Là nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, mảnh đất sinh ra nhiều tướng lĩnh, danh nhân tiêu biểu, trải qua các triều đại phong kiến, Nghệ An được biết đến là căn cứ địa trọng yếu trong sự nghiệp mở mang bờ cõi và là một địa bàn chiến lược trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành, giữ nền độc lập của dân tộc.
Đầu thế kỷ XV, sau cuộc kháng chiến chống Minh của triều đại nhà Hồ thất bại, đất nước ta rơi vào ách thống trị của giặc Minh. Với mưu đồ biến nước ta thành quận, huyện, tháng 4 năm Đinh Hợi (1407), nhà Minh hạ lệnh đổi nước ta thành quận Giao Chỉ và chia thành 15 phủ. Vùng đất Nghệ An lúc đó (bao gồm địa bàn hai tỉnh Nghệ An , Hà Tĩnh ngày nay) được chia thành hai phủ: Diễn Châu và Nghệ An.
Mặc dù cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ thất bại, song phong trào đấu tranh chống quân xâm lược của Nhân dân ta vẫn liên tục diễn ra. Địa bàn Nghệ An trước khi trở thành “đất đứng chân” của nghĩa quân Lam Sơn đã từng là nơi diễn ra nhiều cuộc đấu tranh mạnh mẽ và rộng khắp, từ miền đồng bằng đông dân đến vùng miền Tây hẻo lánh, sang cả nước Ai Lao (Lào) láng giềng, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia, kể cả hàng ngũ thổ quan, thổ quân tay sai của triều Minh. Nghệ An đã hai lần là “đại bản doanh” của cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng trong những năm 1407 – 1414. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427), Nghệ An trở thành căn cứ quan trọng, góp phần cung cấp sức người, sức của cho nghĩa quân khôi phục và phát triển lực lượng kháng chiến giành thắng lợi trọn vẹn, mở ra một triều đại mới – triều đại Hậu Lê.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, khởi phát tại vùng Lam Sơn (Thanh Hóa) vào ngày mùng 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (7/2/1418). Cho đến đầu năm Giáp Thìn (1424) cuộc khởi nghĩa đã trải qua 6 năm với những bước trưởng thành đáng kể, nghĩa quân đã đánh hơn 10 trận, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận không nhỏ sinh lực địch. Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động nơi núi rừng Thanh Hóa, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nghĩa quân đã gặp không ít khó khăn, bởi đây là vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, điều kiện cung cấp sức người, sức của hạn chế. Trong khi đó quân địch lực lượng mạnh, nghĩa quân đã nhiều lần bị quân Minh bao vây, đàn áp chịu nhiều tổn thất, có những lúc bị tuyệt lương hàng tháng, phải ăn rau rừng, giết cả voi, ngựa để nuôi quân.
Nhằm đưa phong trào khởi nghĩa vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đầu tháng 9 năm Giáp Thìn (1424), Lê Lợi triệu tập một cuộc họp quan trọng với các tướng lĩnh bàn phương kế. Tại cuộc hợp lịch sử này, tướng quân Nguyễn Chích hiến kế: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông, tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thân thuộc đường đất. Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”1. Đề xuất chuyển hướng tiến công vào Nghệ An của Nguyễn Chích được Bình Định vương Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân tán thành và thực hiện.
Tháng 9 năm Giáp Thìn (1424), sau khi tiêu diệt đồn Đa Căng (ở huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa) – căn cứ tiền tiêu án ngữ trên con đường “thượng đạo” từ núi rừng phía tây Thanh Hóa đi vào vùng rừng núi tây nam Nghệ An, nghĩa quân tiếp tục di chuyển dọc theo lưu vực sông Hiếu, sông Con Cuông (Nghệ An ngày nay). Trên đường tiến quân, khi đi qua đến đất Bồ Đằng (nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), toàn bộ nghĩa quân bị bao vây hai mặt, phái trước là cánh quân của Sư Hựu và thổ quan Cầm Bành chặn đường, phía sau là lực lượng của Trần Trí, Phương Chính, Thái Phúc, Lý An truy đuổi. Trước tình thế hiểm nghèo, nghĩa quân đã được đồng bào các dân tộc vùng tây bắc Nghệ An ra sức giúp đỡ, bảo vệ chở che, cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt đội quân “nghĩa binh áo đỏ” của các huyện Quỳ Châu, Quế Phong do Lo Kăm Hoa, Lo Kăm Hiền chỉ huy đã tình nguyện phối hợp chiến đấu cùng nghĩa quân Lam Sơn. Với sự giúp đỡ to lớn của nhân dân địa phương, triệt để lợi dụng địa hình hiểm trở của khu vực Bồ Đằng, Lê Lợi đã chuyển từ thế bị truy kích sang thế chủ động bố trí trận địa chặn đánh địch. Khi quân địch truy đuổi vừa lọt vào trận địa mai phục, nghĩa quân cùng với lực lượng địa phương từ các vị trí mai phục đồng loạt xông ra tiến công quyết liệt. Quân địch bị thiệt hại nặng, hơn 2.000 tên bị tiêu diệt, số tàn binh phải tháo chạy về cố thủ trong thành Trà Long và thành Nghệ An. Cho đến nay trên địa bàn các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) vẫn còn rất nhiều dấu tích các ngôi đền thờ các vị có công giúp nghĩa quân Lam Sơn và được nhân dân địa phương tôn sùng là thành hoàng làng như: đền Thần Đinh ở Kẻ Đính xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) thờ Lo Kăm Hoa, đền Chín Gian ở Quế Phong thờ các tiên tổ Lo Kăm trong đó có Lo Kăm Hiền, đền Chợ Bãi ở xã Tam Hợp, đền Bản Dinh ở xã Nghĩa Xuân, đền Bản Can ở xã Châu Bình, Bản Lè ở xã Châu Quang và rất nhiều dấu tích như bãi Tập, bãi Dinh, mả voi Lê Lợi… Đó chính là sự tưởng nhớ của Nhân dân và ghi nhận của các triều đại phong kiến đối với những công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc vùng tây bắc Nghệ An trong trận Bồ Đằng.
Sau chiến thắng vang dội “sấm vang chớp giật” ở Bồ Đằng, nghĩa quân không những thu được nhiều lương thảo, vũ khí của địch mà còn được Nhân dân vùng núi Nghệ An tiếp tục cung cấp thêm nhiều lương thực, thực phẩm như lúa, gạo, trâu, bò, lợn, gà và các loại vũ khí cung, nỏ, giáo mác; thanh niên trai tráng trong vùng hăng hái xung phong gia nhập nghĩa quân. Sự phát triển ngày càng mạnh của nghĩa quân Lam Sơn và những thất bại liên tiếp của quân Minh trên đất Nghệ An đã làm cho triều đình nhà Minh hết sức lo lắng. Đầu năm Ất Tỵ (1425), vua Minh ra lệnh cho Tổng binh Trần Trí huy động đại quân gồm quân tiếp viện từ các thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc , Thanh Hóa ngày nay) và lực lượng chủ lực ở thành Nghệ An mở rộng cuộc phản công lớn nhằm chiếm lại thành Trà Long. Trước cuộc phản công của địch, Lê Lợi chủ trương: “Giặc đông, ta ít, lấy ít đánh đông, chỉ ở nơi đất hiểm mới lập được công. Vả lại binh pháp nói: Dử người đến, chứ không để người dử đến”2. Từ chủ trương đó Lê Lợi đã triển khai lực lượng theo các hướng xui xuống ải Khả Lưu (nay thuộc xã Vinh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), cách thành Trà Long 40km theo hướng Đông Nam nhằm “giữ chỗ hiểm yếu để đượi giặc”. Nhân dân địa phương nghe tin Lê Lợi dẫn đại quân về chặn đánh địch ở ải Khả Lưu hết sức vui mừng, tổ chức người đón tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc binh sĩ, bố trí người dẫn đường, dò la tin tức, giữ gìn bí mật, đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm và động viên thanh niên trai tráng gia nhập nghĩa quân, cùng nghĩa quân lập trận địa mai phục. Đúng như nhận định của Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân, lục lượng quân Minh do Trần Trí, Phương Chính theo hai đường thủy, bộ ngược lên Trà Long, hội quân tại ải Khả Lưu. Đợi cho quân địch lọt vào trận địa phục kích, nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân địa phương từ các vị trí mai phục bất thần xông ra tiến công quyết liệt, quân địch “bị chém đầu và chết đuối kể đến hàng vạn người”3.
Sau gần một năm chuyển hướng hoạt động vào Nghệ An, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt và ngày càng giành được thế chủ động. Từ đội quân nhỏ bé buổi sơ khai, dấy binh tụ nghĩa nơi núi rừng Lam Sơn (Thanh Hóa), có những lúc khó khăn lực lượng bị tiêu hao chỉ còn 100 người, nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn, cùng với sự đóng góp to lớn về sức người, sức của của nhân dân Nghệ An, đến cuối năm Ất Tỵ (1425) nghĩa quân Lam Sơn đã có bước phát triển lớn mạnh vượt bậc hàng vạn quân đủ các lực lượng thủy binh, bộ binh, tượng binh, thuyền chiến, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí gươm, đao, giáo, mác, cung tên. Từ những cuộc chống vây quét bị động, nghĩa quân Lam Sơn đã chủ động mở những cuộc tiến công quy mô lớn nhằm hạ thành, diệt viện. Chính những bước nhảy vọt đó đã làm thay đổi tương quan lực lượng căn bản giữa ta và địch, tạo thế và lực mới đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng trên quy mô cả nước.
Trên đà thắng lợi, nghĩa quân Lam Sơn liên tục mở các cuộc tiến công giải phóng các lộ, phủ còn lại trên khắp cả nước. Đến cuối năm Đinh Mùi (1427), nghĩa quân đã kết thúc sựu nghiệp bình Ngô bằng chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang vang dậy núi sông và mở hội thề Đông Quan với tinh thần hòa hiếu dân tộc, mưu trí đuổi xâm lược về nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc “xã tắc từ nay vững bền, giang sơn từ nay đổi mới” (Bình Ngô đại cáo).
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, Nhân dân Nghệ An không chỉ đùm bọc, chở che, cung cấp nguồn nhân lực, vật lực cho nghĩa quân mà còn sát cánh cùng nghĩa quân đánh giặc cứu nước. Sự tham gia đông đảo và đóng góp to lớn của Nhân dân là nhân tố quan trọng quyết định sự trưởng thành, phát triển của nghĩa quân. Hơn 600 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố nhưng những đóng góp lớn lao của mảnh đất và con người Nghệ An đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mãi mãi được nghi vào trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành, giữ nền độc lập tự do dân tộc, để lại nhiều bài học sâu sắc cho các thế hệ./.
Chú thích:
Bài: Lê Thị Dịu
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK