Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Tiền đồng thời Lê phát hiện tại Di tích Lam Kinh


      Lam Kinh - Lam Sơn là quê hương của người anh hùng dân tộc gắn liền với cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn, cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vương, hậu triều Lê Sơ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, các kiến trúc điện, miếu vàng son một thời không còn nữa. Để có cơ sở, lập dự án phục hồi, tôn tạo lại các công trình như diện mạo vốn có, từ năm 1996 đến năm 2010, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành nhiều đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học. Qua địa tầng các khu vực thám sát và khai quật, đã phát lộ ra nền móng ba lớp kiến trúc thời Trần, thời Lê Sơ (TK 15 - 16) và Lê Trung Hưng (TK 16 - 17) nằm kế tiếp nhau chứa đựng nhiều di vật, cổ vật như: đồ gốm sứ, vật liệu trang trí, gạch, ngói, diềm trang trí chất liệu đất nung, xương răng động vật... đặc biệt là hiện vật tiền đồng với nhiều niên đại.

      Tiền thời Lê phát hiện tại di tích Lam Kinh gồm có: Đại Hòa Thông Bảo, Diên Ninh Thông Bảo, Hồng Đức Thông Bảo, Quang Thuận Thông Bảo, Cảnh Thống Thông Bảo, Hồng Thuận Thông Bảo, Cảnh Hưng Thông Bảo...

      Đại Hòa Thông Bảo được vua Lê Nhân Tông cho đúc vào năm 1443 -1453. Sau khi lên ngôi vua năm 1443, Lê Nhân Tông lấy niên hiệu Đại Hòa. Tiền Đại Hòa Thông Bảo phát hiện tại Di tích Lam Kinh số lượng ít (01 hiện vật) mang đặc trưng của tiền Lê Sơ với chất lượng đồng tốt, nét chữ Hán thể chân thư, thanh thoát, chuẩn mực, nặng khoảng 3,18 gram.

Đại Hòa thông bảo

       Diên Ninh Thông Bảo được vua Lê Nhân Tông cho đúc ở giai đoạn 1454-1459. Sau khi lấy niên hiệu Diên Ninh vua Lê Nhân Tông nhiều lần cho đúc đồng tiền này. Diên Ninh Thông Bảo phát hiện ở Di tích Lam Kinh có 02 đồng. Mang đặc trưng của tiền thời Lê Sơ, các đồng tiền này rất đẹp về hình thức, chất đồng tốt, ít bị hoen rỉ, nặng khoảng 2,96 gram.

Diên Ninh thông bảo

      Quang Thuận Thông Bảo được vua Lê Thánh Tông cho đúc giai đoạn 1460-1469 sau khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Quang Thuận. Dưới đời vua Lê Thánh Tông, đất nước có những bước phát triển mạnh mẻ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự và mở rộng cương vực lãnh thổ. Thương nghiệp phát triển nhanh chóng, nông nghiệp bội thu, thủ công nghiệp có nhiều bước tăng trưởng. Do đó, nhu cầu tiền tệ ngày càng lớn, giải quyết được cơ bản tình trạng hỗn tạp tiền tệ giai đoạn đầu thời Lê Sơ. Thời kỳ này, tiền được đúc nhiều lần thể hiện rõ ở hình thức thư pháp chữ Hán trên mỗi đồng tiền. Hầu như, năm nào trong niên hiệu Quang Thuận cũng cho đúc tiền. Tiền giả bị nghiêm cấm và không được đưa vào lưu thông. Tiền Quang Thuận Thông Bảo phát hiện tại Di tích Lam Kinh có số lượng tương đối nhiều, bao gồm 14 hiện vật.

Quang Thuận thông bảo

      Năm 1470, Lê Thánh Tông lấy niên hiệu Hồng Đức. Niên hiệu này kéo dài 28 năm từ năm 1470 đến năm 1497. Sau khi đổi niên hiệu, vua Lê Thánh Tông cho đúc tiền Hồng Đức Thông Bảo. Tiền Hồng Đức Thông Bảo tại di tích Lam Kinh có số lượng nhiều nhất: 18 hiện vật. Trong số những đồng tiền thời Lê Sơ phát hiện tại đây thì đồng Hồng Đức Thông Bảo có thư pháp đẹp và chuẩn mực nhất, thể hiện được tiềm lực đất nước đương thời. Tiền ở thể chân thư, đường nét dứt khoát, cân đối, to, rõ ràng, nét sâu. Biên tiền đều đặn, phân minh, có tính thẩm mỹ cao. Lưng tiền để trơn, không hoa văn trang trí và không có chữ Hán đúc nổi, nặng 4,25 gram

Hồng Đức thông bảo

       Cảnh Thống Thông Bảo của vua Lê Hiến Tông phát hiện tại Lam Kinh gồm 3 hiện vật. Tiền có kiểu dáng giống tiền các vua Lê đời trước, song trọng lượng thì lớn hơn. Đồng tiền này nặng khoảng 3,28 - 5,53 gram.

Cảnh Thống thông bảo

       Hồng Thuận Thông Bảo do vua Lê Tương Dực cho đúc từ năm 1509 đến năm 1516 có 9 hiện vật; Kích thước và kiểu dáng như các tiền của nhà Lê, nặng khoảng 4,5 - 5,5 gram.

Hồng Thuận thông bảo

       Cảnh Hưng Thông Bảo của vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng phát hiện tại Di tích Lam Kinh gồm 12 hiện vật. Tiền Cảnh Hưng có kích thước khác nhau, chất lượng kim loại khác nhau, các chữ ghi trên tiền cũng khác nhau. Nguyên nhân khác nhau vừa là do những thay đổi trong thiết kế đồng tiền, vừa là đúc sai qui cách. Vì vậy chất lượng kim loại đúc tiền có khác nhau, có loại rất đẹp, có đồng được đúc dày dặn, đẹp nhưng có có đồng mỏng.

Cảnh Hưng thông bảo

      Theo các nhà khảo cổ, những đồng tiền thời Lê phát hiện tại di tích Lam Kinh đều được làm từ đồng nguyên chất, chất lượng tốt. Tiền dày dặn, hình tròn, kích thước dao động từ 2,2 cm đến 2,4 cm, giữa đục lỗ vuông. Trên mặt tiền được bố trí 4 chữ Hán đối xứng qua tâm thể chân thư, được đúc nổi, cao, sắc nét, viền tiền đều, rõ, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng chống mài mòn nét chữ. Mặt lưng tiền để trơn, không có chữ và hoa văn. Đặc biệt những đồng tiền thời vua Lê Thánh Tông được xem là mẫu tiền đẹp nhất, đúc với chữ, dáng đẹp, dày dặn, mẫu mực theo đúng sắc chỉ vua ban: "Công dụng của tiền tệ quí ở trên dưới lưu thông. Việc cất chứa trong kho tàng cốt sao cho để lâu không nát" (Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú).

       Bên cạnh những đồng tiền thời Lê, còn phát hiện nhiều đồng tiền Trung Quốc có niên hiệu Vĩnh Tạc (13 hiện vật), Hồng Vũ (4 hiện vật), Tuyên Đức (2 hiện vật), Chính Hòa (2 hiện vật).

       Nằm dưới lòng đất gần 6 thế kỉ, khoác trên mình nhiều lớp bụi thời gian, các hiện vật dù bị oxi hóa, hoen rỉ và thậm chí là bị mờ chữ, nhưng đây là những tư liệu quí giá phản ánh tiến trình phát triển văn hóa, lịch sử của quốc gia Đại Việt ở TK XV - XVII./.

Bài, ảnh: Trịnh Thị Phương

Cán bộ phòng nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh