Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

VAI TRÒ CỦA CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG TÂN BÌNH - THUẬN HÓA TRONG CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN


Sau khi giành được ưu thế trước quân Minh tại Nghệ An, Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn nhận thấy vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa là nơi xa xôi, tin tức không thông nên cần tranh thủ giải phóng để nhanh chóng quay ra Bắc. Do vậy, chiến dịch giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa đã diễn ra một cách thần tốc, khiến cho quân Minh phải lui về cố thủ trong thành, quân ta kiểm soát hầu như toàn bộ hai vùng đất này.

Tân Bình, Thuận Hóa là tên các vùng đất có từ trước thế kỷ XV (ngày nay thuộc địa phận các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Tân Bình là đất các châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính được sáp nhập vào Đại Việt dưới thời Lý, Thuận Hóa là đất các châu Ô, Lý được vua Chiêm là Chế Mân dâng tặng Đại Việt năm 1306 làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa. Dưới thời Trần hai vùng đất này thuộc cấp hành chính lộ. Khi quân Minh sang xâm lược đã thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý, đổi Tân Bình và Thuận Hóa thành phủ. Đến năm 1414, quân Minh cơ bản đã hoàn thành việc xâm lược Đại Việt sau khi đánh bai cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng, hai phủ Tân Bình và Thuận Hóa thuộc về sự kiểm soát của quân Minh.

Năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An mở rộng căn cứ. Sau trận đánh Khả Lưu, nghĩa quân tiến hành bao vây thành Nghệ An, đánh tan các đạo quân đến chi viện cho thành này, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp bức quân Minh trong thành phải ra hàng. Cùng lúc đó, nhận thấy quân Minh đóng ở Tân Bình, Thuận Hóa không nắm được thông tin quân Minh ngoài bắc, Lê Lợi cùng Bộ chỉ huy nghĩa quân vạch ra kế hoạch giải phóng hai phủ này trong thời gian ngắn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Mùa thu, tháng 7, vua dự đoán thành giặc ở các xứ Thuận Hóa, Tân Bình đã từ lâu không thông tin tức với Nghệ An và Đông Đô, bảo các tướng: "Người làm tướng giỏi ngày xưa bỏ chỗ rắn đánh chỗ mềm, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, như thế chỉ dùng một na sức mà nên công gấp đôi"(1)”. Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem 1000 quân cùng 1 thớt voi tiến vào Tân Bình, Thuận Hóa đánh giặc và chiêu dụ nhân dân.

Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ dẫn quân vào đến Bố Chính thì gặp một cánh quân Minh do Nhậm Năng chỉ huy. Để tiêu diệt cánh quân này, Nguyên Hãn cho quân mai phục ở chỗ hiểm yếu là Hà Khương rồi dẫn một toán quân nhỏ ra khiêu chiến rồi giả vờ thua, rút chạy về trận. Nhậm Năng mắc bẫy, dẫn toàn bộ quân đuổi theo, lọt vào trong trận phục kích. Bấy giờ Lê Nỗ chỉ huy quân mai phục từ hai phía đánh kẹp lại, quân Minh bị giết rất nhiều. Sau trận phục kích thắng lợi, đội quân của Trần Nguyên Hãn tiếp tục tiến vào Tân Bình, Thuận Hóa.

Để đảm bảo phần thắng khi số lượng quân Minh ở hai phủ Tân Bình, Thuận Hóa còn đông, Lê Lợi đã sai Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem theo 70 chiến thuyền tiến vào hỗ trợ cánh quân bộ của Trần Nguyên Hãn. Sau khi trận phục kích thắng lợi, cánh quân thủy cũng ngay lập tức đánh vào các châu huyện của hai phủ, nhân dân những nơi đó nhanh chóng quy phục nghĩa quân Lam Sơn. Quân Minh thất bại chỉ còn cách lui vào cố thủ trong thành. Sau khi đánh thắng quân Minh, Trần Nguyên Hãn cho đặt người trấn thủ rồi kéo quân trở về Nghệ An.

Với việc giải phóng vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa, nghĩa quân Lam Sơn đã mở rộng được vùng ảnh hưởng của mình từ vùng miền núi Tây Thanh Hóa trở vào đến Thuận Hóa. Sau khi giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, nghĩa quân Lam Sơn cũng thuận thế hạ được hai thành Nghệ An và Diễn Châu, chính thức kiểm soát tình hình của toàn bộ vùng phía nam Đại Việt trong năm 1425.

Kiểm soát vùng Tân Bình, Thuận Hóa ở phía nam, nghĩa quân Lam Sơn có lợi thế rất lớn, đạt được mục đích của kế hoạch tiến vào Nghệ An do Nguyễn Chích đề xuất năm 1424. Giành thắng lợi liên tiếp trong các trận đánh ở Tây Đô, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, uy tín của nghĩa quân Lam Sơn lên rất cao. Khi quân Lam Sơn đi đến đâu, người dân những nơi đó tiếp đón rất nồng hậu, thanh niên trai tráng nô nức gia nhập nghĩa quân, thanh thế nghĩa quân lên rất cao. Sau trận đánh Tân Bình, Thuận Hóa, quân lính đều suy tôn Bình Định vương Lê Lợi là Đại Thiên hành hóa(2), từ đó về sau các bảng văn cáo dụ đều có chữ ở đầu là Đại Thiên hành hóa.

Chiến dịch giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa thắng lợi đã góp phần không nhỏ thúc đẩy nghĩa Lam Sơn từ thế bị động thành chủ động. Tạo điều kiện để nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Đông Quan đánh bại lực lượng chủ lực của quân Minh, kết thúc cuộc chiến, giành lại non sông đất nước./.

Chú thích:

(1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 336

Bài: Nguyễn Văn Huấn

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ BQLDTLS Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh