Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

TỪ LAM KINH - THANH HOÁ NGHĨ VỀ THĂNG LONG - HÀ NỘI


Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, đã có biết bao vĩ nhân, bao triều đại kế tiếp nhau trị vì xây dựng đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng. Vương triều Hậu Lê trong hơn 360 năm trị vì đã có nhiều cống hiến vĩ đại trong công cuộc dựng xây đất nước Đại Việt ngày xưa và Việt Nam hôm nay vững mạnh thịnh trị sánh ngang với các quốc gia lân bang. Trong công cuộc lập nghiệp và trị vì đất nước, cùng với Thăng Long, Lam Sơn - Lam Kinh là một dấu son quan trọng.

 Trong mạch nguồn của dòng chảy thời đại, Lam Sơn - Lam Kinh và kinh thành Thăng Long là một chỉnh thể kinh đô thống nhất, bổ sung và tôn vinh, xây dựng một một bức tranh huy hoàng phô diễn sức mạnh Đại Việt. Trong  lịch sử 1000 năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long thì Lam Kinh là một điểm nhấn đặc biệt.

                    1. Lam Sơn mảnh đất có truyền thống lịch sử, địa linh nhân kiệt, đất phát nghiệp đế vương.

Lam Sơn - Lam Kinh là mảnh đất có bề dày lịch sử, trải qua các thời kỳ khác nhau địa danh này đã có sự thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Tên gọi Hương Lam Sơn hay Lộ Khả Lam đã có ít nhất từ thời Trần - Hồ. Mảnh đất Lam sơn nơi sản sinh người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã được cụ tằng tổ Lê Hối chọn làm đất dừng chân lập nghiệp. Nội dung văn bia Vĩnh Lăng còn ghi lại rằng: "Vua họ Lê, huý là Lợi, tằng tổ của vua là Hối, người phủ Thanh Hoa. Một ngày kia đi chơi Lam Sơn thấy có đàn chim bay lượn dưới chân núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt, liền dời nhà đến ở đấy, được ba năm thì thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều. Việc dựng nước mở đất thực gây nền từ đây. Từ bấy giờ làm chủ một miền".  Trải qua đời cụ Tằng tổ Lê Hối đến Hiển tổ Lê Đinh và Tuyên tổ  Lê Khoáng " nối dõi nghiệp nhà" thì sinh ra đức vua Lê Lợi.

Sự tích vị sư già tên là Bạch Thạch Sơn tăng đến từ Ai Lao (Lào), đã  chỉ cho Lê Lợi mảnh đất phát nghiệp đế vương và bao nhiêu huyền tích khác đã minh chứng cho sự linh thiêng của Lam Sơn, nơi hội tụ sức mạnh bốn phương. Mảnh đất Lam Sơn giàu truyền thống lịch sử cũng là quê hương của biết bao hào kiệt và nghĩa sĩ cùng tham gia vào khởi nghĩa Lam Sơn.

Như vậy mảnh đất Lam sơn là nơi ghi dấu việc chọn đất định cư, lập nghiệp của các vị tiên tổ đức vua Lê Lợi. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng ý chí căm thù giặc, lòng yêu thương con người, hun đúc nên khí phách người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

                          2. Lam sơn là nơi tập hợp, chuẩn bị và dấy hưng khởi nghĩa Lam Sơn

Tháng 11 năm 1406 hàng chục vạn quân xâm lược nhà Minh do tướng Trương Phụ chỉ huy vượt qua biên giới tiến đánh nước ta. Vương triều Hồ, do Hồ Quý Ly đứng đầu mặc dù có quyết tâm và sự chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, nhưng do những sai lầm về cải cách và đường lối quân sự, nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ. Tháng 7 năm 1407 triều Hồ bị tiêu diệt, giặc Minh đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Vua Minh Thành tổ hạ chiếu đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, như một quận của Trung Quốc. Hàng loạt các cuộc nổi dậy do các quý tộc nhà hậu Trần lãnh đạo bị đàn áp và thất bại. Vận mệnh dân tộc đứng trước nguy cơ diệt vong bởi chính sách tàn bạo của nhà Minh nhằm triệt để tiêu hủy nền di sản văn hoá dân tộc, đẩy mạnh đồng hoá.

          Để cứu dân tộc khỏi hoạ diệt chủng, đưa đất nước vượt qua thời điểm vô vàn khó khăn, tồn tại và phát triển, khách quan lịch sử đòi hỏi phải có vị lãnh tụ kiệt xuất để tập hợp nhân dân giương cao ngọn  cờ giải phóng dân tộc.

Từ mảnh đất dựng nghiệp của ông cha, Lê Lợi trước cảnh đất nước trong xiềng xích đô hộ của giặc Minh "chí càng thêm bền, giấu mình ở Lam Sơn làm nghề cày cấy, vì giận giặc tàn bạo, càng chuyên tâm vào sách lược thao, dốc hết của nhà hậu đãi tân khách". Lê Lợi đã ngầm nuôi chí lớn và luôn chuẩn bị để đón thời cơ. Rất nhiều hào kiệt bốn phương đã về Lam Sơn tụ nghĩa. Cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu chuẩn bị với Hội thề Lũng Nhai năm 1416. Trong hội thề này Lê Lợi đã cùng 18 vị hào kiệt kết nghĩa anh em, tế cáo cùng trời đất: "Chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành". Sau Hội thề khí thế của nghĩa quân càng lên cao, lại được sự hỗ trợ tích cực của nhân dân, đầu năm 1418 tại núi rừng Lam Sơn đã rợp cờ khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với sự đồng lòng "Dưới trên một dạ cha con", " Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" nên dần đạt được những chiến thắng quan trọng. Trong những năm đầu khởi nghĩa nổ ra chủ yếu ở vùng thượng du Thanh Hoá, sau lan rộng ra cả nước. Trải qua mười năm cuộc kháng chiến đã giành thắng lợi hoàn toàn, quân Minh buộc phải rút quân về nước. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi một lần nữa thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, truyền thống anh dũng của nhân dân, và sức sống mãnh liệt của đất nước. Lam Sơn chính là nơi chiêu nạp hiền tài, nghĩa sĩ, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa.

                          3. Thăng Long vang khúc khải hoàn, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục của cả nước.

Từ cuộc khởi nghĩa nhen nhóm ở Lam Sơn chỉ với mấy trăm nghĩa quân, khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sâu rộng trên cả nước. Đầu năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn với nhiều đạo binh hùng mạnh đã thẳng tiến về Đông Quan thủ phủ của chính quyền đô hộ. Vương Thông cố thủ trong thành đợi viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo sang. Bằng sức mạnh quân sự, tài lãnh đạo của Lê Lợi và mưu lược của quân sư Nguyễn Trãi, quân ta đã thực hiện triệt để kế sách "vây thành diệt viện". Hơn 10 vạn đại binh do Liễu Thăng kéo sang đã bị quân ta đánh cho đại bại, Liễu Thăng phải bêu đầu tại cửa ải Chi Lăng, 5 vạn quân do Mộc Thạnh chỉ huy không đánh cũng tự tan vỡ khi nghe tin thất bại truyền về. Quá trình bao vây thành Đông Quan là quá trình đấu trí giữa ta và địch về chính trị, trận chiến Chi Lăng - Xương Giang thể hiện sức mạnh quân sự của đại quân Lam Sơn. Bằng sức mạnh tổng hợp và ý chí quật cường của dân tộc đã làm nên chiến thắng oanh liệt buộc quân Minh phải chấp nhận hội thề Đông Quan rút quân về nước. Sau hơn hai mươi năm đô hộ của giặc Minh, đất nước đã sạch bóng quân thù, Đại Việt lại thăng hoa trong ngày vui chiến thắng.

Với chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của giặc Minh, đem lại nền thịnh trị, thái bình cho đất nước. Lê Lợi xứng đáng là "ông tổ trung hưng đất nước lần thứ hai" như các sử gia xưa và  nay nhận xét.

Ngày 15 tháng 4 năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại kinh thành Thăng Long lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Bình Ngô Đại Cáo vang lên như khúc khải hoàn ca, một thiên cổ hùng văn, một tuyên ngôn độc lập của dân tộc sau mười năm kháng chiến. Từ đây mở ra một trang sử mới trong lịch sử đất nước:

  " Xã tắc từ đây vững bền

   Non sông từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ mà lại thái

         Nhật nguyệt hối mà lại minh"

Năm 1010 Lý Công Uẩn đã quyết định rời đô từ Hoa Lư ( Ninh Bình) ra thành Đại La và cho đổi tên thành Thăng Long. Dưới con mắt tinh tường của Lý Công Uẩn và yếu tố thời đại, Ông đã nhận thấy kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp với tình hình mới của đất nước, không tạo dựng được thế và lực quốc gia, đồng thời nhận thấy thành Đại La có vị thế đắc địa: "là chốn hội tụ quan yếu của bốn phương"" Nơi Rồng cuộn Hổ ngồi", xứng đáng là trung tâm của đất nước. Từ đây Thăng Long được chọn làm kinh đô. Lê Lợi sau thắng lợi oanh liệt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã định đô ở Thăng Long tiếp nối truyền thống của các vương triều trước. Thăng Long trở thành kinh đô của quốc gia Đại Việt, chốn phồn hoa đô hội bậc nhất dưới triều Lê Sơ.

Thăng Long là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng, tiếp sứ giả từ các nước lân bang đến cống tiến Đại Việt, nơi diễn ra nghi lễ thiết triều tôn nghiêm, tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Thăng Long chính là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, nơi quyền lực vương triều ngự trị. Trong thời gian trị vì các vua nhà Lê đã cho phục hồi và mở rộng Thăng Long để xứng tầm với vị thế đất nước và địa vị hoàng gia. Nhiều công trình kiến trúc độc đáo ghi dấu công lao của các vị vua nhà Lê, nhiều di sản quý giá là thành quả, công lao trị vì đất nước trong nhiều thế kỷ. Bản đồ trung tâm hoàng thành Thăng Long dưới thời Hồng Đức năm 1490 đã cho chúng ta thấy về quy mô của kinh thành lúc bấy giờ.

                            4. Mối quan hệ giữa Lam Sơn - Lam Kinh và Thăng Long - Hà Nội.

Quốc gia Đại Việt vừa hồi sinh sau ngày toàn thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ý thức tự tôn dân tộc, hào khí Lam Sơn sau ngày đại thắng là lý do sâu xa để triều Lê xây dựng Lam Sơn trở thành Lam Kinh. Đại Việt có Đông Đô ở đồng bằng Sông Hồng, có Lam Kinh ở đồng bằng Sông Mã - một quốc gia giàu mạnh, để láng giềng nhìn vào. Lam Kinh tồn tại song song với kinh thành Thăng Long, cùng Thăng Long để tạo thành một chỉnh thể thống nhất có mối quan mật thiết với nhau.

- Lam Sơn - Lam Kinh là nơi tiên tổ của vương triều Hậu Lê chọn làm đất lập nghiệp, là nơi chuẩn bị những yếu tố quan trọng cho khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Nơi đây vừa là căn cứ địa, nơi chiêu tập hào kiệt nghĩa sĩ bốn phương và nơi phất cờ khởi nghĩa. Từ buổi đầu khởi binh ở Lam Sơn, với sự đồng lòng trên dưới, với bản chất chính nghĩa, truyền thống và hào khí Lam Sơn đã làm nên đại thắng. Sau ngày đại thắng quân Minh, Lam Kinh trở thành vùng đất linh thiêng, gắn liện với quá trình dựng nghiệp đế vương.

- Thăng Long- Hà Nội cũng là nơi nghĩa quân Lam Sơn vây hãm quân Ngô hung bạo khiến hơn 10 vạn tinh binh của Vương Thông phải khẩn cấp "cầu hoà". Thăng Long ghi dấu sự thắng lợi vẻ vang của đoàn quân nghĩa Lam Sơn. Nơi đây trở thành biểu tượng của lòng tự hào dân tộc khi mà cờ nghĩa rợp bay khắp kinh thành còn quân giặc phải ra về trong thất bị nhục nhã. Quốc gia Đại Việt sau hơn hai mươi năm dưới sự đô hộ của nhà Minh đã lại hồi sinh, vượt qua được sức mạnh huỷ diệt trong âm mưu đồng hoá của quân thù. Đất nước thái bình Thăng Long lại quyện dáng Rồng bay.

- Sau ngày đại thắng Thăng Long lại trở về với địa vị thiêng liêng kinh đô của đất nước, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của dân tộc. Hình ảnh Thăng Long phồn hoa đô hội là minh chứng cho sự huy hoàng của đất nước dưới sự trị vì của các vua Lê.

- Sau ngày đại thắng quân Minh đất nước thịnh trị thái bình, Lam Sơn - Lam Kinh trở thành nơi tôn vinh tiên tổ, nơi thực hiện các đạo lý cao đẹp của dân tộc, mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng niệm. Nơi đây trở thành nơi an táng và thờ cúng tổ tiên, các hoàng đế, hoàng hậu thời Lê Sơ.

- Lam Sơn và Thăng Long là nơi ghi dấu những hội thề có tính bước ngoặt của chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi lãnh đạo. Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra với sự chuẩn bị chu đáo và được bắt đầu với Hội thề Lũng Nhai năm 1416 diễn ra trên mảnh đất Lam Sơn và kết thúc thắng lợi với Hội thề Đông Quan tại Thăng Long. Đây cũng chính là đặc trưng lớn nhất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: diễn ra và kết thúc bằng hội thề trên hai miền kinh đô.

- Lam Sơn là nơi "trời thử lòng trao cho mệnh lớn", mảnh đất thiêng liêng để hào kiệt và nhân dân quy tụ dưới cờ đại nghĩa. Tình cờ ý Trời hay là lòng người mà gươm báu "Thuận Thiên" được trao đến tay Lê Lợi để Người lãnh tụ của nghĩa quân dùng làm kiếm lệnh chỉ huy quân khởi nghĩa giành lại độc lập cho đất nước. Câu sấm "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" như một lời sấm để hiệu triệu muôn dân hướng về Lam Sơn tụ nghĩa. Gươm thần mang trong mình sức mạnh nghĩa quân và sức mạnh tinh thần. Lam Sơn là nơi Lê Lợi nhận binh khí trời trao để giải phóng dân tộc.

- Sau ngày đại thắng, đất nước yên bình, thuyền vua ngự trên hồ Lục Thuỷ, hiện bóng Rùa thần lên đòi Gươm, Lê Lợi đã không ngần ngại trả lại gươm thần cho Rùa vàng. (Từ đó hồ có tên gọi là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm). Hình ảnh Lê Lợi trả gươm là một hình ảnh thiêng liêng, biểu thị cho thiện ý hoà bình, binh đao là việc ngoài ý muốn. Điều này trong một ý nghĩa sâu xa đã thể hiện "chữ tín" của đức vua. Nếu Lam Sơn là nơi Lê Lợi nhận Gươm để cứu nước thì Thăng Long là nơi Đức vua Lê Thái Tổ trả gươm để gác chuyện binh đao, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân trong hoà bình.

Như vậy, trong chiều dài lịch sử của vương triều Hâu Lê Lam Sơn - Lam Kinh có mối quan hệ mật thiết về nhiều mặt với Thăng Long- Hà Nội. Đó là mối quan hệ giữa mảnh đất lập nghiệp, dựng cờ khởi nghĩa với mảnh đất vang khúc khải hoàn, định đô lập quốc, xây dựng, củng cố địa vị vương triều và dòng họ. Mối quan hệ giữa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục lớn nhất đất nước với trung tâm tín ngưỡng, tôn vinh truyền thống đạo lý, thờ cúng tổ tiên, xác định bổn phận cháu con đối với cha mẹ, quê hương đất nước. Lam Kinh chính là mô hình kinh đô thu nhỏ, mang vóc dáng của Thăng Long. Ngoài ra đó còn là mối quan hệ mang tính chất thiêng liêng ghi dấu bước phát triển của khởi nghĩa Lam Sơn. Làm nên ngày đại thắng quân Minh có chiến thắng ở Lam Sơn và nhiều trận chiến oanh liệt tại Thăng Long, Là mối quan hệ mang màu sắc thần bí trong huyền tích tại hai mảnh đất thiêng liêng. Lam Sơn - Lam Kinh và Thăng Long - Hà Nội có mối quan hệ đồng đại trong một chỉnh thể chung của kinh đô thứ nhất và kinh đô thứ hai của đất nước điểm tô cho sự  huy hoàng của hai kinh và phô diễn sức mạnh dân tộc./. 


TIN TỨC KHÁC

Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh