Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Sưu tập gốm, sứ Ngự dụng qua khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh


       Qua các đợt khai quật khảo cổ học tại di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã phát hiện nhiều loại hiện vật: gạch, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, hiện vật gốm, sứ, sành... Trong đó, đáng chú ý là một số hiện vật gốm đồ ngự dụng như: bát, đĩa trang trí rồng vẽ lam và rồng nổi. Theo các nhà nghiên cứu, những đồ gốm sứ cao cấp dành riêng cho vua, thuộc quyền sở hữu của vua và hoàng tộc gọi là đồ Ngự dụng. Thời Lê Sơ, hình rồng 5 móng là biểu tượng của vương quyền, quyền lực tối cao của nhà vua. Chỉ vua mới được dùng và ban tặng những vật mang hình rồng.

      Đồ gốm cao cấp dành cho các vua thời Lê Sơ (1428 - 1527) được nhận biết qua các loại bát, đĩa gốm hoa lam và gốm men trắng được chế tác rất hoàn hảo với đặc điểm phổ biến là trang trí đồ án hình rồng, lòng viết chữ “Kính”, “Cẩn” hoặc in nổi chữ “Quan”. để phân biệt với những đồ gốm “thường dụng” dành cho những người có phẩm chất thấp hơn.

      * Bát gốm men trắng trang trí rồng vẽ lam: Có đường kính miệng 15cm, đường kính đế 7,7cm, cao 9cm; men rạn, màu trắng đục, bát dáng cao, thành đứng, miệng loe bẻ, thân tiếp giáp với đế cong tròn đều, chân đế cao, lòng đế quét men nâu. Bên ngoài thân sát miệng trang trí 2 đường chỉ lam, giữa thân trang trí đôi rồng 5 móng vuốt nhọn đang bay lượn và nối nhau theo chiều kim đồng hồ, đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc. Phần thân sát chân đế trang trí cánh sen kép nối nhau thành một băng dài. Ngăn cách giữa đồ án cánh sen và hình rồng bằng 3 đường chỉ lam. Bên trong sát miệng trang trí 2 đường chỉ lam, đáy bát viết lam chữ “Quan”.

Bát gốm trang trí rồng vẽ lam

      * Đĩa gốm men trắng trang trí rồng vẽ lam: Men rạn, màu trắng đục, đĩa dáng cao, thành vát xiên, miệng loe bẻ, thân tiếp giáp với đế cong tròn đều, chân đế cao trung bình, lòng đế quét men nâu. Bên ngoài thân sát miệng trang trí 2 đường chỉ lam, giữa thân trang trí một hình rồng đang bay lượn, đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc. Bên trong đáy đĩa viết lam chữ “Kính”, “Cẩn”.

Đĩa gốm trang trí rồng vẽ lam

      * Đĩa trang trí hình rồng nổi có đường kính miệng 14,2cm, đường kính đế 7cm, cao 4,1cm.

Đĩa gốm trang trí hình rồng nổi

      * Bát trang trí hình rồng nổi có đường kính miệng từ 14cm đến 16cm, đường kính đế từ 6,5cm đến 7,7cm, cao từ 6,9cm đến 7,9cm.

Bát trang trí hình rồng nổi

      Hiện vật có cốt mỏng nhẹ, xương gốm cứng chắc, ánh sáng có thể xuyên qua cốt, gọi là thấu quang. Men rạn, màu trắng ngà, thành đứng, miệng loe bẻ, thân tiếp giáp với đế cong tròn đều, chân đế cao trung bình. Bên ngoài thân bát phủ men để trơn. Bên trong lòng bát in nổi hình hai con rồng, chân có 5 móng sắc nhọn nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, xen lẫn vân mây, chính giữa tâm đáy bát in nổi chữ “Quan”. Họa tiết hình rồng và chữ “Quan” có đường nét sắc xảo và tinh tế, thể hiện trình độ tay nghề và tính thẩm mỹ cao của các thợ gốm tài ba lúc bấy giờ.

      Căn cứ hình dáng, chất liệu và họa tiết hoa văn trang trí trên hiện vật có thể xác định hiện vật được làm dưới thời Lê Sơ, niên đại vào thế kỷ XV. Hiện nay, bát, đĩa men trắng trang trí hình rồng nổi - rồng 5 móng mới chỉ được phát hiện tại khu di tích Lam Kinh và khu di sản hoàng thành Thăng Long.

     Các hiện vật gốm, sứ Ngự dụng được phát hiện qua các đợt khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã góp phần quan trọng (cùng với các tài liệu sử sách) khẳng định vai trò quan trọng của Lam Kinh đối với vương triều Lê Sơ và mối quan hệ mật thiết giữa điện miếu Lam Kinh và hoàng thành Thăng Long trong lịch sử dân tộc./.

Bài, ảnh: Trần Thị Chung

Cán bộ phòng nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh