Lê Lộng sinh năm 1396 tại làng Khả Lam, huyện Lương Giang, phủ Thành Đô (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá).
Theo một số tài liệu sử ghi chép thì Ông là con trai của Lê Đa Mỹ, nhưng theo bản dịch nội dung Văn bia của Khai quốc công thần Lê Lộng qua bài viết “Tìm hiểu thêm về Khai quốc công thần Lê Lộng qua tấm bia mới phát hiện” của tác giả Nguyễn Văn Thắng – Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa đăng trên tạp chí Hán Nôn số 3/2009 lại ghi: “Cha húy là Miêu làm chức quan lang. Mẹ cũng họ Lê tên húy là Lậu, sinh trai hai người, con trai thứ là Luyện giữ chức Nhập nội Thiếu Uý, hành Thanh Hóa phủ, Đô Phủ quản. Ông là con trưởng, sinh năm Bính Tý (1396), đến lúc trưởng thành theo chủ soái Thái Tổ Cao Hoàng đế khởi nghĩa ở Lam Sơn”.
Lê Lộng tham gia vào khởi nghĩa Lam Sơn từ những buổi đầu. Ông là võ tướng mưu trí, gan dạ, biết quyền biến trong chiến trận.
Năm 1418, trong trận đầu đọ sức với quân Minh ở Lạc Thuỷ, Lê Lộng cùng các tướng Lam Sơn như Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý… dẫn đầu xông vào trận giặc, chem được hơn 3000 đầu giặc, thu nhiều quân tư, khí giới.
Năm 1420, quân Minh được Đồng tri Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn đường đem hơn 10 vạn quân tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn ở Mường Thôi. Lê Lộng cùng các tướng Lê Triện, Lê Vấn nhận nhiệm vụ đem binh phục kích quân giặc ở Bồ Thị Lang, đánh bại cuộc tiến công của quân giặc.
Năm 1421, Lê Lộng cùng các tướng Lê Xí, Lê Bí, Lê Lễ mang quân phục kích đánh bại giặc Minh ở đèo Ống (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá).
Năm 1422, nghĩa quân bị giặc Minh và quân Ai Lao bao vây ở Sách Khôi (thuộc vùng giáp ranh giữa Thạch Thành (Thanh Hoá) và Nho Quan (Ninh Bình) và Đông Nam tỉnh Hoà Bình. Nghĩa quân Lam Sơn rơi vào tình thế vô cùng khó khăn, đành phải liều mình phá vòng vây của giặc. Trong trận chiến đấu này, Lê Lộng cùng các tướng tiên phong xông lên trước phá trận và lập công lớn, chém được tham tướng nhà Minh là Phùng Quý và hơn nghìn đầu giặc, thu được trăm ngựa chiến.
Năm 1423, trong thời gian nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh tạm thời hoà hoãn, Lê Lộng theo Lê Lợi về căn cứ Lam Sơn để cũng cố xây dựng lực lượng, thực hiện chiến lược “Bên trong lò rèn chiến cụ
Bên ngoài giả thác hoà thân” (Phú núi Chí Linh).
Năm 1424, quân Lam Sơn mở cuộc chuyển hướng chiến lược vào Nghệ An, Lê Lộng cùng với Lê Nỗ, Lê Đa nhận mệnh đi đánh giặc ở Khả Lưu (nay thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Sau đó, Lê Thụ. Lê Văn đem quân đi đánh giặc ở Giang Ngạn để tạo thế công phá thành Tây Đô, bình định các thành ở Trường An, Thiên Trường, Kiến Xương.
Năm 1426, sau khi cả vùng rộng lớn từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn đã trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng, trở thành trung tâm của toàn bộ phong trào kháng Minh trong cả nước và đang trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Lê Lợi quyết định tổng tiến công ra Bắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Vâng mệnh Lê Lợi, Lê Lộng cùng với Lê Ngân, Lê Quốc Hưng đem binh đi đánh giặc ở Tốt Động, Ninh Kiều…chém được tướng giặc là Trần Hiệp, Lý Lượng và hơn năm vạn quân giặc. Giặc phần bị chém đầu, phần bị chết đuối, bắt sống hơn vạn quân, thu vũ khí, quân nhu, ngựa, voi, tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể. Cùng trận chiến năm đó ông còn vâng lệnh cùng Lê Mưu men theo đường sông nhỏ, thẳng về thượng lưu công phá bọn giặc làm cho chúng bối rối không biết chạy vào đường nào.
Năm Đinh Mùi (1427), Ông còn được Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cùng các tướng Trần Lựu, Phạm Bôi, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Lê Liệt, Lê Thụ, Phạm Văn Liêu… đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 100 ngựa, 5 voi chiến mai phục ở cửa ải Chi Lăng và đánh tan quân viện binh của Nhà Minh do Liễu Thăng chỉ Huy. Trận Chi Lăng đã kết liễu tướng giặc Liễu Thăng ở núi Mã Yên, đánh tan hi vọng được cứu viện của Vương Thông ở thành Đông Quan.
Đầu năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vương triều Lê Sơ được thành lập. Lê Lộng được vua ban tước Khang Vũ Hầu, Kiệt tiết tuyên lực công thần, Ngân thanh Vinh lộc đại phu, giữ chức Tả xa kỵ vệ Đại tướng quân.
Dưới thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), Lê Lộng là một cận thần được trao nhiều trọng trách của triều đình, giữ chức Tuyên úy xứ Lạng Sơn. Năm 1437, Lê Lộng lại giữ chức Tuyên uý đại sứ.
Năm 1461, vua Lê Thánh Tông phong Lê Lộng làm Đô Đốc bình chương sự. Năm 1479, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh giặc ở Ai Lao, sai Du kị Phó tướng quân Lê Lộng tiến theo đường châu Thuận để chẹn yết hầu giặc, cuộc xuất quân này đã thu được nhiều thắng lợi.
Năm 1485, Lê Lộng mất, được triều đình truy tặng tước Khang Quốc công, ban tên thuỵ là Chiêu Trang, ban phong Thượng đẳng Phúc thần. Tên tuổi của ông được mãi ghi trong sử sách. Ông là tấm gương sáng về lòng trung trinh, cần lao, tận tâm, tận lực vì đất nước.
Ngày nay, đền thờ Lê Lộng vẫn còn ở xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ ông đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh năm 2011.