Trạng nguyên Vũ Duệ (1468 - 1522) lúc nhỏ có tên là Vũ Nghĩa Chi người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ông đỗ Trạng nguyên năm 22 tuổi dưới thời vua Lê Thánh Tông. Thuở nhỏ ông nổi tính ham học, thông minh gắn liền với nhiều giai thoại. Khi làm quan dưới thời Lê ông nổi tiếng là người cương trực giữ chức Đô ngự sử, sau lên tới chức Lại bộ thượng thư, Nhập nội kinh diên, hàm Thiếu bảo nhị phẩm triều đình.
Khi triều Mạc thay triều Lê, ông quyết một lòng phò vua Lê, nên đã chạy vào Thanh Hóa, nhưng không gặp được vua. Có giai thoại cho rằng ông tới Lam Kinh, Thanh Hóa, nơi thờ cúng các vua Lê sơ, thắp hương bái lạy rồi tự vẫn. Song cũng có thuyết nói ông chạy tới cửa Thần Phù, nay thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, rồi nhảy xuống biển tự tử.
Sau khi dẹp xong nhà Mạc, đến năm 1666 Vua Lê Huyền Tông bàn định công lao đã xếp Vũ Duệ đứng đầu trong số 13 công thần tử tiết phong Thượng đẳng phúc thần.
Toàn cảnh bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao
Tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, hiện nay có 5 bảo vật quốc gia (5 tấm bia), trong đó có bia Khôn Nguyên Chí Đức của Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (Thân mẫu vua Lê Thánh tông) được dựng năm 1498. Cùng với mặt trước của bia ghi lại thân thế của Hoàng Thái Hậu thì mặt sau bao gồm có bài thơ của vua Lê Hiến Tông ca ngợi Bà nội và 36 bài họa của các cận thần trong triều. Trong số 36 bài thơ này có 2 bài thơ của trạng nguyên Vũ Duệ. Đây là những bút tích quý giá của một vị đại khoa, trung thần tiêt nghĩa triều Lê./.
Cận cảnh rùa và bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao
Bài 1:
願滿慈悲化大千
飄飄雲御返西天
南朝久正東朝位
下界難留上界仙
四海母儀長仰止
兆民子育想依然
縱無紀德磨崖刻
口實心銘萬世傳。
右吏部尚書通章大夫臣武睿奉撰。
Phiên âm:
Nguyện mãn từ bi hóa đại thiên
Phiêu phiêu vân ngự phản Tây thiên
Nam triều cửu chính đông triều vị
Hạ giới nan lưu thượng giới tiên
Tứ hải mẫu nghi trường ngưỡng chỉ
Triệu dân tử dục triệu y nhiên
Túng vô kỉ đức ma nhai khắc
Khẩu thực tâm minh vạn thế truyền
Hữu Lại bộ thượng thư, Thông chương đại phu thần Vũ Duệ phụng soạn.
Dịch nghĩa:
Lòng từ bi mãn nguyện đã hóa vào thiên thu
Một mình cưỡi mây ngao du về cõi Tây thiên cực lạc
Chính sự bền lâu của nước Nam, có Người tại vị ở bên tòa Đông
Cõi hạ giới chẳng thể giữ nổi khách tiên nơi thượng giới
Bốn biển muôn dân ngưỡng vọng muôn đời
Triệu dân được nuôi dưỡng như con đẻ lòng tưởng nhớ khôn xiết
Công đức của Người từ nay có bia khắc truyền
Tạc dạ ghi tâm để lại đến muôn đời
Lại bộ thượng thư, Thông chương đại phu thần Vũ Duệ kính cẩn soạn.
Dịch thơ:
Thỏa tấm lòng thương tỏa mọi miền
Phiêu diêu tiên cực cưỡi mây lên
Tòa Đông còn đó triều Nam vững
Hạ giới đành xa thượng giới tiên
Bốn biển mẹ sinh bao ngưỡng vọng
Triệu nhà con đẻ đội ơn thiêng
Đức Người khắc dựng trên bia đá
Dạ tạc lòng ghi vạn thuở truyền.
(Hương Nao dịch)
Bài 2:
福慶巍巍貫古今
宮中佛后播徽音
儀刑文母孚邦化
保護湯孫篤聖心
天上碧桃方會宴
人間素祭已盈潛
飄飄仙馭神遊遠
蓬島雲霞歲月深
右達信大夫東閣校書臣武睿奉撰。
Phiên âm:
Phúc khánh nguy nguy quán cổ kim
Cung trung Phật hậu bá huy âm
Nghi hình Văn Mẫu phù bang hóa
Bảo hộ Thang tôn đốc thánh tâm
Thiên thượng bích đào phương hội yến
Nhân gian tố tế dĩ doanh tiềm
Phiêu phiêu tiên ngự thần du viễn
Bồng đảo sơn hà tuế nguyệt thâm
Hữu Đạt tín đại phu, Đông các hiệu thư, thần Vũ Duệ phụng soạn
Dịch nghĩa:
Phúc đức cao vời thông suốt cổ chí kim
Thái hậu là vị Hậu Phật trong cung, âm đức tỏa rạng
Bậc mẫu nghi thiên hạ, tựa Văn Mẫu phủ nước giúp dân
Bảo hộ cho con cháu nhà Thành Thang, dốc lòng vì Thánh chúa
Nay tới lúc Người đi dự hội cùng tiên ở chốn bích đào
Cõi nhân gian này một chút lễ chay mà dâng tế
Ngựa tiên thong thả, Thần du chơi ở cõi xa xăm
Tiên cảnh bồng lai thỏa nỗi tháng năm dài.
Đạt tín đại phu, Đông các hiệu thư, thần Vũ Duệ kính cẩn soạn
Dịch thơ:
Phúc sáng ngời ngời suốt xưa nay
Trong cung âm đức tỏa cao dày
Giang sơn lòng Mẹ luôn vì nước
Cháu chắt phò vua mãi rộng tay
Hội chốn thượng tiên nhiều món quý
Lễ nơi trần thế mấy đồ chay
Ngựa thần dạo gót miền xa thẳm
Vãn cảnh Bồng lai thỏa tháng ngày.
(Hương Nao dịch)
Tài liêu tham khảo:
1. Lê Văn Toan, Nguyễn Văn Hải…Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 2 Văn bia thời Lê Sơ, Nxb Thanh Hóa, 2013.
2. Trần Hồng Đức, Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2018.
Bài, ảnh: Lê Thị Loan
Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh