Về Lam Sơn - Lam Kinh ngoài việc được tham quan một trong những di tích lịch sử văn hoá tâm linh nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh, du khách còn được hoà mình trong không gian thiên nhiên tĩnh lặng, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được đắm mình trong mùi thơm của các loài hoa, nghe những tiếng hót của các loài chim.
Xưa kia vùng Lam Sơn là nơi Tằng tổ của vua Lê Lợi đã chọn để sinh cơ lập nghiệp. Ông tổ của Lê Lợi là Lê Hối vốn ở thôn Như Áng, huyện Lương Giang (nay là thôn Như Áng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc). Bia Vĩnh Lăng ghi rõ: "Một hôm đi chơi Lam Sơn, thấy nhiều chim bay lượn hàng đàn dưới núi như vẻ đông người tụ họp, liền nói rằng" Đây là chỗ đất tốt" rồi dời nhà đến đó ở. Trải qua 3 năm thành sản nghiệp, con cháu ngày càng đông, tôi tớ ngày càng nhiều. Việc dựng nước mở đất thực đã xây nền móng từ đấy, về sau đời đời làm quân trưởng cả một phương".
Tương truyền rằng tại núi rừng Lam Sơn, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã giả dạng người bán dầu vào tìm gặp Lê Lợi và cũng là nơi nghĩa sỹ từ bốn phương kéo về dừng chân trước khi vào bản doanh chính. Họ đã cùng Lê Lợi đứng trên núi Lam Sơn thề diệt thù cứu nước. Vì vậy, núi Lam Sơn chính là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418.
Toàn cảnh Thành điện và rừng Lam Kinh chụp từ trên cao
Ở đầu thế kỷ XIV, núi rừng Lam Sơn, bề ngoài vẫn bình yên, tĩnh lặng, nhưng dưới những rừng cây, bên những sườn núi có biết bao khối óc, cùng chung một ý chí theo chủ tướng Lê Lợi ngày đêm mưu tính đại sự.
Dầu thắp đèn và ban đêm thắp trong trại bàn việc quân cơ cần dùng rất nhiều, nên phải có người thường xuyên tiếp tế dầu. Có một người phụ nữ ở dưới xuôi lên, đem dầu bán cho trại chủ Lam Sơn. Để giữ được bí mật, Lê Lợi cho quân nhận dầu ở trước ngọn núi thắp đèn và chỉ mua dầu của người phụ nữ ấy mà thôi. Bà hàng dầu ngày ngày gánh dầu lên bán cho nghĩa quân, do đi lại nhiều lần, quân Minh dò biết, đã đón đường bắt bà mang về tra khảo nhưng bà vẫn im lặng, cuối cùng chúng đã giết bà. Lê Lợi rất cảm động về lòng yêu nước của bà. Sau khi bà hàng dầu bị giết có một thời gian quân không đủ dầu thắp ngọn đèn trên núi không còn le lói như xưa. Lê Lợi đã nhớ ơn bà mà đem thi hài của bà về núi Lam Sơn để an táng và đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Dầu. Tên núi Dầu vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Ban thờ bà hàng dầu tại đỉnh núi Lam Sơn
Núi rừng Lam Sơn tượng trưng cho ý chí quật cường, tinh thần bền bỉ và niềm tự hào dân tộc. Cả rừng núi, sông nước và con người thuở đó còn như sống mãi trong câu ca của điệu hò sông Mã:
" Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn
Nhớ vua Thái Tổ chặn đường quân Minh"
(Khởi nghĩa Lam Sơn: Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn - NXB khoa học xã hội 1977)
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích rừng là 169,45ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng là 97ha, trên 66 loài cây đặc trưng cây bản địa cổ, quý hiếm như: Lim xanh, Phù hương, Dổi, Đa, Long não, Ngát trơn, Sồi nếp..., nhiều cây quý hiếm do lãnh đạo Đảng và Nhà trồng lưu niệm. Rừng đặc dụng trồng xen rừng tự nhiên tre, luồng, bạch đàn, phi lao trong khu di tích. Rừng có nhiều loài chim: Chích chòe, Khứu bạc má, Họa mi, Kim oanh, bách thanh...trú ngụ, sinh sống tạo nên một sinh thái đa dạng.
Rừng Lam Kinh đang trở thành địa chỉ thu hút du khách thập phương
Ngoài chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo vệ môi trường, rừng Lam Sơn - Lam Kinh còn có tác dụng phòng hộ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của khu di tích Lam Kinh. Cảnh quan thiên nhiên ở đây cũng là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố sông, hồ (hồ tây, sông Ngọc), núi Dầu (núi Lam Sơn) và hệ sinh thái rừng đặc dụng với những cây cổ thụ, các loài bản địa quý hiếm như: Lim xanh, sui, ngát...cùng với các công trình kiến trúc, di tích lịch sử (Ngọ môn, sân rồng, chính điện, Thái Miếu, hệ thống lăng mộ, bia ký...) và văn hóa phi vật thể: lễ hội Lam Kinh...Điều đó đã góp phần tạo cho Lam Kinh trở thành một điểm đến hấp dẫn trong không gian du lịch của tỉnh Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung.
Về thăm di tích Lam Kinh du khách bỏ lại phía sau sự ồn ào, náo nhiệt phố thị, thong thả viên mãn di tích, chiêm ngắm những cây cổ thụ, hít thở không khí trong lành của khu rừng Lam Sơn - Lam Kinh.
Bài: Trình Thị Luận.
Cán bộ phòng khai thác, BQL DT Lam Kinh
Nguồn ảnh: Bá Xuân