn tròn, đầu hướng vào tâm, hoa cúc được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự đa dạng về họa tiết. Thân rồng hơi mập, phủ vảy đơn, lượn theo chiều từ phải sang trái, thân rồng uốn khúc cuộn tròn. Đầu rồng ngẩng cao hướng sang bên trái.

      Qua chất liệu, kỹ thuật, đặc biệt là các loại hình và mô típ trang trí trên hiện vật cho thấy rõ tính chất cung đình, vai trò của điện miếu Lam Kinh với vương triều Lê Sơ mà không phải ở bất kỳ di tích thời Lê nào cũng có được./.

Bài, ảnh: Trần Thị Chung

Cán bộ phòng nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh