Loading...
ditichlamkinh.com.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

VUA LÊ THÁI TÔNG VỚI GIÁO DỤC VÀ KHOA CỬ


Vua Lê Thái Tông (1423- 1442) là vị vua thứ hai của triều đại Hậu Lê. Thời gian vua ở ngôi đã tạo nên một nước Đại Việt thịnh trị, thái bình: “Đời vua Thái tổ, Thái tông - Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng thèm ăn”. Để tạo nên sự thịnh trị đó, bên cạnh những quyết sách về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, vua Lê Thái Tông đã đặc biệt quan tâm đến giáo dục và khoa cử.

Toàn cảnh lăng mộ vua Lê Thái Tông

Lê Thái tông tên thật là Lê Nguyên Long, con thứ 2 của vua Lê Thái Tổ và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Vua sinh ngày 20 tháng 11 năm 1423, lên ngôi ngày 8 tháng 9 năm 1433, ở ngôi được 9 năm, thọ 19 tuổi, an táng tại Hựu Lăng (Lam Kinh).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di Địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ” (1).

Trong thời gian 20 năm đô hộ nước ta (1407-1427), nhà Minh đã thực hiện nhiều chính sách thâm độc để xóa bỏ nền văn hiến của Đại Việt như: Bắt dân ta bỏ phong tục truyền thống của dân tộc, đốt sách, phá bỏ bia ký, đưa về trung Quốc nhiều tài liệu quý giá…. Chính vì vậy sau khi đánh thắng giặc Minh vua Lê Thái Tổ đã rất chú trọng đến giáo dục, cho sửa sang lại Quốc Tử Giám, mở khoa thi để chọn hiền tài. Nối tiếp sự nghiệp đó, Vua Lê Thái Tông đã ban chiếu: “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiệt như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái lao để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho học, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi”. (2)

Ngay sau khi lên ngôi, tháng 1 năm 1434, Vua đã ra lệnh “Cho các lộ, huyện trong nước phải lập ngay danh sách người dự thi của lộ mình, hẹn đến ngày 25 tháng này phải tới bản đạo tập hợp điểm danh, đến ngày muồng 1 tháng 2 thì thi. Người nào đỗ thì được miễn lao dịch, bổ vào Quốc tử giám” (3). Đến ngày 4 tháng 2 cùng năm đã tổ chức kỳ thi trong cả nước, lấy đỗ hơn 1000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất, nhì thì đưa vào Quốc tử giám, bậc 3 thì cho về học tại các lộ.

Đến năm 1437, triều đình đã tổ chức kỳ thi Viết chữ, làm tính để bổ dụng làm thuộc lại các nha môn. Tiến hành thi cử qua ba kỳ: Kỳ thứ nhất thi viết ám tả, cổ văn; kỳ thi thứ hai thi viết chữ chân, chữ thảo; kỳ thi thứ 3 thi phép làm tính. Đối tượng dự thi cũng được quy định rõ ràng, người dân và sinh đồ đều được vào thi, giám sinh và những người đã ở sổ quan thì không được thi. Kết quả lấy đỗ 690 người.

Để chỉnh đốn lại việc thi cử, chọn lựa được nhân tài từ các địa phương đến miền kinh đô, vua đã đặt rõ thể lệ khoa thi, kỳ thi “Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 (1438), thi Hương ở các đạo, năm thứ 6, thi Hội ở sảnh đường tại Kinh đô. Từ đấy về sau cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đỗ đều được ban danh diệu tiến sĩ xuất thân” (4).

Tất cả khoa mục của kỳ thi được quy định:

Kỳ thi thứ nhất: 1 bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách 1 bài, mỗi bài từ 300 chữ trở lên.

Kỳ thi thứ 2: Chế, Chiếu, Biểu

Kỳ thi thứ 3: Thi, Phú

Kỳ thi thứ 4: Một bài văn sách từ 1000 chữ trở lên.

Thi Lại viên hỏi về ám tả. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc Tử Giám, hạng nhì bổ làm Sinh đồ và Thuộc lại bên văn

Đầu năm 1442 triều đình tổ chức khoa thi hội đầu tiên cho sĩ nhân cả nước. Về kỳ thi này, trong văn bia tại Văn miếu Quốc tử giám còn ghi chép lại khá cụ thể. Số người tham dự kỳ thi này đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy đỗ 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, nhà vua sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối, tức là vòng thi Đình.

Lúc ấy, chức danh Đề điệu (quan phụ trách toàn bộ công việc của cuộc thi) là Thượng thư Tả bộc xạ Lê Văn Linh, Giám thị là Ngự sử đài thị ngự sử Triệu Thái. Bên cạnh đó còn có quan Tuần xước: Chịu trách nhiệm tuần tra canh gác trong ngoài trường thi; Thu quyển: Thu các quyển thi của thí sinh; Di phong: Rọc phách, niêm phong các quyển thi; Đằng lục: Sao chép bài thi của thí sinh (do thể lệ trường thi ngày trước không chấm trên bài thí sinh tự viết để tránh việc nhận ra nét chữ) và Đối độc: Đọc soát bản sao so với bản chính.

Ngày mùng 2 tháng 2, vua Thái Tông ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau, các viên độc quyển là Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trình Thuấn Du, Nguyễn Tử Tấn tiến hành chấm bài của các thí sinh.

Kết quả được đưa lên để nhà vua xét định thứ bậc cao thấp: “Nguyễn Trực, Nguyễn Nhữ Đổ, Lương Như Hộc, 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; Trần Văn Huy, 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; Ngô Sĩ Liên, 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân” (5).

Ngày mùng 3 tháng 3 tổ chức lễ xướng danh treo bảng vàng. Các vị tân khoa được ban áo mũ cân đai, cho dự yến trong vườn Quỳnh Lâm, là vườn phía sau điện Kính Thiên trong hoàng cung, nơi thường tổ chức các cuộc yến tiệc lớn. Triều đình còn cấp ngựa cho các vị tân khoa vinh quy về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu. Ngày mùng 4 tháng 3, trạng nguyên Nguyễn Trực vào cung lạy chào dâng biểu tạ ơn. Đến ngày mùng 9, các vị tân khoa lại vào bệ kiến cáo từ, xin được vinh quy. "Kẻ sĩ và dân chúng Trường An đâu đâu cũng tụ tập đến xem, đều ca ngợi Thánh thượng chuộng Nho xưa nay hiếm thấy” (6).

Bên cạnh việc tổ chức các kỳ thi để chọn hiền tài giúp nước, Vua Lê Thái Tông cũng chú trọng việc tiến cử, vua ra lệnh rằng “Các ngươi nếu có lòng vì nước, lại càng phải để ý, xét hỏi rộng khắp, xem có ai còn ẩn dật trong rừng núi, hay nương náu nơi thôn dã, chưa được triều đình xét dùng tới, hãy tiến cử lấy một vài người giúp trẫm lo việc trị nước, như thế thì mới gọi là tận trung với nước, sẽ được thưởng vượt bậc” (7).

Đánh giá về những quốc sách của vua Lê Thái Tông trong việc chú trọng giáo dục, khoa cử, trong văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) đã ghi “Ôi! Thái Tông văn hoàng đế nối giữ nghiệp lớn, làm rạng danh ông cha, xem xét nhân văn, giáo hóa thiên hạ, Lấy việc trọng đạo Nho làm việc hàng đầu, coi kén chọn hiền tài tôn trọng nhân sĩ làm mưu lược lược tốt. Nghĩ việc đặt khoa thi, kén kẻ sĩ là chính sự cần làm trước nhất” (8)

Như vậy, dù vua Lê Thái Tông lên ngôi khi mới 10 tuổi và ở ngôi trong thời gian 9 năm, nhưng với thiên tư của đấng minh quân đã tạo ra một giai đoạn thịnh trị, thái bình của Đại Việt. Bằng việc chú trọng đến giáo dục và khoa cử, vua đã chọn lựa được nhiều nhân tài ra giúp nước, khiến cho nền văn hiến nước ta thêm rạng rỡ./.

Chú thích:

- 1,2,3 4,5,7: Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2009, trang: 386, 392, 399, 443,

- 6, 8: Trích trong cuốn Văn Miếu - Quốc tử giám và 82 bia tiến sĩ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 2002, trang: 81, 84

Tài liệu tham khảo:

1. Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, Lăng mộ - bia ký các vua và Hậu còn lại ở Lam Kinh, Nxb Thanh Hóa, 2012.

2. Lê Văn Toan, Nguyễn Văn Hải…Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 2 Văn bia thời Lê Sơ, Nxb Thanh Hóa, 2013.

3.  Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký thoàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2009

4. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Văn miếu Quốc tử giám và 82 bia tiến sĩ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 2002.

5. Trần Hồng Đức, Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2018.

Bài, ảnh: Trần Danh Hải

Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh

 


Audio Guide

ditichlamkinh.com.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh