Lê Lôi tên thật là Trương Lôi, là một công thần, danh tướng thời Lam Sơn khởi nghĩa và thời hưng thịnh của triều Lê Sơ, được Bình Định Vương Lê Lợi ban quốc tính. Lê Lôi sinh năm 1385 mất năm 1462 quê quán tại thôn Thụ Mệnh xã Lam Sơn huyện Thụy Nguyên phủ Thiệu Hóa sau đó là trấn Thanh Hóa (nay thuộc Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân), ông là danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cống hiến ở 3 triều vua, vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông tạ thế năm Quang Thuận thứ 3 đời vua Lê Thánh Tông.
Theo Lam Sơn thực lục, “Sau thấy Lê Lợi hết lòng đón mời người trốn tránh thu nạp những kẻ mưu trí nên đã quyết về với Lam Sơn Động Chủ, Trương Lôi sớm trở thành một gia nhân, gia tướng rất thân tín của Lê Lợi.”
Mùa xuân năm Bính Thân 1416 trong hội thề Lũng Nhai (thuộc Ngọc Phụng -Thường Xuân - Thanh Hóa). Trương Lôi có mặt trong đội ngũ 18 dũng sĩ đã cùng Lê Lợi kết nghĩa anh em “chung sức đồng lòng gìn giữ đất nước, làm cho nhân dân được sống yên lành. Thề sống chết cùng nhau không dám quên lời thề son sắt”.
Giữa ngày tết Nguyên Đán cổ truyền năm Mậu Tuất 1418 Lê Lợi chính thức dựng cờ khởi nghĩa. Trương lôi được Bình Định Vương Lê Lợi phong làm Tham Đốc Tham Triều hầu và cử làm đại tướng tiên phong của nghĩa quân Lam Sơn. Trương Lôi nổi tiếng với tài cầm quân lấy ít thắng nhiều, khiến giặc Minh nghe đến tên ông là đã run sợ. Chiến công oanh liệt của vị đại tướng dũng mãnh, mưu lược Trương Lôi ghi lại trong các trận đánh như “Ngày 13 tháng 4 năm Mậu Tuất Mã Kỳ dẫn quân lên Lạc Thủy và lọt vào trận địa mai phục của ta. Các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý, Trương Lôi chỉ huy nghĩa quân, chiến đấu dũng cảm và giành được thắng lợi lớn. Nghĩa quân đánh bại cuộc truy kích của địch, tiêu diệt được hàng ngàn (3000) tên địch thu được nhiều vũ khí, quân nhu”.( Theo Khởi nghĩa Lam Sơn)
Theo sách Lam Sơn thực lục thì khi tên phản nghịch Cầm Lạn dẫn đường cho bọn giặc Lý Bôn, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân đánh thẳng vào Mường Thôi, nơi nghĩa quân và Bình Định Vương Lê Lợi đang đóng quân. Trương Lôi đã cùng các tướng Lê Lý, Lê Vấn, Lê Triệu chỉ đem chừng 1000 quân tinh nhuệ, đặt mai phục tại Bồ Mộng, khi giặc đến thừa thế từ trên cao đánh xuống chém hơn nghìn đầu, phá tan hơn 10 vạn quân Minh. Một trận chiến khác thể hiện vai trò quan trọng của Trương Lôi trong những thắng lợi của nghĩa quân, đó là trận chiến trên sông Bố Chính, khi Lê Lợi đánh vào các châu Tân Bình và Thuận Hoá. Trọng trận chiến này, Thượng tướng quân Trương Lôi (Là Phó tướng của quan Tư đồ Trần Nguyên Hãn) chỉ đem một thớt voi và một số quân khoẻ mạnh đột kích vào trận, phá tan quân giặc, giúp Bình Định Vương Lê Lợi thu phục được cả hai châu Tân Bình và Thuận Hoá trong thời gian ngắn và hao tổn rất ít quân, lương
Theo Gia phả dòng họ Lê Trương: Năm Giáp Thìn (1424) Bình Định Vương Lê Lợi theo kế sách của tướng quân Nguyễn Chích, quyết định đưa quân vào vùng đồng bằng Nghệ An. Trên đường đi đại quân của Lê Lợi trong đó có đại tướng Trương Lôi đã đánh hạ thành Đa Căng, đánh lui quân cứu viện của tù trưởng Cầm Bành, đánh thành Trà Lân, đánh lui các đạo quân cứu viện của các tướng giặc Minh là Trần Trí, Lý An, Phương Chính, khiến tù trưởng Cầm Bành phải đầu hàng. Từ cuối năm 1425 nghĩa quân Lam Sơn đã làm chủ toàn bộ các vùng đất từ Thanh Hoá trở vào, đẩy giặc Minh vào thế bị động, co cụm, phòng ngự, trong đó có phần đóng góp rất lớn về trí tuệ và công sức của đại tướng Trương Lôi. Khi nghĩa quân đã hùng mạnh, từ tháng 8 năm Bính Ngọ (1426) đại quân của Bình Định Vương Lê Lợi bắt đầu Bắc tiến, trong chiến thắng trận Tốt Động, Ninh Kiều tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), dưới trướng quan Tư đồ Lê Sát, đại tướng quân Trương Lôi và các tướng Trịnh Khả, Đỗ Bí, Trương Chiến, Đinh Lễ, Lê hối và Nguyễn Xí đã đánh tan hơn 10 vạn quân cứu viện của Nhà Minh do Vương Thông, Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ chỉ huy. Đặc biệt, trong một trận chiến quan trọng diễn ra vào tháng 6 năm Đinh Mùi (1427), quyết định cục diện của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, đó là trận chiến tại Ải Chi Lăng khi An viễn hầu Liễu Thăng, Kiều quốc công Mộc Thạnh, Bảo định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Lý Khánh, Hoàng Phúc đem hơn 20 vạn quân tiếp viện chia hai đường hùng hổ tiến vào nước ta. Trong trận chiến này, hai cha con Trương Lôi – Trương Chiến được cùng sánh vai xông pha trận mạc, phá tan quân giặc và Liễu Thăng bị chém đầu tại trận.Ngoài ra ông còn tham gia nhiều trận đánh lớn khác đã góp phần xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và được Lê Thái Tổ ghi nhận lược thuật trong Lam Sơn thực Lục khi tổng kết 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn.
Ngoài việc là một dũng tướng tiên phong trận mạc, Trương Lôi còn có tài trong việc ngoại giao, dân vận. Sách Lam Sơn thực lục ghi: “Bấy giờ các châu lộ Thanh Hoá cùng bà con thân thuộc cũ của Trẫm đều tranh nhau đến cửa quân, nguyện dấn thân ra sức mưu đồ báo đáp. Chưa đầy ba ngày, bộ ngũ sắp xếp xong xuôi bên này thành Tây Đô. Ngày ngày bọn Trương Lôi yên ủi vỗ về nhân dân, rèn luyện binh sĩ…”.
Ngay từ ngày cuộc khởi nghĩa còn non yếu Trương Lôi, Trịnh Khả... từng được Bình Định Vương Lê Lợi tin cậy phái đi sứ sang Ai Lao. Vốn thông thạo đường đất và con người Ai Lao, ông cùng các tướng đã hoàn thành sứ mệnh, vừa mở mang mối bang giao vừa tranh thủ sự ủng hộ của triều đình Ai Lao về lương thực, khí giới và voi chiến. Khi nghĩa quân lên đóng ở Lô Sơn châu Quan Hóa (nay thuộc huyện Bá Thước) cũng là lúc Ai Lao đem quân sang giúp đỡ làm cho lực lượng nghĩa quân thêm mạnh góp phần quan trọng trong việc củng cố tăng cường tiềm lực chiến đấu của quân ta. Trong khi thế giặc còn mạnh, Trương Lôi theo lệnh của vua đem vàng bạc châu báu đút lót cho tướng nhà Minh là Trần Sơn, Trí Thọ, Mã Kỳ để cầu được hoãn binh kéo dài thời gian hòa hoãn để nghĩa quân có thời gian chuẩn bị lực lượng.(Theo Khởi nghĩa Lam Sơn – Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn).
Mùa xuân năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh hoàn toàn thắng lợi Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế mở đại hội các tướng sĩ bình công xét thưởng cho những chiến binh trong quân Thiết đột từ hội thề Lũng Nhai. Đại tướng quân Trương Lôi vinh dự đứng trong số 35 vị đuợc Vua trực tiếp ban thưởng Ngự danh “Bình Ngô khai quốc công thần”, Trương Lôi (Lê Lôi) đứng thứ 13. Trong Bảng Thứ Nhất Công gồm 49 người, Trương Lôi (Lê Lôi) đứng thứ 11. Trong Biểu ngạch công thần của Triều đình, Trương Lôi (Lê Lôi) thuộc Liệt hầu, đứng hàng thứ 5. Trương Lôi được tấn phong: Tham triều hầu, lộ Khả lam vì đầu tiên đón tiếp voi nghĩa, hộ quốc sự (theo đúng lời hứa của Lê Lợi trước khi khởi nghĩa). Sau khi được Vua tấn phong và ban thưởng, ba cha con Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi – Trương Chiến – Trương Nhi đã về quê vinh quy bái tổ, cũng từ đây quê của ông được đổi tên thành Thôn Quan nội.
Ngay sau khi đất nước được thái bình, Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi lại lập tức nhận được sự uỷ thác của Hoàng đế Lê Lợi, đưa quân đi trấn thủ miền biên cương biên giới phía bắc của Tổ quốc. Đại tướng quân Trương Lôi được phong “Vi đồng tổng quản Hạ Bắc Lộ vệ chư quân sự”, được tham dự triều chính. Hoàng đế Lê Lợi đã ban Thái ấp cho ông ở khu vực gần ải Chi Lăng, nay là địa phận huyện Yên Thế và Hữu Lũng thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Với tên tuổi lừng lẫy trong mười mấy năm kháng chiến của Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi, với tài cầm binh và chính sách an dân rất tốt của ông đã góp phần giữ vững biên cương phía Bắc Tổ Quốc hàng chục năm trời. Bình Ngô khai quốc công thần Đại tướng quân Trương Lôi tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng của mình là bảo vệ bình yên vùng biên cương biên giới phía bắc, trải 4 đời Vua. Đời vua Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, ông được phong đến chức quan Thái Phó. Ông mất năm Quang Thuận thứ 3 (1462) đời Vua Lê Thánh Tông, hưởng thọ 77 tuổi. Đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) được Vua Lê Thánh Tông truy tặng tước hiệu “Thái Phó Mục quận công”, ban thụy hiệu là Trực Chính. Triều đình nhà Hậu Lê sau này đã gia phong cụ là phúc thần với mỹ tự “Quân công Thống Ngữ Chữ Giang Thục Ngô Đại Vương, Thượng đẳng tối linh Thần”, sắc cho thờ phụng tại đình làng nơi quê hương Quan Nội và nơi được ban thái ấp là làng Đồng Hương, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế. (Gia phả Họ Trương Việt Nam).
Đền thờ Lê Lôi tọa lạc tại thôn Quan Nội xã Hải Hòa huyện Tĩnh Gia nay thuộc phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Đền được dựng giữa thửa đất nhìn về hướng đông nam. Đền thờ gồm 3 gian được xây dựng bằng gạch, gỗ, mái lợp ngói....nằm trong khuân viên hiện nay có diện tích 600m2, bao bọc xung quanh di tích là mầu xanh xum xuê của những cây vải cổ thụ. Di thờ đền thờ hai vị khai quốc công thần họ Lê Trương được xây dựng từ lâu đời trên khu đất của dòng họ. Trong di tích còn lại những đồ thờ: Sập tiền, long ngai, bình hương, hòm đựng sắc phong. Ở hai bên câu đầu mỗi bên có khắc 7 chữ hán bên trái chữ nổi, bên phải chữ chìm. Chữ thứ 7 ở mỗi bên bị tẩy xóa chỉ còn đọc được 6 chữ câu đầu bên trái "Tọa Hợi hướng Tỵ vạn niên" câu đầu bên phải "Cường hạnh đơn môn trọng đông".
Tương truyền qua nhiều lần tu sửa 1719, 1757, 1910, 2008, ngôi đền vẫn giữ nguyên mẫu ban đầu. Đền được xây dựng trên khu đất của Chi họ Lê Trương theo hướng đông tây gồm một ngôi nhà ba gian, năm hàng cột. Là một di tích lâu đời, ngôi đền còn lưu được nhiều đồ thờ nguyên mẫu thời Lê như Sập tiền, Long ngai, bình hương, hương án, hòm đựng hai sắc phong hai công thần Lê Lôi, Lê Chiến. Hai sắc phong ấy đều ghi ngày 2 tháng 7 năm Quý Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753).
Nội dung sắc phong được dịch tạm như sau “Sắc phong bậc Công thần vì vận mệnh quốc gia mà dẹp giặc, xây dựng đất nước hưng thịnh, sáng nghĩa cao cả. Bậc đại phu tả xa kỵ vệ Đại tướng quân, Thái bảo Triều quận công, trụ cột cao cả Trương Lôi, được ban họ Vua Lê Lôi. Có tài năng hết lòng hết sức ở trận Mường Cốc, Linh Sơn,…lên tham gia khởi nghĩa phò quốc gia, quét sạch giặc phương Bắc, giữ vững biên cương. Khi tại chức đã vì nước lập quy ước sáng suốt, chỉnh đốn chính thể. Trước sau có nhiều công huân to lớn toàn vẹ, xứng đáng phong tặng thêm là Bậc tiên phong mở phủ phò giúp nước Thượng tướng quân Thái Phó quận công Lê Lôi, ban tước Tướng công, tên thụy Trực Nghị nên có sắc phong này.
Ngày 2 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 14”./.
Tài liệu tham khảo:
1. Lam Sơn thực lục tương truyền sao từ bản gốc do Lê Lợi soạn thảo lưu ở chi họ Lê Sát, Nguyễn Diên niên khảo chứng, Lê Văn Uông dịch. NXB Khoa học 2006
2. Đại Việt Thông sử do Lê Quý Đôn soạn, Ngô Thế Long dịch. NXB Khoa học xã hội 1978
3. Bài viết Trương Lôi của Nguyễn Ngọc Khiếu trong Danh nhân Thanh Hóa của nhiều tác giả.
4. Khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn NXB Khoa học Xã hội 2011
5. Gia phả họ Trương của Trương Văn Kính biên soạn 1973.
6. Tên làng xã Thanh Hóa tập 1 – Ban nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Thanh Hóa 2000.
Bài: Ngô Việt Phương
Cán bộ phòng TCHC Ban QLDTLK