Sau thất bại của cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo năm 1407, nước ta rơi vào cảnh lầm than. Trước sự thống trị tàn bạo của giặc Minh, hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã nổ ra từ vùng đồng bằng cho đến miền núi, trong đó, mảnh đất Lam Sơn nơi người anh hùng Lê Lợi đang tích cực chuẩn bị lực lượng nổi lên như một trung tâm khởi nghĩa. Từ mảnh đất Lam Sơn, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, sử dụng chiến lược khôn khéo, chuyển bị động thành chủ động, liên tiếp đánh thắng giặc, cuối cùng buộc chúng phải cầu hòa và rút quân về nước.
Năm 1407, nhà Minh lấy cớ “phù Trần diệt Hồ” để sang xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, vua tôi nhà Hồ đã tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến như tăng cường lực lượng quốc phòng tuyển mộ thêm quân, đóng chiến thuyền, đúc vũ khí, bố trí một hệ thống phòng thủ dài từ sông Đà (vùng núi Tản Viên - Ba Vì) cho đến sông Ninh (Mỹ Lộc, Nam Định). Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng giao tranh với quân Minh, quân nhà Hồ trở nên yếu thế, phải bỏ thành Tây Đô rút về vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Đến cuối năm 1407, vua tôi nhà Hồ đều rơi vào tay giặc, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ chấm dứt tại đây.
Không chịu được sự bóc lột tàn bạo của chế độ đô hộ mà nhà Minh thiết lập trên đất Đại Việt, hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã nổ ra khắp nơi, khiến cho quân Minh bao phen vất vả đánh dẹp. Giữa tình hình đấy, tại mảnh đất Lam Sơn, hào trưởng Lê Lợi đang tích cực chuẩn bị lực lượng, liên kết với các thế lực xung quanh chờ thời cơ khởi nghĩa.
Vùng đất Lam Sơn thời thuộc Minh nằm trên địa bàn hai huyện Cổ Lôi và Hương Giang, thuộc phủ Thanh Hóa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Tương truyền ông tổ 4 đời của Lê Lợi là cụ Lê Hối quê ở làng Như Áng (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) đi ngao du sơn thủy, khi đến vùng đất này thấy chim chóc quần tụ quanh núi Lam, ông cho rằng đây là vùng đất lành nên quyết định dời nhà tới đây sinh sống, lập làng, qua ba năm thì thành sản nghiệp.
Lam Sơn vốn là vùng đồi núi thấp, có rừng thưa xen kẽ các cánh đồng nhỏ. Nằm ở vùng trung du, Lam Sơn tiếp giáp với vùng rừng núi trùng điệp miền thượng du phía tây. Từ Lam Sơn có thể ngược lên Thường Xuân, Lang Chánh rồi vào Nghệ An hoặc sang Lào, cũng từ đây xuôi dòng sông Chu xuống Thiệu Hóa, Đông Sơn, Hoằng Hóa. Với điều kiện tự nhiên lý tưởng như vậy rất phù hợp cho việc nuôi binh dưỡng sĩ, liên kết với các thế lực xung quanh.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời nối nhau là hào trưởng, thấy quân Minh vô cùng bạo tàn, Lê Lợi nuôi chí hướng khởi binh quét sạch quân thù, giành lại non sông đất nước. Mến mộ danh tiếng Lê Lợi, từ các vùng xung quanh như Dựng Tú, Dao Xá, Đoán Lương, Thủy Cối, Đa Mĩ, Nguyễn Xá, Mục Sơn,... có các hào kiệt như Lê Lai, Nguyễn Lý, Lê Sao, Phạm Vấn, Đinh Liệt; xa hơn có Bùi Quốc Hưng (quê Chương Đức nay thuộc Hà Nội), Lưu Nhân Chú (quê An Thuận, nay thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên), Nguyễn Xí (quê Thượng Xá nay thuộc Nghi Lộc, Nghệ An) ... không ngại đường xa gia nhập nghĩa quân. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người thân tín đã làm lễ tế ở Lũng Nhai (nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân), kết làm anh em cùng lo việc nước.
Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với các hào kiệt dựng cờ khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định vương, lấy Lam Sơn làm căn cứ, kêu gọi Nhân dân cùng đứng lên đánh đuổi giặc Minh.
Là căn cứ của nghĩa quân cũng như là quê hương của Lê Lợi, nhiều tướng soái và nghĩa sĩ, trong giai đoạn đầu khởi nghĩa mỗi khi quân Minh tiến lên càn quét, Lam Sơn đều phải hứng chịu sự đàn áp rất khốc liệt, gây thiệt hại nặng cho nghĩa quân. Tuy nhiên, sau khi địch rút quân, Lam Sơn đã nhanh chóng khôi phục lại trạng thái ban đầu, nguồn lương thực nhờ sự phân phối của hai cha con tướng Ngô Kinh, Ngô Từ mà đầy đủ trở lại.
Từ vùng đất Lam Sơn, nghĩa quân đã từng bước phát triển lực lượng, với đề xuất tiến vào Nghệ An của Nguyễn Chích năm 1424 , lịch sử cuộc khởi nghĩa bước sang trang mới. Nghĩa quân Lam Sơn liên tiếp giành chiến thắng ở các thành Đa Căng, Nghệ An, tiến vào giải phóng Thuận Hóa, rồi ngược ra Đông Quan, đánh bại viện quân ở Chi Lăng, Lê Hoa, khiến cho quân Minh phải xin hàng rút về nước.
Khởi nghĩa thắng lợi, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, lấy niên hiệu Thuận Thiên (thuận theo ý trời), lập ra nhà Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm từ năm 1428 đến năm 1789. Năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh - Thăng Long) hay còn gọi là Lam Kinh.
Có thể nói vùng đất Lam Sơn trong thời kỳ khởi nghĩa đã đóng góp một vai trò vô cùng to lớn. Danh tiếng của Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi đã thu hút anh hùng hào kiệt, nghĩa sĩ khắp nơi hội tụ, tạo nền móng vững chắc để nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, đánh bại quân giặc, đi tới thắng lợi cuối cùng./.
Hồ Quý Ly bị bắt (tranh minh họa)
Chú thích:
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK.