Lê Ngân theo Đại Việt thông sử, Đại Nam nhất thông chí đều chép, ông là người xã Đàm Di - huyện Thụy Nguyên xưa, bị ly tán trong thời chiến tranh loạn lạc trước thế kỷ XI, nên hiện chưa tìm thấy tài liệu nào để khảo chú cụ thể. Chỉ biết xã Đàm Di trước thuộc huyện Thụy Nguyên (Thiệu Hóa) sau cắt về huyện Thọ Xuân (gồm huyện Lôi Dương và một số làng xã huyện Thụy Nguyên). Còn Đàm Di tục gọi là làng Đầm nay thuộc xã Xuân Thiên, Thọ Xuân. Lê Ngân là một trong những người đầu tiên đến tụ nghĩa ở Lam Sơn, hăng hái sát cánh với Lê Lợi, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu nhằm lật đổ ách đô hộ của quân Minh, giành lại độc lập và chủ quyền đất nước.
Đến với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, Lê Ngân đã nhanh chóng bộc lộ và không ngừng nâng cao tài năng quân sự của mình. Ông dần dần trở thành võ tướng cao cấp của Lam Sơn và lập công xuất sắc trong nhiều trận đánh lớn.
Trận Lạc Thủy diễn ra vào ngày 13 tháng 4 năm Mậu Tuất (tức ngày 18/5/1418). Bấy giờ, khởi nghĩa Lam Sơn vừa mới bùng nổ được hơn 4 tháng và đang chiến đấu trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Với quân số áp đảo, quân Minh liên tiếp tổ chức hàng loạt những cuộc tấn công đàn áp khác nhau. Chỉ tính riêng từ ngày 14 đến 18/5/1418, Lam Sơn đã phải chống trả quyết liệt với hai cuộc càn quét lớn:
Ngày 14/5/1418, ngay sau khi Lê Lợi và nghĩa quân vừa trở về Lam Sơn thì đại quân của giặc kéo đến. Bởi tương quan lực lượng quá chênh lệch, thành lũy kiên cố cũng không còn, nghĩa quân Lam Sơn chỉ có thể tổ chức vài trận đánh cản rồi rút lui lên Lạc Thủy (một địa điểm nằm ở vùng thượng lưu sông Chu, phía trên của Lam Sơn).
Ngày 18/5/1418), tướng giặc là Mã Kỳ lại đem quân đánh gấp vào Lạc Thủy. Bấy giờ, nhờ dự đoán đúng diễn biến của tình hình, Lê Lợi liền lập tức cho quân mai phục sẵn ở một vị trí hiểm yếu, nằm trên đường dẫn vào Lạc Thủy, quyết đánh một trận phủ đầu thật bất ngờ với quân Minh. Trong trận mai phục này do các tướng Lê Ngân, Lê Thạch, Đinh Bồ và Nguyễn Lý chỉ huy. Do khéo tận dụng địa thế lại đánh một cách rất bất ngờ và hiểm hóc, nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lớn. Ta đã “chém được vài ba ngàn tên”.Trong trận đánh quan trọng này, tên tuổi của các tướng nói trên, đặc biệt là Lê Ngân và Lê Thạch, trở nên nổi bật. Từ đây, Lê Ngân luôn được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy, giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Đáp lại, Lê Ngân cũng không ngừng cố gắng lập công, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Lam Sơn.
Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công vào Nghệ An theo kế hoạch chiến lược của Nguyễn Chích và đã nhanh chóng thu được những kết quả tốt đẹp. Nghĩa quân Lam Sơn chiếm được Trà Lân và khống chế đồng bằng Nghệ An. Quân Minh do Trần Trí và Phương Chính cầm đầu, dự tính sẽ đánh úp Trà Lân, quyết bóp nát lực lượng của Lam Sơn trong trận càn quét lớn này. Không may cho Trần Trí và Phương Chính, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã nhanh chóng cho quân đánh chiếm Khả Lưu là cửa ải quan trọng nằm trên đường tiến vào Trà Lân. Mưu toan lợi dụng sự bất ngờ của giặc không thể thực hiện được nữa. Trần Trí và Phương Chính cho quân đóng ở bãi Phá Lữ. Bốn ngày sau, quân Lam Sơn giả vờ rút khỏi Khả Lưu rồi vòng lại bố trí phục ở ngay khu đất hiểm này. Trần Trí và Phương Chính ngỡ là Lam Sơn sợ mà rút, liền xua quân đuổi theo. Chẳng ngờ vừa tiến đến ải Khả Lưu, chúng bị phục binh của nghĩa quân Lam Sơn từ ba phía đổ ra đánh. Giặc bị giết có đến hàng vạn tên. Trong trận đánh này, Lê Ngân và Lê Sát là hai tướng tiên phong, được coi là những người lập công lớn nhất.
Sau trận này, Trần Trí và Phương Chính lại lui quân về bãi Phá Lữ, còn nghĩa quân Lam Sơn thì tu bổ chiến lũy để đóng lại ở Khả Lưu. Bấy giờ vì thiếu lương thực, việc đóng lại ở Khả Lưu lâu dài là điều rất khó khăn, còn như rút lui, bỏ đất hiểm ấy cho giặc cũng là điều không thể được. Theo ý kiến của tướng Nguyễn Vĩnh Lộc, nghĩa quân Lam Sơn giả vờ đốt doanh trại ở Khả Lưu để rút lên miền thượng lưu, nhưng sau đó thì cho quân vòng lại để mai phục. Trần Trí và Phương Chính lại một lần nữa bị mắc mưu, bị dồn vào thế trận bày sẵn để rồi bị tiêu hao rất nặng nề. Tại đây, “Ta chém được nhiều không kể xiết. Chiến thuyền của chúng ngổn ngang, xác chết nghẽn cả nước, khí giới vất như núi, như gò. Trong trận này, ta bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt và giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống được hơn một vạn quân Minh”. Sử cũ trân trọng chép tên 11 vị tướng Lam Sơn có công lớn ở trận mai phục này, đó là: Lê Sát, Bùi Bị, Phạm Vấn, Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Trương Chiến, Lê Tôn Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi và Lê Văn An.
Sau khi đã giải phóng được toàn bộ khu vực đồng bằng xứ Nghệ, Lê Lợi cho quân ráo riết vây hãm thành Nghệ An. Để đề phòng khả năng giặc có thể kết hợp đánh từ Bắc đánh vào, đánh từ Nam đánh ra, lại cũng để không ngừng mở rộng vùng giải phóng, Lê Lợi cho một bộ phận lực lượng gồm hơn một nghìn quân và một thớt voi, do Thượng tướng Lê Nỗ, Chấp lệnh Lê Đa Bồ và tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy bất ngờ đánh vào vùng Tân Bình - Thuận Hóa. Ngay sau đó, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn lại phái các tướng Lê Văn An, Lý Triện, Lê Bôi và Lê Ngân, đem 70 chiến thuyền, gấp rút để tiến vào tiếp ứng. Sự có mặt của đạo quân tăng cường này khiến cho giặc đã sợ lại càng thêm sợ. Chúng không dám chống cự mà buộc phải rút vào cố thủ trong thành. Vậy là cũng tương tự như ở Nghệ An, Lam Sơn đã giải phóng tất cả vùng đồng bằng dân cư đông đúc, thành giặc chỉ như các ốc đảo chơ vơ có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Sách Lam Sơn thực lục có ghi "Các xứ Tân Bình và Thuận Hóa đều về ta tất cả. Đó là đất lòng dạ của ta. Đã thu được đất ấy rồi thì mối lo ở phía Nam cũng không còn nữa”.
Tháng 9 năm 1426, sau khi giải phóng được một vùng đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam, Lê Lợi đã điều động hơn 1 vạn quân, chia làm ba đạo khác nhau, cùng tiến ra hoạt động ở vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng và tìm cách uy hiếp thành Đông Quan. Tháng 11 năm 1426, quân Lam Sơn đã thắng lừng lẫy ở trận quyết chiến chiến lược Tốt Động - Chúc Động, đập tan hoàn toàn mưu đồ phản công của Vương Thông. Tin đại thắng báo về, Lê Lợi rất lấy làm phấn khởi. Ông lập tức đưa toàn bộ Bộ chỉ huy Lam Sơn ra đóng ở ngay vùng ngoại thành Đông Quan. Trước khi đi, Lê Lợi trao quyền tổ chức vây hãm thành Nghệ An cho Lê Ngân và Lê Ngân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông vừa ráo riết xiết chặt vòng vây, vừa không ngừng lên tiếng dụ hàng. Tháng 2 năm 1427, tướng giặc đang giữ thành Nghệ An là Thái Phúc phải mở cửa xin hàng, Lê Ngân hiên ngang vào tiếp quản thành Nghệ An. Sự kiện này khiến cho quân Minh thực sự lo sợ. Đội ngũ của chúng mỗi ngày một rệu rã hơn.
Do lập được nhiều công lao, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Ngân được tấn phong là Suy Trung Tán Trị, Hiệp mưu Công thần, hàm Nhập nội Tư mã, quyền tham dự triều chính. Tháng 5 năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 Khai quốc Công thần, tên ông được xếp ở hàng thứ tư, ông được phong tước Á hầu.
Năm 1434, Lê Ngân được phong hàm Tư khấu, chức Đô Tổng quản Hành quân Bắc Đạo và được cùng với Đại Tư đồ Lê Sát nắm quyền phụ chính.
Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức ông được trao quyền Tể tướng, được phong là Nhập nội Đại Đô đốc, Phiêu kị Thượng tướng quân, Đặc Tiến Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ti, Thượng trụ quốc, tước Thượng Hầu. Nhưng chỉ đến cuối năm 1437, ông cũng bị buộc phải tự tử, gia sản bị tịch thu và con gái ông là Huệ phi Lê Nhật Lệ bị giáng xuống hàng Tu Dung.
Lê Ngân là một công thần mở nước, mà chết không đáng tội, rất đáng thương. Mãi đến năm 1453, nhân kỳ đại xá, vua Lê Nhân Tông mới sai cấp cho con ông 100 mẫu ruộng để lo hương hỏa cho ông. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông truy tặng ông hàm Thái Bảo, tước Hoằng Quốc Công và cháu là Lê Thế An được ấm phong gia hành đại phu.
Tài liệu tham khảo:
1. Lam Sơn thực lục
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.
3. Đại Việt thông sử - Lê Qúy Đôn, tập 2.
4. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần, tập 2.
5. Khởi nghĩa Lam Sơn - GS Phan Huy Lê, GS Phan Đại Doãn