Vùng đất Lam Sơn là nơi hội tụ linh khí của đất trời, được bao bọc, che chở bởi các ngọn núi, dòng sông. Những ngọn núi như Lam Sơn, Thanh Long, Bạch Hổ, Mục Sơn, Chủ Sơn đã trở thành những điểm quan trọng phong thủy và là những tấm lá chắn bảo vệ cho căn cứ địa Lam Sơn. Riêng Mục Sơn có một vị thế đặc biệt gắn với những câu chuyện huyền thoại.
Núi Mục (Mục Sơn) là ngọn núi đá đứng bên bờ sông Chu đối diện với di tích lịch sử Lam Kinh. Mục Sơn có chiều cao 167m. Trong dân gian, núi còn có các tên gọi khác như: núi Nghiêng, núi Nghèo, núi con Voi… Trong khởi nghĩa Lam Sơn ngọn núi này là tấm bình phong che chở nghĩa quân.
Tương truyền rằng ở hướng Tây Nam của Lam Sơn có một ngọn núi có hình giống con Voi nên được gọi là núi Voi. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa các ngọn núi đều chầu về tỏ lòng thuần phục riêng núi Voi ngoảnh mặt, quay đầu về hướng khác. Lê Lợi dùng gươm Thuận Thiên chỉ về hướng ấy tỏ ý thu phục thì núi sụt đi và quay đầu lại. Từ đó có tên là núi Mục, chữ Mục có nghĩa là cung kính.
Trong những câu chuyện còn được lưu lại trong dân gian thì người dân ở đây đã tưởng tượng ra núi Mục là mắt của một con rồng. Về hình dáng giống như một con mắt ngọc đặt trên mâm vàng. Con mắt ấy nuôi trong mình sự căm thù giặc Minh tàn bạo nên không bao giờ chịu ngủ. Mắt rồng linh thiêng, nên mỗi khi quân giặc có ý định tiến đánh vào căn cứ Lam Sơn thì lại sáng lên làm tín hiệu cho nghĩa quân biết trước để bố phòng đón giặc. Trên đỉnh núi này, Lê Lợi đã cho đặt một trạm “tiền vọng tiêu” để quan sát tinh hình quân giặc và là nơi huấn luyện chim Bồ Câu đưa tin tức cho nghĩa quân Lam Sơn, nên mục còn có nghĩa là mắt.
Từ di tích lịch sử Lam Kinh nhìn sang hướng Tây Nam bên hữu ngạn sông Chu Mục Sơn là “hữu tiền án” cho đất quý hương Lam Sơn. Đi thuyền trên sông Chu để nhìn ngắm núi Mục lúc bình minh, hoàng hôn hay những đêm trăng ai cũng đều say đắm trước cảnh đẹp của thiên nhiên và thêm tự hào về một ngọn núi linh thiêng./.
Bài: Trần Danh Hải
Cán bộ phòng Nghiệp vụ BQLDTLK