Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Vật liệu kiến trúc thời Lê Sơ ở khu điện miếu Lam Kinh


Khu điện miếu Lam Kinh được xây dựng từ thế kỷ XV, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua và hoàng thái hậu thời Lê Sơ. Qua khai quật khảo cổ đã phát lộ nền móng và hệ thống những loại vật liệu kiến của điện miếu Lam Kinh, bao gồm các loại chất liệu đất nung, gỗ và đá.

Trong các loại vật liệu kiến trúc, gạch là loại hình hiện vật có số lượng nhiều nhất. Về loại hình, gạch có nhiều loại: gạch vồ, gạch lát nền, gạch bìa, gạch thỏi, gạch múi bưởi, gạch ốp trang trí...

Gạch vồ được tìm thấy số lượng nhiều nhất, có ở các móng kiến trúc. Gạch được làm từ đất sét mịn, độ nung cao, đều lửa, có hai màu cơ bản là đỏ tươi và xanh sẫm. Gạch hình hộp chữ nhật, sắc cạnh. Trên một số viên gạch vồ có đục lỗ, đường kính trung bình từ 1cm đến 1,5cm để liên kết kiến trúc. Gạch vồ không trang trí cũng không ghi niên đại, một vài viên có khắc chữ Hán như Hữu quân, Bình, Hoàng bản xã hoặc các nét vẽ hình người cưỡi voi...

Gạch vồ phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại di tích Lam Kinh năm (1997 - 1998)

Gạch lát nền tìm thấy chủ yếu qua khai quật ở nền móng Chính điện, Ngọ môn, các tòa Thái miếu. Gạch hình vuông được làm từ đất sét mịn, màu đỏ tươi, vuông thành, sắc cạnh, để trơn không trang trí, phong phú về kích thước. Đặc biệt phát hiện thấy viên gạch lát nền hình chữ nhật tại Chính điện có trọng lượng 78 kg, chiều dài 0,84m; rộng 0,45m; dày 0,13m. Có thể nói đây là viên gạch thuộc loại to và nặng nhất thuộc các công trình kiến trúc phong kiến ở nước ta được phát hiện tính đến thời điểm hiện nay.

Gạch lát nền phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ họtại di tích Lam Kinh năm (1997 - 1998)

Gạch bìa màu vàng gạch. Kích thước: dài 37cm, rộng 18cm; dày 5,5cm. Gạch dùng để khóa các hàng gạch bó móng phía nam ở tòa Thái Miếu số 5.

Gạch thỏi có kích thước: dài 21cm, rộng: 8,5cm; dày: 7,8cm. Gạch thỏi dùng để bó hai bên bậc tam cấp phía đông và nền sân phía Tây Chính điện, đảm nhiệm chức năng khóa hàng gạch nằm ở ngoài cùng và lối lên trước Nghi môn.

Gạch múi bưởi màu đỏ tươi và xám, tìm thấy ở các khu lăng mộ, chức năng chính là xây hầm mộ, cuốn vòm đỉnh mộ.

Gạch ốp trang trí hình rồng thu được ở Lam Kinh phong phú với nhiều kiểu loại khác nhau: gạch ốp trang trí hình rồng, ốp trang trí hoa văn hình sóng nước, ốp trang trí hình quả lựu, ốp trang trí hồi văn, ốp trang trí hoa và cánh sen...

Gạch ốp trang trí hình rồng phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ họtại DT - LK năm (1997 - 1998)

Ngói có số lượng nhiều thứ hai trong số các hiện vật phát hiện được ở Lam Kinh. Bao gồm các loại ngói: ngói bò, ngói ống, ngói mũi hài.

Ngói mũi hài tìm được số lượng tương đối lớn. Ngói có đặc điểm dễ nhận thấy, đó là vuông thành sắc cạnh, chỉ có mũi đơn, không thấy có mũi kép giống như thời Trần, trên phần mũi, số ít trang trí hoa sen, chủ yếu là để trơn. Trên mặt ngói, một số khắc chữ Hán, nét chữ nông, mờ: Ngũ thập thất, Hoàng bản xã.

Ngói mũ hài phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ họtại DT - LK năm (1997 - 1998)

Ngói ống tìm thấy số lượng ít. Trên mặt một số viên ngói có lỗ ở chính giữa hoặc lệch về một bên của phần trên thân để liên kết kiến trúc, một số viên đầu ngói có trang trí 2 mô típ hình rồng và hoa cúc. Qua các đơt khai quật khảo cổ học, tìm thấy loại hình ngói ống tráng men vàng lưu ly. PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện kinh thành nhận định: "đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái riêng biệt cho kiến trúc cung điện Việt Nam; hơn thế nữa, từ những ghi chép của thư tịch và triều phục trong cung có thể thấy rằng, màu vàng là màu cao cấp nhất, là màu mang tính biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế. Do đó, chúng ta có thể tin rằng, ngói men vàng thời Lê sơ cũng là loại ngói cao cấp nhất và nó được sử dụng để lợp trên mái cung điện quan trọng nhất của hoàng cung".

Ngói bò được sử dụng ở bờ nóc hoặc bờ bờ mái chảy trong kiến trúc.

Ngói bò phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ họtại DT - LK năm (1997 - 1998)

Đồ đất nung được tìm thấy với loại hình: chốt gạch, nêm, cối cửa.

Chốt gạch hình hộp chữ nhật, màu đỏ tươi. Trên phần tên viên gân còn rõ vết cắt trước khi nung. Chốt được sử dụng để liên kết các viên gạch, tạo vững chắc cho móng kiến trúc, nhất là những móng chịu lực như tường thành, hầm mộ...

Chốt gạch phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ họtại DT - LK năm (1997 - 1998)

Nêm có màu đỏ tươi, vàng gạch, xám xanh, hình giống như rìu tứ giác với phần trên dày, được vuốt mỏng dần xuống phía dưới, mỏng và sắc. Nêm được dùng để kê, chèn vào các vị trí kiến trúc.

Cối cửa được tạo ngay trên viên gạch vồ ở bề mặt móng với việc khoét lỗ tròn, đường kính khoảng 8cm - 10cm, sâu 7cm - 10cm.

Đặc trưng của vật liệu kiến trúc ở Lam Kinh là sự xuất hiện phổ biến của nhóm hiện vật gạch, ngói có chất liệu là đất nung, nổi bật có 2 màu: đỏ tươi và màu xám, chất đất mịn, độ nung cao nên khi nằm lâu trong lòng đất, hiện vật vẫn lành nguyên, rắn chắc. Các loại hình vật liệu trang trí kiến trúc được tìm thấy ở giai đoạn này đã thể hiện rất phong phú về loại hình. Đáng chú ý là nhiều loại hình mới và duy nhất được tìm thấy lần đầu như chốt gạch, nêm, các loại trang trí hình đao lửa, trang trí hình bán viên lệch. Những loại hình này chỉ có được ở các kiến trúc qui mô và ý nghĩa đối với xã hội đương thời.

Theo dõi diễn biến cũng như các đặc trưng cơ bản của nhóm vật liệu trang trí kiến trúc có thể nhận thấy tính chất "cung đình" được thể hiện rõ. Ngoài ra, trên nhiều vật liệu trang trí còn có các chữ Hán in chìm, in nổi trên một cạnh như Hữu quân hoặc Hoàng Bản xã (Nông Cống - Thanh Hóa). Những chữ viết này phản ánh nguồn gốc của các sản phẩm được huy động từ nhiều nguồn khác nhau trong quân đội và các vùng miền về xây dựng Lam Kinh. Điều đó cũng làm sáng tỏ thêm tính chất đặc biệt quan trọng của việc xây dựng các công trình kiến trúc ở Lam Kinh, đồng thời thấy phần nào qui mô của các công trình đó./.

Bài: Trịnh Phương

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ, BQL DTLS Lam Kinh

Ảnh: Bá Xuân


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh