Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Phòng trưng bày bổ sung di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh


Đến với Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ngoài việc thăm quan khu chính điện, thái miếu trung tâm và lăng mộ của các vị hoàng đế, thái hậu, du khách còn được tìm hiểu thêm về lịch sử thông qua các hiện vật trưng bày trong Phòng trưng bày của Khu di tích.

Mùa xuân năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, phất cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn. Trải qua 10 năm nằm gai nếm mật, phát triển lực lượng, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh. Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt viện quân và buộc Vương Thông phải cầu hòa, rút quân về nước. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, đầu năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, lập ra triều Hậu Lê kéo dài 360 năm trong lịch sử. Vua cho đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô thành Tây Kinh.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ băng hà, vua Lê Thái Tông cho rước linh cữu về Lam Kinh an táng và chính thức xây dựng Lam Kinh thành khu sơn lăng nơi an táng cho các vị vua và thái hậu triều Lê Sơ. Lam Kinh từ khi xây dựng cho đến nay đã trải qua nhiều lần binh đao hỏa nạn, cộng thêm với việc di dời một số bộ phận điện miếu đến nơi khác nên đã xuống cấp trầm trọng. Năm 1962 Lam Kinh được công nhận là Di tích cấp quốc gia , năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 609/TTg về việc phê duyệt dựu án tổng thể, tu bổ, phục hồi, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh.

Năm 1998, bên cạnh trùng tu các công trình thì Phòng trưng bày bổ sung của Khu di tích Lam Kinh đã được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là nơi trưng bày các hiện vật được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ và một số lượng lớn hiện vật đồng đại được sưu tầm từ nhiều nơi nhằm mục đích tôn vinh triều Lê Sơ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và quá trình xây dựng Lam Kinh.

Phòng trưng bày bổ sung được chia thành ba phần: Phần thứ nhất là Quê hương người anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn; Phần thứ hai là Quá trình xây dựng điện miếu Lam Kinh; Phần thứ ba là Tôn vinh anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Hiện vật đồ đồng, sắt được trưng bày tại đây hầu hết có niên đại từ thế kỷ XIV - XV như nồi đồng, niếng đồng, sanh đồng, rìu, lưỡi cày sắt là vật dụng trong cuộc sống sinh hoạt ngày thường của đồng bào dân tộc ở vùng đất Lam Sơn, cá biệt có hiện vật trống đồng có niên đại từ thế kỷ III nhưng được sử dụng nhiều trong dàn nhạc của lễ tế tổ thời Lê Sơ được tìm thấy trên đỉnh núi Dầu.

Trong cuộc khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược, mảnh đất Lam Sơn là nơi diễn ra nhiều trận đánh giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh, do vậy, một số hiện vật đồng là vũ khí, đồ dùng trong chiến trận như kiếm, dao sắt, mũ đồng, súng lệnh, chuông, đạn chì, bàn kê chân ngựa ... đã được tìm thấy khi khai quật các tầng đất và được đem ra trưng bày.

Bức tranh Hội thề Lũng Nhai, lược đồ của các trận đánh Tốt Động - Chúc Động, Chi Lăng - Xương Giang được trưng bày cho thấy được quá trình phát triển và chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn trong 10 kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Qua các cuộc khai quật khảo cổ ở Lam Kinh đã phát hiện nhiều hiện vật vật liệu kiến trúc như gạch, ngói trang trí. Hiện vật gạch có nhiều loại, tiêu biểu là viên gạch nền hình chữ nhật được cho là thuộc loại to và nặng nhất Việt Nam, viên gạch có chữ “hữu quân”... Hiện vật ngói được trưng bày có nhiều loại hoa văn như hoa cúc, hoa hướng dương, lá đề, hoa chanh, sóng nước, hình học... với các loại như ngói ống, ngói âm dương, ngói mũi hài lợp mái. Hiện vật đá tại Phòng trưng bày đa phần có kích thước lớn như tảng đá bệ kê chân cột, cối đá, rùa đá ... Cũng được phát hiện trong các cuộc khai quật là một số đầu rồng bằng đất nung có niên đại từ thế kỷ XV.

Bên cạnh các hiện vật gạch ngói, rất nhiều hiện vật gốm, sứ được tìm thấy với nguồn gốc đa dạng, có đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc, chủ yếu vẫn là gốm sứ Việt. Nhiều hiện vật bằng gốm sứ khi được phát hiện vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cũng không ít đã bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, rất khó khôi phục. Chủng loại gốm sứ cũng rất phong phú như bát, đĩa, ấm chén, lư hương, lọ hoa, chân đèn, chậu, thạp, âu...

Năm 1996, trong khi đang khai quật khu vực cầu Bạch, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số khúc gỗ lớn được dùng làm đế và cột móng cầu. Hiện vật này sau đó đã được xử lý và đem về trưng bày tại Phòng trưng bày từ đó cho đến nay.

Dưới thời Hậu Lê, nhà nước Đại Việt có sự phát triển mạnh mẽ, một trong những thành tựu tiêu biểu đó là hệ thống tiền tệ riêng biệt, bao gồm các đồng tiền được đúc theo niên hiệu của các vị vua. Qua các cuộc khai quật dưới lòng Di tích Lam Kinh đã tìm thấy một số đồng tiền có niên đại từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, hiện đang được trưng bày tại Phòng trưng bày.

Với số lượng nhiều các hiện vật vật liệu kiến trúc như vậy không khó để thấy được quy mô rộng lớn, trình độ xây dựng phức tạp và kiến trúc độc đáo của khu điện miếu trung tâm Lam Kinh cách đây khoảng 500 năm. Cùng với đó là sự phát triển của vùng đất Lam Sơn khi  thường xuyên có các cuộc hành hương của vua quan triều Lê Sơ về đây thông qua lượng lớn hiện vật gốm sứ là vật phẩm sử dụng trong tế lễ ...

Để cung cấp thêm nhiều kiến thức, tại Phòng trưng bày Khu di tích Lam Kinh có thiết bị trình chiếu các thước phim tài liệu về Khu di tích Lam Kinh, Lễ hội Lam Kinh 21, 22 tháng 8 âm lịch và nhiều chủ đề khác. Qua các thước phim sẽ giúp người tham quan tiết kiệm thời gian thăm quan nhưng vẫn tiếp thu được các thông tin hữu ích.

Song song với việc trưng bày các hiện vật khảo cổ phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, một số hiện vật văn hóa được trưng bày như trang phục trò diễn Xuân Phả, lễ phục tế tổ, trang phục của người Mường cho thấy sự gắn kết mật thiết giữa lịch sử và văn hóa được thể hiện qua các lễ tế tổ, hội diễn Xuân Phả được tổ chức tại Lam Kinh.

Một số bức ảnh trưng bày về chuyến thăm quan của các vị lãnh đạo Trung ương về Khu di tích Lịch sử Lam Kinh cho thấy Nhà nước rất quan tâm trong việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, nhất là những di tích trọng điểm cấp quốc gia.

Phòng trưng bày bổ sung là một phần không thể thiếu của Khu di tích Lịch sử Lam Kinh. Những hiện vật được trưng bày tại đây là chứng tích của một triều đại huy hoàng nhưng cũng đầy biến động trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Để có thể thu hút khách hơn thì cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc nâng cấp công trình từ đó mở rộng quy mô, hoạt động của Phòng trưng bày.

 Âu, Chum, Bình vôi, Ấm chén thế kỷ XIII - XV

 

Bát, Đĩa, Chậu, Chân đèn thế kỷ XV

 

Đế móng - Cọc móng cầu Bạch

 

Trang phục diễn trò Xuân Phả và trang phục dân tộc Mường

 

Trống đồng thế kỷ III

Bài: Nguyễn Văn Huấn

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh