Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội ngày nay), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Dưới thời Lê Sơ, sức sản sản xuất được khôi phục, việc đúc tiền được thống nhất, chất lượng tiền được nâng cao, từng bước quy phạm hóa.
Năm 1428, để khôi phục kinh tế, Lê Lợi cho lập xưởng đúc tiền ở kinh đô, đúc tiền “Thuận Thiên Nguyên Bảo”.
Đợt đầu đúc tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo tương đối ít, không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông. Tháng 12 năm đó, quy định 50 đồng tiền là 1 bách, ít hơn so với triều Trần quy định 1 bách là 69 đồng.
Tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo rất tinh tế, kích thước vừa phải, trọng lượng hợp lý, kỹ thuật đúc hơn hẳn so với các loại tiền trước đó. Bốn chữ “Thuận Thiên Nguyên Bảo” đọc chéo, kiểu chữ Khải, nhiều mẫu tiền có nét chữ to nhỏ, gầy béo khác nhau. Trong đó chữ “Bảo” là có nhiều điểm khác nhau nhất. Tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo có nhiều lần đúc bổ sung do vậy có nhiều bản khác nhau. Thư tịch ghi chép, Lê Thái Tổ cũng cho đúc tiền “Thuận Thiên Thông Bảo”, nhưng đến nay chưa phát hiện ra loại tiền này.
Lê Lợi ở ngôi được 6 năm thì băng hà, “Tệ chế luật lệ” cũng chưa được ban hành. Tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo được đúc cũng chưa nhiều, phạm vi lưu thông hạn chế. Nhưng việc đúc tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo chẳng những đã kết thúc tình trạng hỗn loạn của tiền tệ cuối thời Trần, mà còn có tác dụng tích cực góp phần ổn định kinh tế đầu thời Lê Sơ. Tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo xét về chất lượng, kỹ thuật đều có những bước tiến bộ hơn so với giai đoạn trước, là một bước chuyển biến quan trọng trong lịch sử phát triển tiền tệ Việt Nam, đặt cơ sở cho việc phát hành các loại tiền sau này.
Tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo (vua Lê Thái Tổ)
Đến đời vua Lê Thái Tông, do lượng tiền đúc dưới thời Lê Thái Tổ vẫn thiếu hụt, tình trạng hỗn loạn trong tiền tệ vẫn chưa được cải biến nhiều. Lê Thái Tông trên cơ sở vua cha, áp dụng một loạt biện pháp: phát hành tiền mới, loại trừ tệ đoan, thống nhất tiền tệ. Niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434), mùa xuân cho đúc tiền Thiệu Bình Thông Bảo, mặt khác hạ chiếu thu hồi và tiêu hủy tiền “Thông Bảo Hội Sao” thời Hồ vẫn còn được lưu thông, quy định tiền tròn lỗ vuông là loại tiền tệ chủ yếu. Đại Việt Sử ký Toàn Thư chép: ngày 4 tháng 9 năm Thiệu Bình thứ nhất “Ban hơn 600 quan tiền Thiệu Bình mới đúc cho các quan văn võ”.
Để giải quyết vấn đề tiền tệ hỗn loạn, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 6 (1439) “Tháng 3, Lê Thái Tông định lại tiền thức, cứ 60 văn là một bách (60 đồng tiền là một tiền).
Tiền Thiệu Bình Thông Bảo (vua Lê Thái Tông)
Đời Lê Thánh Tông, xã hội phong kiến bước Việt Nam bước vào giai đoạn phồn vinh, kinh tế phát triển, đảm bảo cho xã hội ổn định, chế độ phong kiến trung ương tập quyền được tăng cường mạnh mẽ. Trong 38 năm trị vì vua cho đúc 2 loại tiền là Quang Thuận Thông Bảo và Hồng Đức Thông Bảo. Tiền Quang Thuận đã bị đúc giả rất nhiều do sự phát triển của kinh tế hàng hóa, vị trí của tiền tệ trong dân gian, trộn lẫn với một số kim loại khác, đúc giả tiền Quang Thuận Thông Bảo, triều đình phải ra lệnh “nghiêm cấm phá hủy tiền đồng”, “đúc giả tiền sẽ bị nghiêm trị”, “cấm không được tiêu dùng tiền giả”. Tiền Quang Thuận Thông Bảo giả đúc rất kém, rất dễ phân biệt.
Đến năm 1470, Lê Thánh Tông cho đổi niên hiệu là Hồng Đức (1470- 1497). Niên hiệu Hồng Đức tổng cộng 28 năm, được sử sách xem là thời “thịnh thế”, nông nghiệp phát triển, nhà nước điều chỉnh nền kinh tế bằng các chính sách thuế, nguồn thu nhập dồi dào; Đông Kinh trở thành một công thương nghiệp, thủ công nghiệp có các nghề dệt vải, làm giấy, ép dầu, in ấn, luyện kim…; triều đình lập ra “Cục Bách Tác” để quản lý các ngành nghề thủ công; thủ công nghiệp nông thôn cũng phát triển hình thành các làng nghề; Thương nghiệp phồn vinh, thương nhân đi lại buôn bán trong nước dễ dàng, các phường hội tập trung tạo thành những đô thị. Tình hình chính trị tương đối ổn định, kinh tế phồn vinh. Sau khi đổi niên hiệu, Lê Thánh Tông cho đúc tiền Hồng Đức Thông Bảo.
Lê Thánh Tông hết sức coi trọng tác dụng của tiền tệ đối với xã hội, ông cho rằng: “Công dụng của tiền tệ, quý ở chỗ lưu thông trên dưới, cất ở trong kho, quý ở chỗ lâu bền”, đồng thời cũng rất coi trọng chất lượng của tiền tệ. Do vậy, triều đình một mặt năm giữ quyền đúc và phát hành tiền, mặt khác mỗi năm đều đúc bổ sung cho lưu thông một lượng nhất định. Điều này vừa giải quyết được nạn đúc tiền giả, vừa đảm bảo tính thống nhất về quy cách, chất lượng của đồng tiền. Các triều đại sau này đúc tiền ít có triều đại nào đạt đến trình độ đúc tiền Quang Thuận Thông Bảo và Hồng Đức Thông Bảo./.
Tên các loại tiền đồng thời Lê Sơ
STT |
ĐỜI VUA |
TÊN TIỀN |
NĂM |
1 |
Lê Thái Tổ |
Thuận Thiên nguyên bảo |
1428 - 1433 |
2 |
Lê Thái Tông |
Thiệu Bình thông bảo Đại Bảo thông bảo |
1434 – 1439 1440 – 1442 |
3 |
Lê nhân Tông |
Đại Hòa thông bảo Diên Ninh thông bảo |
1443 – 1453 1454 – 1459 |
4 |
Lê Thánh Tông |
Quang Thuận thông bảo Hồng Đức thông bảo |
1460 – 1469 1470 – 1497 |
5 |
Lê Hiến Tông |
Cảnh Thống thông bảo |
1498 – 1504 |
6 |
Lê Túc Tông |
|
|
7 |
Lê Uy Mục |
Đoan Khánh thông bảo |
1505 - 1509 |
8 |
Lê Tương Dực |
Hồng Thuận thông bảo |
1510 – 1516 |
9 |
Lê Chiêu Tông |
Quang Thiệu thông bảo |
1516 - 1522 |
10 |
Lê Cung Hoàng |
Thống Nguyên thông bảo |
1522 - 1527 |
Tài liệu tham khảo:
Bài: Lê Thị Dịu
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK