Ngày 30/7/2023, Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức Hội thảo khoa học "Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường.
Tham dự hội thảo có 120 đại biểu là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở trung ương (Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Hội văn hóa dân gian Việt Nam, Hội khoa học lịch sử Việt Nam) và các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hội thảo nhận được 21 bài tham luận tập trung vào 2 nội dung chính: Thứ nhất là các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và kinh đô Vạn Lại - Yên Trường; Thứ hai là, nghiên cứu đề xuất hình thức, nội dung lễ hội Vạn Lại - Yên Trường.
Hầu hết các bản báo cáo khoa học đều khẳng định, Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường là một quần thể di tích lớn, gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt và quan trọng của nhà Hậu Lê. Các nhà khoa học cũng cơ bản nhất trí những định hướng chính cho cách thức tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, những vấn đề cơ bản sau: Có thể lựa chọn tên gọi của lễ hội là Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, hay Lễ hội kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường; Nên lấy ngày Đại kỵ vua Lê Trang Tông làm ngày chính hội (29 tháng Giêng hàng năm); Địa điểm tổ chức là đồi voi đá ngựa đá, vị trí thứ hai để tạo mối kết nối cho diễn trình lễ hội là khu vực được xác định tại địa điểm có dấu tích Đàn nam Giao.
Điểm mới và hấp dẫn của hội thảo lần này là các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu, bàn luận đến phần hồn của khu di tích - Đó là lễ hội truyền thống. Đây cũng là bước đi quan trọng, để trong tương lai gần, khu di tích lịch sử văn hóa Vạn Lại - Yên Trường được đề nghị công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hay cao hơn là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vào công tác giáo dục truyền thống và thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh của Nhân dân./.
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu về tham dự hội thảo
Tin, ảnh: Trịnh Phương
Cán bộ Phòng Nghiệp vụ, BQL DTLS Lam Kinh